Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mùa xuân cho em
Thứ hai: 14:49 ngày 25/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mười năm công tác xa nhà, gắn bó với xóm núi trơ sỏi đến từng ngọn cỏ dưới chân nhưng bước qua những cơn bão đời nghiêng ngả, nàng dù bịn rịn cũng phải “dời đô”. Nộp đơn chuyển trường ba năm, cuối cùng cũng có quyết định chuyển công tác, khi mùa đã cạn kiệt những cơn mưa.

Về lại quê mẹ, ngôi trường giữa lòng thị xã, chuẩn quốc gia, nhìn đâu cũng hoa lá xanh tươi. Trường gần ngàn học sinh, đúng chất thị xã, các em áo quần sạch sẽ thơm tho, nơ cài tóc.

Mười năm mới nhận lại chức chủ nhiệm. Đang dạy cấp 3, giờ về lại cấp 2, còn làm chủ nhiệm nữa, nàng tự dưng thấy việc này dường như quá sức. Sẽ là “mẹ” của đàn con ba mươi tám đứa - tuổi dậy thì? Hồi hộp và lo lắng, quả tim cứ nao nao theo từng nhịp bước khi tiến về lớp 7D.

Bước vào lớp, sau lời chào cùng nụ cười tươi rói thì ngay lập tức nàng hỏi sĩ số như bản năng. Dạ cô, lớp vắng 1, bạn Thanh Hận. Cô hơi sững người vì cái tên ít gặp. Vắng có phép không em? Dạ có. Đang nằm viện, bạn ấy bị bệnh, cô hỏi cô Dung (chủ nhiệm trước) sẽ được biết rõ hơn ạ.

Nàng gọi cô Dung, trò chuyện xổm thì nắm được vài thông tin. Bèn xin số của bà ngoại Thanh Hận để hỏi han kỹ càng hơn. OK, xuất viện rồi, đang trên đường về. Cô giáo đến ngay nhà học trò, liền trong buổi sáng hôm đó. Thiệt tình, nếu không được một em học trò đi trước chỉ đường thì dù mọc thêm ba đầu sáu mắt cũng khó mà tìm được nhà em. Thôn này được gọi “vùng sâu vùng xa”, nằm tách biệt với thị xã bởi một con sông và cánh đồng cỏ lau xào xạc. Nhà nhỏ xíu, nằm trơ vơ giữa mấy đám ruộng. Vào nhà, cô giáo bối rối vì không tìm ra chỗ ngồi. Bà ngoại bước lên, kéo cái ghế nhựa ra hè trò chuyện.

Bằng đôi mắt trùng trùng muộn phiền, ngoại rân rấn kể: Hồi đó, mẹ Thanh Hận xinh đẹp, học hành sáng dạ. Nhà có mười một người con nhưng chưa đứa nào lên được cấp 3 nên cả gia đình đặt hết niềm tin vào chị ấy. Khi niềm tin bị phản bội thì tình yêu biến thành nỗi đớn đau. Nỗi đớn đau càng vô hạn khi chị Thanh Kiều (mẹ Thanh Hận) bỏ kỳ thi cuối cùng của đời học sinh để chạy theo cảm xúc vớ vẩn của trái tim non trẻ. Nói “vớ vẩn”, xin lỗi tình yêu, nhưng phải tàn nhẫn nói vậy vì chị đã trao đời con gái cho gã sở khanh. Khi cái thai đậu thì tên kia cũng dông mất. Không chỉ người con gái dại khờ bẽ bàng ức chế mà cả nhà tủi hổ. Tâm trạng bất ổn thì lời nói dễ dàng trở thành điều độc hại. Kết quả sau khi hạ sinh, sản phụ đã bỏ trốn…

Bà ngoại giận đứa con khờ dại, buồn nỗi đời bạc bẽo, tàn nhẫn đặt tên Thanh Hận cho cháu. Giấy khai sinh chỉ có tên mẹ, phần cha để trống. Thấy bà ngoại ẵm cháu cho bú vú da, ai hỏi, bà nói mẹ nó sinh xong, băng huyết, chết luôn. Có người bán tin bán nghi, hỏi sao hổng thấy rùm beng trống kèn gì hết. Bà nói tỉnh bơ, thứ con gái hư hỏng, chết đâu lấp đó cho khuất mắt. Giờ cô giáo chủ nhiệm tới nhà, ngoại còn nhiệt tình lấy giấy chứng tử đưa cô coi, vẻ mặt vật vã bi thiết khiến cô giáo chỉ muốn khóc theo.

Đến lúc cô giáo chuẩn bị đi về, Thanh Hận mới bước ra chào. Cô khá ngạc nhiên vì em không đến nỗi vàng vọt và gầy còm như hình dung. Em thấy trong người thế nào? Dạ, em mệt, đau đầu. Ăn uống được không, em? Dạ, ăn ớn, em hay bị ói. Nói rồi chỉ tô mì tôm bỏ mứa trên bàn. Ôi, em bệnh sao lại ăn mì tôm? Tại nhà ở đây nên không có quán xá. Sáng ngoại phải dậy sớm đạp xe vô thị xã rửa chén, em tự lo bữa sáng. Nàng nhìn học trò thương cảm xót xa khi em kể hồi nhỏ ở với ngoại, vô lớp một vào Nam ở với dì. Khi em vừa đổ bệnh thì dì lấy chồng có con. Con dì cũng bệnh nên đành gửi em về lại ngoại. Chuyện đi viện, thuốc men bà ngoại và mấy cậu, dì xúm lo- mà ai cũng nghèo rớt- bà ngoại nói trong nước mắt.

Cô giáo xin phép về, trong đầu cứ chập chờn câu nói của bà ngoại: bị bệnh thận từ bé, đến năm học lớp ba phát nặng nên mổ. Giờ còn nổi thêm cái u ở mũi nữa. Giữa tháng 12 này sẽ đi tái khám, bác sĩ bảo thận trái đã có dấu hiệu bất thường, có khi sẽ cắt bỏ, mà nếu vậy sẽ phải chạy thận…

Nàng lật đật soạn một bức thư lời lẽ thống thiết. Dùng trang cá nhân để vận động tiền, hỗ trợ cho Thanh Hận chuẩn bị tái khám. Chỉ trong một tuần, đã vượt con số ba mươi triệu. Cô giáo muốn ngay lập tức được đặt xấp tiền vào tay bà ngoại khốn khổ. Chưa kịp dắt xe ra, điện thoại reo ngang, số máy lạ.

“Tại sao cô lại đi bịa đặt chuyện học sinh nghèo thảm nghèo thương để moi tiền thiên hạ? Cô bé còn mẹ chứ sao không? Mẹ đang làm ở nước ngoài, Dubai đó. Học sinh trường mình thiếu chi em khổ sở, sao cô lại đi tiếp tay cho sự dối trá?”.

 Ôi chao, nàng nghe mà mặt liên tục biến sắc, hết tái lại chuyển sang trắng bệch rồi đổi qua đỏ tím. Tay vẫn áp chiếc điện thoại ở tai nhưng đã bủn rủn nơi lồng ngực rồi. Số máy lạ vừa tắt thì cô hiệu tưởng gọi, nói nhanh chuyện quyên góp cho em ấy tạm dừng, giờ cô giáo mau tới trường nghen. Gì thế này? Sợ đến rụng tim rồi. Nghe kiểu nói đó, nàng nghĩ hoạ đang tới…

Bước vào phòng hiệu trưởng, cô từ tốn bảo ngồi, giới thiệu người phụ nữ đối diện là Uỷ viên Hội Cha mẹ học sinh của trường. Nàng cúi chào thì người phụ nữ ăn mặc đạo mạo lên tiếng: có người phản ánh thông tin cô đưa lên mạng để quyên góp là sai sự thật. Nhiều cha mẹ bức xúc chuyện nhà trường quyên góp cho một hoàn cảnh chưa được xác minh rõ ràng. Cô giáo tròn mắt ngơ ngác, run run kể về tờ giấy khai sinh và chứng tử mà mình đã tận mắt thấy. Và thưa, cô tự quyên cho trò nghèo như trước nay mình vẫn làm chứ không nhân danh nhà trường. Người phụ nữ đạo mạo bảo mẹ cô bé mỗi năm vẫn về thăm nhà nhưng hai năm Covid-19 liên tục nên không về được. Liền sau đó chị ấy lại có thai, sinh con nên mới có chuyện liên tiếp mấy năm không về thăm nhà thăm con. Nhưng em ấy vẫn duy trì những cuộc trò chuyện online với mẹ, không hề có chuyện không biết mặt mẹ từ lúc mới sinh.

“Xin tiền giúp học trò là việc đáng khen nhưng cô hơi vội. Khi thông tin chưa chính xác mà đã phát tán thì rất nguy hiểm. Dư luận xung quanh đang phản ứng, họ thấy tổn thương vì bị lừa”.

Nàng ngồi như bức tượng, hai bàn tay run run đan chặt vào nhau đặt trên gối. Câu nói của chị phụ huynh, về nội dung, dễ nghe gấp ngàn lần ngữ điệu nói.

“Số tiền quyên góp cô cứ tạm giữ đấy, để nhà trường họp với Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh và cho ý kiến sau”- cô hiệu trưởng chỉ đạo.

Thấy học sinh trong cơn lấn cấn thì phải tìm cách hỗ trợ thôi. Mà cô giáo có thu của ai đâu, là tiền hảo tâm từ bốn phương tám hướng thôi mà. Nhưng lần này sao lại to chuyện thế này? Những chỉ trích, bức xúc trước mắt không đáng ngại bằng chuyện học trò chuẩn bị tái khám ở Chợ Rẫy. Nàng thiết tha: Tiền em đã xin được rồi, từ những người bạn, học trò cũ đã thành đạt. Điều em trăn trở là thận cô bé đang gặp vấn đề… tới mức có thể chạy thận trong khi bà ngoại đang cảnh khó khăn. Còn chuyện em còn hay mất mẹ, mẹ ở Dubai hay Pháp em không quan tâm. Em chỉ biết em ấy cần tiền để bồi dưỡng sức khoẻ, chuẩn bị cho kỳ đại phẫu, tới mức có nguy cơ đối mặt với cái chết. Nàng nói, kiên quyết và thiết tha: mong cô cho ý kiến, hoặc em sẽ hoàn số tiền lại cho cộng đồng, hoặc sẽ ngay lập tức gửi tận tay em ấy...

Cô hiệu trưởng trầm ngâm, rồi bảo: “Thôi, tiền em tự xin, em cứ tự trao cho gia đình. Lúc nãy cô thiếu quyết đoán, xin lỗi em”. “Dạ, không, không có gì đâu cô”.

Chiều hôm đó, tại nhà học trò Thanh Hận, bà ngoại nhận tiền bằng đôi mắt áy náy. Cô giáo đưa tiền bằng đôi mắt thành tâm.

Học trò tái khám về. Kết quả tạm ổn. Nàng mừng rỡ, nhẹ người, giờ lo tết được rồi.

*  *  *

Sáng ba mươi tết. Nàng đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm tất niên thì nghe tiếng gọi cửa. Từ trong nhà, nàng thấy hai người phụ nữ, một già một trẻ. Nàng lật đật chạy ra thì gặp bà ngoại Thanh Hận. Cô mời ngoại và người phụ nữ vào nhà.

Vừa ngồi xuống ghế, người phụ nữ trẻ liền giới thiệu:

“Tôi là mẹ Thanh Hận. Hôm nay đến đây là muốn được trực tiếp cảm ơn cô!”.

Bà ngoại thấy cô giáo còn ngơ ngác liền giải thích: “Hồi đó tui giận quá, bắt mấy thằng con đi làm giấy khai tử giả cho em gái đó cô! Mà tui biết sai nên bỏ rồi cô”.

Khó mà diễn tả được tâm trạng của cô giáo lúc đó. Bất ngờ. Vui mừng… Nàng nghĩ: đứa trẻ nào chẳng được sinh ra theo ý lành của Thượng đế. Và có người mẹ nào lại chẳng thương con… “Dạ, em chỉ góp nhặt tình thương trong cộng đồng thôi, phần em chẳng có gì. Thấy chị về, em mừng cho học trò em! Đây là phần quà quý giá mà mùa xuân đã lì xì cho em ấy!”.

“Vâng, cảm ơn cô. Tôi có lỗi nhiều, với gia đình, với con cái…”. Nói rồi ngoại mở túi cầm ra chiếc phong bì dày, cẩn trọng đặt lên bàn:

- Thật cảm ơn vì những mối lương duyên của cuộc sống. Gia đình chỉ xin nhận tấm lòng của những bồ tát sống đã giúp bé trong lúc khó khăn. Giờ tôi xin gửi lại phần quà đó để cô giúp đỡ những học trò khác. Một lời khó nói hết chân thành, bây giờ hai mẹ con xin phép về để cô và gia đình sum họp cuối năm.

Trước khi bước đi, ngoại còn quay lại, xin lỗi… vì đã gây cho cô nhiều phiền phức.

Cất phong bì, nàng lật đật xuống bếp với bữa cơm cuối năm. Nấu cơm mà trong đầu cứ chờn vờn câu “trường mình còn biết bao học sinh khó khăn…”. Xong việc, nàng vội vội vàng vàng ra mở cổng, chồng hỏi đi đâu, trả lời công chuyện chút, lát em về.

Trước khi lên xe, nàng đã mở phong bì kiểm tra, tận 50 triệu. Cô giáo nhanh chóng liên hệ với nhóm zalo giáo viên chủ nhiệm của trường, xin tên và địa chỉ những học sinh khó khăn để hỗ trợ quà tết. Nàng hẹn với cô Tổng phụ trách cùng đi. Hai cô bàn bạc, quyết định trích hai phần ba số tiền xì lì tết cho các em, phần còn lại để dành làm quỹ “tiếp sức”, khi nào học sinh cần, các cô sẽ lập tức có mặt - như ông Bụt xuất hiện sau tiếng khóc của một đứa trẻ.

Đi nguyên buổi chiều, về tới nhà đã xẩm tối. Từ ngoài ngõ, nàng thấy nhà sáng choang điện và hoa tươi đã chưng trên bàn. Chậu mai với những chùm nụ bóng mượt đã được đặt ở phòng khách. Chắc hai cha con đang đợi mẹ về dùng bữa cơm tất niên vì cỗ bàn đã bày sẵn. Mẹ về rồi nè, ba! Cả ba người nhìn nhau, cùng cười.

Mùa xuân đã về.

N.T.B.N

Tin cùng chuyên mục