Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với độ cao 98 6m, đỉnh núi Bà Đen quanh năm không khí mát lạnh, lãng đãng sương mù, cỏ cây tươi tốt không khác gì một Đà Lạt thu nhỏ, thu hút khách thập phương đến vãng cảnh.
Cách đây hai trăm năm, khi biên soạn “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức đã từng mô tả núi Bà Đen: “Núi này đất đá lởm chởm cao, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí thực là u nhã, rừng rú, hang hố sâu thẳm, có thôn xóm của người Thổ (Miên) và người Việt ở la liệt, nhân dân đều nhờ món lợi của núi rừng.
Ở đây người ta hay đào được các vật xưa bằng vàng ngọc, tương truyền có khi trông thấy cả chiêng vàng ở trong hồ… Có đêm trời quang mây tạnh lại thấy có thuyền rồng bềnh bồng, hát múa du dương, hoặc có khi thấy con rùa vàng lớn hơn một trượng, ẩn hiện bất thường, là do linh khí tụ lại, chứ không phải việc quái đản” ( sđd, trang 41, Hậu học Lý Việt Dũng dịch và chú giải).
Còn về các ngôi chùa trên núi, phải kể đến ba ngôi xưa nhất là Linh Sơn Tiên Thạch Tự (1763), Linh Sơn Long Châu Tự (1864) và Linh Sơn Phước Trung Tự (1876). Nếu tính thời gian thì ngôi chùa xưa nhất ở đây là Linh Sơn Tiên Thạch Tự được xây dựng trước khi thành lập Phủ Tây Ninh (1836) tới 73 năm. Điều đó chứng tỏ rằng, tín ngưỡng Bà Đen và Phật giáo của người dân ở đây có từ rất lâu đời và đã trở thành nếp sống tinh thần không thể thiếu qua nhiều thế hệ.
Trước đây, khách hành hương chỉ lên tới Chùa Bà. Bởi đường bộ lên đỉnh núi rất vất vả, độ dốc cao, cộng thêm nhiều đá rừng, thung lũng hiểm trở, chỉ những ai có sức khoẻ tốt và công việc thật cần thiết mới leo đỉnh.
Từ ngày 18.1.2020, cáp treo lên đỉnh Núi Bà Đen được khai trương, đỉnh núi trở thành điểm đến ưa thích của du khách gần xa. Tuyến cáp treo rút ngắn hành trình chinh phục đỉnh núi Bà Đen. Hiện tại, nhà ga Vân Sơn với tổng diện tích 10.959m2, được sách kỷ lục Guinness công nhận là “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”.
Không gian trên đỉnh núi hết sức tuyệt vời. Dù là 12 giờ trưa, nhưng không khí vô cùng mát mẻ. Vườn hoa ôn đới được trồng, phối màu và bố trí theo từng khoảng đẹp mắt, không thua kém gì các vườn hoa nổi tiếng ở xứ sở sương mù. Một ấn tượng đặc biệt là hình ảnh tôn tượng Phật bà sừng sững uy nghiêm trên đỉnh núi như một linh thần trấn giữ miền biên cương của Tổ quốc.
Bức tôn tượng Phật Bà ở đây, theo chúng tôi quan sát là có sự kết hợp giữa biểu tượng Bà Đen – Linh Sơn thánh mẫu và Quán thế âm Bồ tát, tượng trong tư thế cứu độ chúng sinh. Mình tượng khoác áo choàng đen, đầu đội mão tỳ lô cách điệu, mặt quay về hướng chính đông, ánh mắt nhìn xuống, đường nét của mắt như mắt của các thần Tara trong Phật giáo Tây Tạng, tay phải kết ấn Karana mudra (lìa xa ác nghiệp thủ ấn), tay trái cầm tịnh bình chúi xuống.
Đỉnh núi chính là nơi trọng yếu trong cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại của quân và dân ta. Núi Bà Đen có vị trí chiến lược quan trọng, nên từ đầu cuộc chiến, hai bên đều dồn hết sức để kiểm soát vị trí này.
Theo các tài liệu xưa, khu vực đỉnh và đồng bằng xung quanh dưới chân núi là do quân địch chiếm giữ, còn ở lưng chừng núi là căn cứ của quân ta. Trong gần suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Liên đội 7 đã chốt giữ ở đây. Xem lại các bức ảnh tư liệu về núi, ta thấy không ít lần Mỹ trút hàng ngàn tấn bom xuống các khu vực từ sườn núi.
Đêm 6.12.1974, Tiểu đoàn trinh sát 47 được điều động về tiêu diệt căn cứ địch tại núi Bà Đen. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, quân ta bao vây địch cả tháng mà vẫn chưa chiếm được đỉnh núi. Pháo địch bắn vào quanh đỉnh núi ngày càng dữ dội. Mãi đến sáng 6.1.1975, núi Bà Đen hoàn toàn được giải phóng. Có thể nói, núi cũng như người đã chịu không ít đau thương và mất mát, để rồi hồi sinh trở lại tươi đẹp, rạng rỡ như hôm nay.
Những mùa xuân xưa trên đỉnh núi là những mùa xuân của khốc liệt chiến tranh, là mùa xuân của những người nằm xuống để đất nước đứng lên. Ngày nay, lên đỉnh núi ta thấy những dấu vết đạn bom của chiến tranh xưa hầu hết đã trầm tích vào trong lòng của quá khứ, và thay vào đó là bao sắc màu tươi mới được phủ lên.
Ở nơi đây xuân đã không còn giới hạn trong mùa. Tượng Phật Bà ngự trị trên đỉnh núi như là thông điệp của tình yêu thương gửi đến muôn loài, muôn vật và cũng là ước vọng hoà bình, an lành như lời thơ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh từng cảm tác năm xưa.
“Non linh đất phước trổ hoa thần
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng
Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân
Mây lành gió tạnh nương hơi chánh
Vóc ngọc mình băng bặt khói trần
Sắc nước hương trời nên cảm mến
Non linh đất phước trổ hoa thần”
(Vịnh hoa bạch mai trên núi Điện Bà - theo Tây Ninh xưa và nay của Huỳnh Minh, trang 287 – 288).
Hoài Chi