Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mực nước hồ Dầu Tiếng bảo đảm an toàn mùa mưa bão
Thứ bảy: 11:09 ngày 14/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay, khu vực Nam bộ đã bước vào đợt cao điểm mùa mưa năm 2024. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, dưới sự ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ mưa, bão, lũ diễn ra thường xuyên, tổng lượng mưa sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Lanh- Phó Giám đốc chi nhánh Dầu Tiếng – Phước Hoà, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam (đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao quản lý và vận hành Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, gọi tắt là Công ty) cho biết, tính đến ngày 11.9, mực nước hồ Dầu Tiếng đang ở cao trình 22,04m, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 0,96m, thấp hơn cao trình mực nước cao nhất trước lũ 1,26m. Hiện tại, Công ty tiếp tục duy trì xả dòng chảy sau đập, với lưu lượng từ 25-36m3/giây.

Ông Lanh cho biết thêm, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong các tháng cuối năm, hiện tượng La Nina sẽ tác động tiêu cực đến tình hình thời tiết, có khả năng làm tăng tổng lượng mưa và lượng dòng chảy về hồ cao hơn từ 5%-20% so với trung bình nhiều năm.

Hồ Dầu Tiếng công trình thủy lợi quan trọng cấp đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia.

Để bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình, phòng và giảm lũ cho hạ du hồ Dầu Tiếng, ngay từ đầu năm 2024, Công ty đã xây dựng kế hoạch vận hành hồ Dầu Tiếng; tổ chức kiểm tra vận hành thử máy móc, thiết bị; kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hạng mục công trình, đập, hồ chứa nước, các hệ thống quan trắc; chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, triều cường ở hạ du và tình hình khí tượng thuỷ văn trên lưu vực để có phương án vận hành điều tiết lũ hợp lý theo từng thời điểm trong mùa lũ.

Công ty sẽ chủ động tính toán điều tiết để thường xuyên duy trì mực nước hồ ở mức thấp hơn so với cao trình mực nước cao nhất trước lũ từ 0,3-0,6m, để tăng thêm dung tích phòng lũ, bảo đảm an toàn công trình, phòng và phòng lũ cho hạ du sông Sài Gòn.

Phó Giám đốc chi nhánh Dầu Tiếng – Phước Hoà Nguyễn Văn Lanh đề nghị những người dân đang canh tác tại vùng đất ngập nước trong hồ Dầu Tiếng thường xuyên theo dõi thông báo của Công ty về tình hình diễn biến mực nước hồ để có kế hoạch sản xuất kịp thời thu hoạch khi hồ tích nước theo quy trình.

Đối với người dân đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng cần có biện pháp neo đậu tàu thuyền và không tổ chức đánh bắt cá trong thời gian có dự báo mưa lớn hoặc thông báo dự báo bão, áp thấp nhiệt đới để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam tiếp tục duy trì xả dòng chảy sau đập, với lưu lượng từ 25 đến 36 m3/giây.

Riêng đối với người dân sống và có hoạt động sản xuất ven sông Sài Gòn, cần có kế hoạch sản xuất, bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý, thường xuyên theo dõi thông tin vận hành, điều tiết lũ của công ty để chủ động thu hoạch, phòng tránh ảnh hưởng khi hồ xả lũ theo quy trình.

Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, với diện tích lưu vực 270 km2, dung tích toàn bộ 1.580 triệu mét khối thuộc phạm vi 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, là công trình thuỷ lợi quan trọng cấp đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia.

Hồ được thiết kế để phục vụ quản lý khai thác đa mục tiêu, ngoài việc bảo đảm nhu cầu về nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt; chống xâm nhập mặn và điều tiết lũ khu vực hạ du sông Sài Gòn, góp phần phục vụ phát triển kinh tế các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP. Hồ Chí Minh.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục