Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Phát biểu gây sốc của Tổng thống Donald Trump rằng ông muốn Mỹ tiếp quản và tái thiết Dải Gaza có thể đã khiến nhiều người bất ngờ, nhưng nó dường như lại phù hợp với tham vọng mở rộng lãnh thổ của chính quyền mới ở Washington.
“Nước Mỹ lớn hơn”
Kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng hơn 2 tuần trước, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông dường như đã trở thành thành “Nước Mỹ lớn hơn” (America More).
Tân tổng thống Mỹ nhiều lần tuyên bố về việc mở rộng lãnh thổ Mỹ ngay cả khi ông từng cam kết sẽ giữ cho quốc gia này không bị cuốn vào các mối vướng bận bên ngoài và “các cuộc chiến vô tận”.
“Trong nhiều năm, nhiều thập kỷ, lãnh thổ của chúng ta đã không thay đổi, thậm chí có thể nhỏ đi. Điều này sẽ sớm thay đổi”, ông Trump phát biểu trước những người ủng hộ ở Las Vegas ngày 25/1, vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21/1/2025. Ảnh: Reuters
Mới nhất, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/2, ông Trump nói rằng, Mỹ sẽ tiếp quản và có thể điều quân đến Dải Gaza, khẳng định người Palestine “không có tương lai lâu dài” tại đây.
“Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và thay đổi nó. Chúng tôi sẽ sở hữu khu vực, chịu trách nhiệm rà phá bom đạn chưa nổ, san bằng mọi thứ và xóa sổ những tòa nhà đã bị phá hủy”, Tổng thống Trump cho biết.
Gaza là dải đất nhỏ, có diện tích khoảng 365 km2, giáp biên giới Israel và Ai Cập, mặt còn lại hướng ra Địa Trung Hải. Đây là một trong hai vùng lãnh thổ của người Palestine. Khu vực còn lại là Bờ Tây, giáp với Jordan, bị Israel chiếm đóng.
Ông Trump đặt ra viễn cảnh xây dựng Gaza trở thành nơi các cộng đồng quốc tế có thể chung sống hòa bình. Ông cho biết đã nghiên cứu vấn đề kỹ lưỡng trong nhiều tháng.
“Tôi thấy vị thế sở hữu lâu dài và điều này sẽ mang lại ổn định lớn cho dải đất, có thể là toàn bộ Trung Đông. Đây không phải quyết định được đưa ra một cách dễ dàng. Những người mà tôi nói chuyện đều thích ý tưởng Mỹ sở hữu dải đất đó để phát triển, tạo ra hàng nghìn việc làm”, ông nói.
Tuyên bố của ông Trump đã gây xôn xao khắp Trung Đông và trên toàn cầu, nhưng lại đặc trưng cho cách tiếp cận của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai: coi mối quan hệ với các đồng minh thân cận như Canada và Mexico chủ yếu là các mối quan hệ giao dịch và xem thế giới như một cơ hội kinh doanh lớn.
Trong vài tháng gần đây, ông Trump đã nêu khả năng Mỹ lấy lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama, đề xuất mua đảo Greenland từ Đan Mạch và nhiều lần gợi ý rằng Canada nên trở thành bang thứ 51 của Mỹ.
Con rể của ông Trump, Jared Kushner, năm 2024 từng mô tả Gaza là “tài sản quý giá bên bờ biển”.
Thủ tướng Netanyahu đánh giá cao ông Trump vì “ý tưởng độc đáo”, nhưng cả hai nhà lãnh đạo đều không đề cập đến tính hợp pháp của những gì Tổng thống Mỹ đề xuất.
Một người đàn ông Palestine đang nhìn đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy trong chiến dịch tấn công của Israel ở Rafah, phía Nam Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Dù vậy, theo ông Will Wechsler, Giám đốc cấp cao các chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, ông Trump có thể không thực sự nghiêm túc về việc Mỹ sở hữu Gaza. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ đang đưa ra các lập trường cực đoan như một chiến lược đàm phán.
“Tổng thống Trump đang theo đúng chiến lược thông thường của mình: thay đổi mục tiêu để tăng mức mạnh đàm phán trong những cuộc thương lượng sắp tới. Trong trường hợp này, đó là một cuộc đàm phán về tương lai của chính quyền Palestine”, ông Wechsler nhận định.
Liệu sẽ có “cái kết tốt đẹp”?
Liên Hợp Quốc và Mỹ từ lâu đã ủng hộ một tầm nhìn về hai nhà nước chung sống cạnh nhau trong biên giới an toàn và được công nhận. Người Palestine muốn một quốc gia ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza, tất cả đều là lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967.
Đề xuất mới của ông Trump dường như bác bỏ ý tưởng về giải pháp 2 nhà nước và thay vào đó là một mô hình mới, trong đó Mỹ có thể đóng vai trò là vùng đệm trong khu vực.
Jon Alterman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và hiện là người đứng đầu chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington cho rằng, người Palestine ở Gaza khó có thể tự nguyện rời khỏi khu vực này.
“Tôi không cho rằng sẽ có nhiều người sẵn sàng rời đi cho dù Gaza đã bị tàn phá. Tôi cũng chẳng thể tưởng tượng sẽ một cái kết tốt đẹp cho việc tái phát triển một Gaza đã bị suy giảm dân số”, ông Alterman nói.
Hàng chục người biểu tình đã tụ tập gần Nhà Trắng vào hôm 4/2 để phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Israel Netanyahu tới Mỹ và cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn sau phát biểu của ông Trump về Gaza.
Những người phản đối ông Trump và ông Netanyahu nói rằng: “Palestine không phải để bán”.
Chủ trương mở rộng lãnh thổ không phải là một phần trong cam kết tranh cử của ông Trump nhưng nó lại liên tục được đưa ra trong thời gian gần đây. Các nhà quan sát cho rằng, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro chính trị đối với cả ông Trump cũng như các đồng minh của ông trong đảng Cộng hòa.
Theo khảo sát của Reuters/Ipsos, phần lớn cử tri Mỹ không đồng tình với các ý tưởng mở rộng lãnh thổ của ông Trump.
Chỉ 16% người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ ý tưởng gây sức ép lên Đan Mạch để họ bán Greenland. Khoảng 29% ủng hộ ý tưởng lấy lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama.
Chỉ 21% đồng ý với ý tưởng Mỹ có quyền mở rộng lãnh thổ ở Tây Bán cầu và chỉ 9% số người được hỏi cho rằng Mỹ nên sử dụng lực lượng quân sự để giành các lãnh thổ mới.
Nguồn t/h