Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mùng chín vía trời, mùng mười vía đất
Thứ bảy: 20:03 ngày 17/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở Tây Ninh cũng như cả Nam bộ, đa số các gia đình đều có bàn thờ trời hay còn gọi là bàn thiên. Bàn thờ này được lập ở trước sân hay trước cửa nhà, là nơi gởi gắm những ước nguyện của con người đến đấng trời cao.

Bàn vọng thiên.

Lúc sơ khai, Tây Ninh cũng như cả Nam bộ hoàn cảnh xã hội khá phức tạp, dân cư thưa thớt, phải quy tụ nhau lại khai hoang mở cõi, sản xuất và chống trả với thiên tai, thú dữ và ngoại xâm. Sinh mạng con người bị nhiều mối đe doạ, họ phó thác cho trời, phật phù hộ và việc thờ trời, cúng phật là việc làm không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân lúc ấy.

Ở Tây Ninh cũng như cả Nam bộ, đa số các gia đình đều có bàn thờ trời hay còn gọi là bàn thiên. Bàn thờ này được lập ở trước sân hay trước cửa nhà, là nơi gởi gắm những ước nguyện của con người đến đấng trời cao. Bàn thiên ở Tây Ninh rất đơn giản, xưa chỉ là một cây cột gỗ cắm xuống giữa sân trước nhà, trên đặt một tấm ván hoặc tấm gạch tàu, dần về sau này bàn thiên được làm kiên cố hơn. Nay nhiều nhà có thờ thêm bài vị có nội dung “Thiên quan tứ phước” (天官賜福). Hằng ngày, gia chủ thắp nhang khấn nguyện trời đất rồi xá bốn phương.

Theo nhà thơ Lê Nguyên, ông già bà cả ở Tây Ninh xưa còn xem bàn vọng thiên là nơi để bái vọng về ngọn núi thiêng Bà Đen đảnh lễ Linh Sơn Thánh Mẫu - vị phúc thần của địa phương, bảo hộ cho cư dân Tây Ninh. Do xưa một phần đường về núi khó khăn, với quan niệm “hữu cầu tất ứng” nên dù ở xa nhưng có ý niệm tưởng nhớ đến thì như núi đang ở gần, Bà đang hiện diện bên cạnh.

 Trong dân gian có câu: “Mùng chín vía trời, mùng mười vía đất”, ngày vía được hiểu là ngày sinh. Trong dãy số tự nhiên, số 9 là số cao nhất của dương, được xem là số lão dương, con số hoàn hảo. Thế nên dùng số 9 để chỉ cho ngôi cao tột bực. Ngôi vua vì vậy gọi là cửu trùng. Người xưa đã rất tinh tế chọn mùng 9 tháng Giêng đầu năm làm lễ vía trời là vậy.

Đặc biệt, vào mùng 9 tết vía trời ở Tây Ninh hằng năm diễn ra lễ vía đức Chí tôn, đây là một trong những lễ hội quan trọng hàng đầu của tín đồ đạo Cao Đài. Đại lễ diễn ra từ Toà thánh Tây Ninh cho đến địa phương ở các thánh thất, điện thờ Phật mẫu… và tư gia tín đồ, đều thiết lập hoa, quả, trà, rượu, hương, đăng rực rỡ, đọc kinh nghiêm trang thành tâm cầu nguyện. Nơi Toà thánh còn diễn ra các hoạt động như múa rồng nhang, triển lãm các mô hình về lịch sử, văn hoá Việt Nam, vùng đất, con người Tây Ninh, nhạc lễ Cao Đài… mang ý nghĩa giáo dục cội nguồn dân tộc rất đặc sắc từ các họ đạo trong và ngoài tỉnh cùng thực hiện.

Sâu sắc hơn, người xưa quan niệm đã có trời ắt phải có đất, mùng 9 là dương tượng trưng cho ngày sinh của trời thì mùng 10 là âm sẽ nối tiếp theo tượng trưng ngày sinh của đất. Đối với người Việt vốn xuất phát từ văn hoá gốc nông nghiệp, trồng trọt là chính nên đất đai được xem là quan trọng nhất.

“Thổ địa giữ nhà, Thổ thần giữ đất”, qua đó cho thấy ông Địa là vị thần bản gia cai quản nhà cửa và đất đai trong khu vực nhà ở, song theo tín lý phồn thực đất sản sinh ra ngũ cốc, hoa màu, tức đem lại sự vồn vinh cho con người. Khi xưa trong các gia đình thường thờ mỗi ông Địa, trên tran thờ hay dán đôi liễn “Thổ năng sinh bạch ngọc/ Địa khả xuất hoàng kim”, theo quan niệm ngũ hành tương sinh “thổ sinh kim” tức đất sinh ra vàng bạc, tiền tài.

Khi kinh tế hàng hoá phát triển, các nhóm kinh doanh phi nông nghiệp có nhu cầu cần một vị thần chuyên trách về tiền bạc; thế là thần Tài ra đời- lấy hình tướng từ Thổ địa Phước Đức chánh thần của người Hoa. Ông Địa và ông thần Tài được xem là một đôi thờ cùng một tran. Với quan niệm hai vị gia thần chủ quản đất đai, tiền của trong gia đình.

Việc thờ ông Địa còn có ý nghĩa nhắc nhở con người biết ơn cuộc đất nơi mình đang sinh sống, phải ý thức bảo vệ đất đai, môi trường nơi mình đang ở.

Cúng vía đất mùng 10 tết nguyên đán.

Tượng ông Địa được tạo hình là người nông dân Nam bộ, với gương mặt tươi cười, hoan hỉ, có chiếc bụng phệ, đầu chít khăn, khoác áo để hở bụng. Những tượng đất nung xưa tạo tác ông Địa ngồi tựa lưng vào con cọp hoặc cưỡi cọp biểu hiện cho mơ ước của người khai hoang chế ngự được cọp.

Cũng có thể hiểu ông Địa là vị thần đứng đầu một vùng đất, không chỉ là chủ của cộng đồng dân cư mà kể cả muôn vật, trong đó có chúa sơn lâm. Ngày nay khi dấu ấn của thời mở cõi dần mờ nhạt, kinh tế phát triển, con người mưu cầu về cuộc sống thịnh vượng, giàu có nên có nhiều tượng ông Địa được tạo tác cầm thỏi vàng, ngồi trên ngai hoặc tiền vàng, không còn sự hiện diện của con cọp nữa.

Ở Tây Ninh, đa số các nhà thờ ông Địa, thần Tài trong tran thờ đặt dưới đất. Bên cạnh tượng thờ của hai ông còn có bài vị “Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần, Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần” (五方五土龍神. 前後地主財神).

Số 5 thuộc hành thổ, thổ là đất nên việc thờ ông Địa gắn liền với con số 5 như thắp 5 cây nhang, cúng 5 chung nước. Hằng ngày, gia chủ nhang khói phụng thờ, không chờ đến ngày rằm hay đầu hoặc cuối tháng mà ngày thường hoa trái, nhất là các món chuối, chè, cà phê, thuốc lá… lúc nào cũng đầy ắp.

Theo quan niệm dân gian, ông Địa rất linh thiêng, “hữu cầu tất ứng”. Người dân mất đồ thường vái ông phù hộ xin tìm được và trả lễ- có khi chỉ một nải chuối. Mọi người còn cho rằng, tượng ông Địa đi ăn cắp nhà người khác về thờ mới linh, nên trước đây hay xảy ra việc mất tượng ông.

Đặc biệt, mùng 10 tết vía đất, còn được hiểu là ngày cúng để tạ ơn đất đai, tri ân người mở đất. Ông Địa là vị thần chủ quản đất đai nên mọi người bày đồ cúng trước bàn thờ ông trong nhà. Đồ cúng thường có cá lóc nướng trui, bộ tam sên, rau lang luộc, mắm nêm… những món ăn dân dã gợi nhớ về buổi đầu khẩn hoang mở cõi của tiền nhân. Về sau này, nhất là với những người làm ăn buôn bán, mâm cúng rất thịnh soạn, ngoài vàng mã còn có cúng vàng, tiền thật.

Những năm gần đây mọi người còn xem mùng 10 tháng Giêng là ngày vía thần Tài. Trong ngày này, mọi người đi mua vàng để lấy hên, lấy lộc, cầu may mắn, sung túc, giàu có suốt năm.

Việc thờ cúng trời, đất ở Tây Ninh xuất phát từ truyền thống dân tộc, nay con cháu noi theo ông bà ngày trước mà phụng thờ. Tín ngưỡng dân gian đã góp phần làm đặc sắc thêm vào những ngày tết, thể hiện tấm lòng của hậu thế tạ ơn trời đất và tri ân người xưa khẩn hoang mở cõi, quy dân lập ấp, lập làng.

Phí Thành Phát

Tin cùng chuyên mục