Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mười khác biệt Tết xưa và nay qua góc nhìn của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Chủ nhật: 22:30 ngày 18/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tết nay so với Tết xưa có cái mới hay hơn cái cũ và cũng có nhiều cái cũ của đời xưa mà chúng ta nên tiếp tục duy trì.

LTS: Nhân dịp Tết Mậu Tuất, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ bài viết về phong tục ngày Tết của Việt Nam và những điều thay đổi trong Tết nay so với Tết xưa.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tết xưa ư? Hồi Cách mạng tháng Tám tôi mới 7 tuổi. Tôi chỉ biết lờ mờ về những mùa Tết trước đó, viết làm sao nổi. Vậy mà tôi nay đã 80 tuổi rồi.

Các bạn trẻ hôm nay làm sao có thể hình dung ra được Tết xưa?

May sao, nhà xuất bản Thế giới và Nhã Nam vừa xuất bản cuốn “Hội hè lễ tết của người Việt” của học giả Nguyễn Văn Huyên (bản dịch từ tiếng Pháp của Đỗ Trọng Quang và Trần Đỉnh).

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là nhạc phụ của tôi và là nhà dân tộc học tiên phong của nước ta.

Cuốn sách viết về các lễ tết Nguyên Đán, Thanh Minh, Đoan Ngọ, Trung Thu, lễ Tết Nam Giao, các lễ Xá tội vong nhân, Hội Phù Đổng, Hát múa Ải Lao, Các Thành Hoàng ở Bắc Ninh, Giờ xấu theo tín ngưỡng, Y phục của người Việt, các Tiên nữ ở phía nam thành cổ Thăng Long, tục thờ cúng Thần tiên ở Việt Nam…

Ảnh minh hoạ trên YouTube.com

Sách dày 422 trang với khá nhiều tranh ảnh minh hoạ. Thật là một tài liệu quý cho chúng tôi và thế hệ trẻ muốn hiểu về cha ông chúng ta đã sống như thế nào trong nền văn hoá làng xã trước đây.

Tôi chỉ xin trích đăng vài nét về Tết Nguyên đán, ngày Tết quan trọng nhất trong năm mà chúng ta đáng ngóng đợi.

Tết hay ngày đầu năm của vùng châu Á chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa là một ngày lễ mà mọi người Việt Nam đều cử hành vô cùng trọng thể…

Tết vừa theo sự vận hành của cả mặt trời lẫn mặt trăng. Nó mở đầu mùa xuân và như vậy bao giờ cũng rơi vào hạ tuần tháng Giêng dương lịch và trung tuần tháng Hai dương lịch.

Tết là từ chữ Tiết - Tiết Nguyên đán - “những buổi rạng đông của sự khởi đầu”…

Sáng hôm đó là buổi sáng linh thiêng nhất. Nó là điềm báo trước các sự kiện tốt lành của các tháng âm lịch tiếp theo.

Và tất cả các cử chỉ ta làm trong những giờ đầu tiên này đều có hiệu lực của một đạo bùa quý báu…

Người ta thổi ống tiêu để đoán tính chất điều kiện, khí hậu trong năm; người ta uống rượu để xua đi các hơi lạnh và tử khí; người ta đốt vàng mã để xua đuổi hiểm hoạ binh đao; người ta giặt quần áo để tránh mọi tật bệnh và sự khốn khổ v.v…

Trong các công sở người ta cất triện vào hòm khoá, và sự giải quyết việc công được ngừng ngay từ hôm 25 tháng Chạp, và chỉ tiếp tục lại một cách long trọng vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch…

Chẳng biến cố nào của thế giới bên ngoài có thể cướp đi ở kẻ nghèo nhất cũng như người giàu nhất niềm vui ở trong lòng này và sự thoả mãn được ăn Tết một cách xứng đáng trước bàn thờ thần linh trong nhà hoặc giữa những người cùng xứ sở…

Cả nước bị cuốn hút vào một tình cảm đồng tâm nhất trí bởi một sức mạnh vô hình đến nỗi đức vua vĩ đại Quang Trung, vào năm 1789 nổi tiếng ấy, để tập kích bất ngờ quân nhà Thanh đóng ở Thăng Long vào giữa những ngày lễ hội truyền thống, đã phải cho binh sĩ mình ăn Tết trước mấy ngày, trước khi tiến quân ra xứ Bắc…

Việc chuẩn bị cho Tết bất đầu ngay hôm sau ngày cúng thần bếp, ngày 23 tháng Chạp.

Hôm đó, Táo quân, thần trông coi đời sống của gia đình mà ngài che chở và giám sát, lên trời để tâu trình tỉ mỉ với Ngọc Hoàng về cách ăn ở của mọi người trong gia đình năm qua…

Thổ công được trình bày trên bàn thờ bằng một cặp vợ chồng, còn Táo quân là một bộ ba gồm một thần nữ có hai thần nam kèm bên…

Mọi người tìm cách lấy lòng các vị đó bằng cách cúng các vị một bữa cỗ lớn. 

Người ta đốt cho các vị thần những chiếc mũ tuyệt đẹp trang điểm hoa sặc sỡ, nhiều thoi vàng và bạc bằng hàng mã.

Người ta thả xuống con sông gần nhất những con cá chép dùng làm ngựa cho các thần đó cưỡi trên chặng đường mây dài từ đất lên trời…

Cuộc khởi hành của các thần bếp phát tín hiệu cho mọi người chuẩn bị Tết.

Ai cũng tìm cách bán tất cả các hàng hoá họ có thể bán để trang trải dứt khoát các khoản nợ…

Bởi thế, tháng Chạp âm lịch là thời kỳ hoạt động kinh tế khẩn trương. Việc mua bán phát triển một cách lạ thường ở tất cả các chợ trong nước…

Trong ngày Tết người ta cố gắng để ăn no nê hơn bình thường.

Hơn nữa, đấy là thời kỳ trao đổi quà biếu: kẻ dưới biếu xén người trên, ông lớn ban cho kẻ thuộc hạ, người ngang hàng gửi cho nhau kẹo mứt; ai nấy đều coi là vinh dự việc chi tiêu hào phóng và biếu xén bạn bè thân thích cái để “ăn Tết” và cúng tổ tiên cho tươm tất…

Phố phường có dáng vẻ rất nhộn nhịp và rất đẹp mắt. Góc nhỏ nhất cũng bị những người bán hoa, cây xanh, tranh dân gian, thực phẩm v.v…chiếm mất.

Người ta tranh nhau trả giá cao nhất củ thuỷ tiên nở bông hoa đầu tiên đúng trong đêm giao thừa, cái cây trĩu quả đỏ, cành đào hoặc hải đường với vô số nụ hồng hay đỏ v.v…

Bên trong mỗi ngôi nhà cần phải có bầu không khí nhuốm màu sắc rực rỡ là biểu tượng của hạnh phúc, điềm báo trước những sự kiện tốt lành và những lá bùa có thể xua đuổi ma quỷ cùng các ảnh hưởng độc hại…

Các ông đồ nghèo trong mười ngày trước Tết thuê góc các mặt cửa hàng hay góc một phố để bán những băng giấy đỏ, đôi khi rắc phấn vàng hay bạc…

Họ cũng thường viết trên mảnh giấy người ta đưa để lấy một khoản tiền nhỏ.

Nếu trong năm, trong gia đình có người chết thì người ta dùng giấy màu vàng hay xanh…

Giống như xưa kia, những ông đồ nghèo khốn khổ run rẩy trong tấm áo bông dài, ngồi xổm trên chiếu, đang bán những chữ Hán cuối cùng của họ, những chữ mà đối với nhiều người đã trở nên câm lặng, không nói lên một điều gì nữa…

Bên cạnh những câu đối, người ta còn dán lên cửa những mảnh giấy điều đơn giản hình chữ nhật và dán lên các cánh cửa hình vẽ các ông thần có bộ mặt gớm ghiếc xua đuổi lũ ma quỷ tai ác hại người, những vị thần vẻ mặt hiền từ cầm hoa quả tượng trưng cho sự giàu có và vinh hiển, những tranh lợn hoặc tranh gà mẹ có vô số gà con xung quanh, mang đến cho gia đình điềm báo trước một sự phồn vinh hiếm có và đông con cháu…

Người ta cho rửa đồ thờ bằng gỗ, đánh bóng lại đồ thờ bằng đồng hay thiếc.

Người ta cho thay tro của bát hương, cắm nến mới vào cây đèn nến, lau chỗ trong cùng của cây nến, rửa bài vị bằng nước rễ cây thơm v.v…

Trong bếp, người ta thay các viên gạch dùng làm kiềng và vứt xuống con sông gần đó…

Người ta kho mắm hay kho tương những nồi thức ăn truyền thống như cá, thịt bò, thịt lợn béo. Người ta muối hành hay dưa trước một tháng.

Người ta mua hoặc gói lấy những chiếc bánh chưng vuông vức theo hình quả đất được quan niệm là vuông, gồm một lớp ngoài gạo nếp dầy, bên trong có đỗ giã nhỏ bọc những miếng thịt lợn mỡ…

Tất cả những sự chuẩn bị lâu dài và tỉ mỉ này kết thúc bằng việc dựng cây nêu.

Đây là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng để lại ở ngọn những cụm lá hay buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh.

Gần đỉnh treo một cái vòng tre có buộc những con cá nhỏ, những chiéc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi.

Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đèn còn treo một cái đèn thắp ban đêm…

Trong nhiều nhà, người ta dùng vôi trắng vạch lên mặt đất, ở cổng vào, trong sân hay trên các mặt tường ngoài, hình những cây cung giương lên, chĩa mũi tên về mọi hướng.

Bằng cách đó làm một hàng rào tên bắn thần kỳ ngăn ma quỷ tiến vào nhà.

Bên cạnh những cây cung này, người ta còn vẽ những bàn cờ, để nói với thế giới vô hình rằng đấy là nơi ở linh thiêng của các thần tiên…

Đâu đâu cũng có những người bán tranh dân gian có giá trị giáo dục lớn. bằng những nét vẽ vụng về và ngây thơ, bôi màu sặc sỡ, những bức tranh này diễn tả sinh hoạt thật là bận rộn của đồng ruộng, lớp học sôi động của thầy đồ cóc, đám rước vinh quy bái tổ của ông nghè chuột, theo sau là phu nhân chuột ngồi trong kiệu, tay cầm quạt…

Dù thế nào đi nữa, mỗi đứa trẻ cũng nhận được một số ít nhiều tờ giấy nhiều màu sắc đó để dán lên vách nhà tranh bên cạnh giường nó nằm, hay xung quanh căn buồng học của nó.

Người ta thêm cho nó vài bánh pháo và bánh ngọt. Người ta lấy ra cho nó những áo quần đẹp mà nó chỉ có quyền mặc những ngày Tết, để rồi lại được cất suốt cả năm…

Trẻ con các nhà nghèo chẳng có gì ăn Tết thì đi quyên từ nhà nọ sang nhà kia trong đêm cuối cùng của tháng Chạp trước giờ giao thừa…

Chúng gõ xuống đất một ống tre dài từ 1 đến 1,5m, trong đó chúng bỏ mấy đồng xu để phát ra một âm thanh gợi lên sự giàu có.

Chúng đồng thanh cất tiếng hát bài ca cổ tả chủ nhân ngôi nhà như chủ một gia đình giàu có và vinh hiển.

Người nào cũng đưa qua lỗ cửa cho chúng vài xu… Các cửa được đóng lúc sẩm tối… Người chủ mặc lễ phục đứng trước bàn thờ tổ tiên để thỉnh các vị về ăn Tết cùng con cháu.

Và người ta thức sau bữa ăn tối để chờ năm cũ nhường chỗ cho năm mới.

Người lớn quay quần điểm lại mọi sự kiện của quá khứ và rút ra những bài học cho tương lai.

Bọn trẻ cũng không ngủ.

Chúng chờ năm mới đến chỉ để xem người lớn đón các thần mới như thế nào và người cha trong gia đình rút ra các bánh pháo quý báu đang nằm đó trong tầm mắt đầy thèm thuồng của chúng…

Quá nửa đêm, người ta kê một cái bàn ở giữa sân cúng Thượng đế cùng Táo quân sắp từ trời trở về…

Người ta đặt trước các mũ thần bằng giấy nhiều màu những đĩa kẹo, những chén trà, rượu, hương, nến v.v…

Ở nhiều nhà người ta bày lên bàn thờ một con gà trống mà chân gà sẽ nói cho chủ nhân biết, nhờ sự giải thích của các thầy cúng và thầy bói, điều ông ta phải chờ đợi trong năm đang bắt đầu…

Chủ nhà quỳ lạy trước bàn thờ này và cũng lạy cả bốn phương trời, để cầu xin ân huệ của tất cả các thần trên thế giới.

Bàn thờ tổ tiên cũng được thắp đèn sáng và kẹo bánh được dâng cúng giữa khói hương dày đặc.

Những nghi lễ hoàn toàn có tính gia đình này được đánh dấu bằng tiếng nổ đinh tai của những tràng pháo dài.

Và trong nhiều giờ, từ 11 giờ đêm tới 2,3 giờ sang, cả thành phố và nông thôn dường như phải nghe một tràng tiếng nổ không dứt…

Đêm giao thừa này còn được đánh dấu bằng những cuộc đi lễ đền chùa…

Ở tất cả các đền chùa này nghi ngút đèn hương, mọi người cả già lẫn trẻ đến dâng lên chư Phật cùng những thần linh khác những lời cầu nguyện đầu tiên…

Sau khi đi thăm các đền chùa trở về và coi là đã thấm nhuần ân huệ của các thần, người ta vững tâm xông đất nhà mình.

Vì ai cũng muốn yên trí rằng người đầu tiên bước vào nhà mình là người đem theo những dấu hiệu tốt lành.

Nếu chẳng có ai tốt hơn thì không ai chắc chắn bằng chính mình là người có khước, từ chỗ của thần thánh trở về nhà, mang về từ đó một nén hương đốt sẵn để cắm lên bàn thờ tổ tiên.

Sau lễ giao thừa mọi người đều đi ngủ. Hôm sau người ta cũng chẳng dậy muộn.

Người ta phải rửa ráy khá sớm để trông nom việc làm cơm cúng tổ tiên.

Rồi sau đó mọi người mặc quần áo đẹp nhất để đón người khách đầu tiên…

Người ta luôn luôn thu xếp để người này là kẻ mang điềm tốt đến…

Đường sá chỉ bắt đầu đông người vào quãng 10 giờ… Tất cả đều đến nhà họ hàng, bạn bè để chúc mừng năm mới…

Nhưng trước lúc đi chúc Tết các nơi, người con trưởng có tất cả các em theo sau, chúc Tết cha mẹ.

Trong dịp đó, cha mẹ mừng tuổi cho mỗi con một số tiền nhỏ và những quả cam để làm khước…

Ngay khi mở cửa đón những người khách đầu tiên thì hành khất đã đứng đó chúc gia đình bạn một năm mới tốt lành.

Những thầy đồ nghèo đưa cho gia đình bạn những những mảnh giấy điều nhỏ trên đó ghi những lời chúc gia đình thịnh vượng.

Người buôn bán thì thì mang đến gia đình những gánh nước coi như điềm báo sự giàu có vô cùng.

Những nhóm xẩm hát cho gia đình nghe những bài ca báo cho bạn và gia đình một đời sống êm ả.

Bạn phải thưởng cho những người ấy một ít tiền, cả với trẻ con mà mình sẽ gặp tại các nhà họ hàng hay bè bạn mà mình đến thăm…

Ngay vào buổi sáng đầu tiên này, học trò đến nhà thầy chúc thầy sống lâu.

Thầy cho học trò những mảnh giấy hoa tiên màu hồng và bút lông đẹp đẽ để họ viết những điềm báo trước cho cả năm…

Mọi người chọn giờ xuất hành và hướng phải đi đầu tiên để có thể gặp trên đường các thần tài, thần lộc.

Mọi người tránh nói các điều gở, vì sợ trong cả năm sẽ chịu ảnh hưởng tai hại.

Mọi người còn kiêng quét nhà đầu năm, vì sợ tài lộc sẽ cùng với rác rưởi rời khỏi nhà…

Những trang miêu tả theo phương thức khảo tả dân tộc học còn rất tỉ mỉ, chi tiết.

Điều mà tôi chưa thấy ai trước đó (năm 1941) có những miêu tả chi tiết và sống động như vậy.

Có thể hình dung thêm một cách ấn tượng hơn qua hai bài thơ "Phiên chợ Tết" của Đoàn Văn Cừ và "Ông đồ: của Vũ Đình Liên mà hầu như nhiều người trong chúng ta đều chưa quên.

Còn bây giờ có gì khác Tết xưa? Chắc mỗi chúng ta lần lượt ôn lại sẽ thấy khá rõ. Theo tôi, những khác biệt rõ nhất gồm mấy điểm sau đây:

Một là, tuy mọi người đều thấy ngày Tết thật thiêng liêng nhưng vì hoàn cảnh xa xôi, hoặc vì ngân sách gia đình, hoặc do nhu cầu công tác mà một số người vẫn không có điều kiện về sum họp với gia đình vào ngày Tết.

Ở Trung Quốc tình trạng này còn căng thẳng hơn. Tôi có một dịp có mặt tại Trung Quốc trong ngày giáp Tết.

Tại các sân ga xe lửa, bến ô tô và phòng vé máy bay mọi người đông không tưởng được. Và không phải ai cũng may mắn có được tấm vé để về kịp trước giao thừa.

Hai là, nhiều gia đình hiện nay tận dụng khả năng sum họp gia đình để xuất ngoại trong dịp nghỉ Tết.

Thường là đi trong khu vực ASEAN hay Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Họ thường lo các thủ tục Tết trong ngày 30 và mồng 1 để rồi xuất phát vào ngày mồng 2 Tết.

Ba là, thiếu hẳn pháo vì để tránh các tai nạn. Ở Trung Quốc người ta chỉ cấm đốt pháo ở thành phố còn cho đốt tự do ở nông thôn. Mất pháo thật sự là mất vui.

Về chuyện này tôi cho rằng chúng ta nên làm theo Trung Quốc.

Bốn là, chuyện phong bao “lì xì” một số người làm mất đi vẻ đẹp truyền thống.

Trước đây người ta chỉ dùng tiền lẻ để mang ý nghĩa cho tiền bạc sinh sôi.

Ngày nay nhiều người dùng số tiền lớn để trao cho nhau. Nhiều người còn mang trẻ đi qua nhiều nhà trong dịp Tết và nhiều trẻ bóc ngay phong bì rồi tỏ ngay thái độ không bằng lòng khi thấy số tiển ít ỏi.

Năm là, việc biếu quà Tết bị biến tướng thành tiền và quà hối lộ quan chức. Tuy có chủ trương ngăn cấm nhưng vẫn tồn tại bằng mọi cách.

Sáu là, hoa đào miền Bắc và hoa mai miền Nam vẫn rất đẹp nhưng thiếu hẳn các chị biết gọt củ Thuỷ tiên, cho nên các chậu Thuỷ tiên đều là nhập về từ Trung Quốc.

Bảy là, thiếu vắng các ông đồ già, thay vì bằng các ông đồ trẻ và chỉ tồn tại rất ít nơi, chủ yếu là chỉ ở bên ngoài Văn Miếu, Quốc Tử Giám.

Tám là, còn rất ít người mua tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và được thay thế bằng tranh chép nhập khá nhiều từ Trung Quốc và các loại lịch tường sản xuất trong và ngoài nước.

Chín là, mấy nơi còn có việc lập cây nêu và các phong tục kẻ vôi phòng trừ ma quỷ.

Mười là, việc đến đền chùa mang hương về nhà được thay bằng mua cây mía hay cành táo (thay cho việc bẻ cây xanh) để mang về nhà trước giao thừa.

Chắc là còn nhiều nữa. Có cái mới hay hơn cái cũ và cũng có nhiều cái cũ của đời xưa mà chúng ta nên tiếp tục duy trì.

Mong các bạn cùng nhau bổ sung thêm cho ngày Tết của chúng ta mãi mãi vui vẻ, đầm ấm và giữ được tính thiêng liêng với đất trời, với tiên tổ.

Nguồn giaoduc

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục