Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Một nghiên cứu phát triển từ công trình của các nhà khoa học đoạt giải Nobel y sinh năm 2017 cho thấy điện thoại đang khiến con người ngày càng thiếu ngủ.
Quen thức khuya có thể có nguyên nhân từ gene, nhưng việc sử dụng điện thoại khiến tình trạng này càng gây nhiều hậu quả xấu tới sức khỏe con người - Ảnh: UNIVERSAL IMAGES GROUP
Theo đài CNBC (Mỹ), đây là những kết luận quan trọng rút ra từ một nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng tới sự rối loạn giấc ngủ của con người.
Đây là nghiên cứu về tình trạng "cú đêm" của bà Alina Patke, nghiên cứu sinh tại Đại học Rockefeller, được phát triển trên cơ sở công trình nghiên cứu của nhóm 3 nhà khoa học đoạt Nobel y sinh năm 2017 là Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young trước đó đã xác định có một loạt gene tồn tại ở những "cú đêm" (những người chuyên thức khuya).
Loại gene có tên CRY1 đã điều khiển nhịp điệu sinh học của những người này, tức là chu kỳ ngủ/thức trong 24 tiếng của mọi sinh vật trên trái đất.
Sự biến đổi của loại gene CRY1 đã khiến đồng hồ sinh học trong mỗi người có thể "chạy" chậm hơn bình thường, từ đó gây ra trạng thái rối loạn giờ ngủ của mỗi người, theo kết quả nghiên cứu này.
Trái ngược với phần đông mọi người thường có xu hướng buồn ngủ lúc nửa đêm và thức dậy vào khoảng 7-8 giờ sáng hôm sau, những người bị chẩn đoán rối loạn giấc ngủ (DSPD) thường sẽ ngủ muộn hơn từ 3-4 tiếng và thức dậy vào khoảng 11 -12 giờ trưa hôm sau.
Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Alina Patke, tình trạng rối loạn giấc ngủ ngoài chuyện đương nhiên có nguyên nhân một phần từ yếu tố gene, nhưng thời gian sử dụng điện thoại hay thiết bị điện tử khác khi đã nằm lên giường ngủ cũng là một nhân tố quan trọng khác "khiến tình trạng ngày càng tồi tệ hơn".
Gene CRY1 không bị ảnh hưởng vì yếu tố ánh sáng môi trường con người tiếp xúc. Dù có ánh sáng hay không, "cú đêm vẫn là cú đêm", tuy nhiên việc tiếp xúc màn hình thiết bị làm việc rối loạn giấc ngủ càng nghiêm trọng.
Bà Patke nói: "Việc ai đó vốn có đặc tính tự nhiên quen thức khuya thì tình trạng của họ sẽ còn nặng hơn nếu người đó ngồi trước màn hình thiết bị cho tới 2 giờ sáng. Tình trạng này không tốt với bất cứ ai, nhưng đặc biệt không tốt với những người DSPD".
Ngoài việc duy trì một chế độ sinh hoạt hợp lý, trong đó có việc tắt điện thoại trước khi đi ngủ, theo các nhà nghiên cứu, hiện chưa có nhiều giải pháp điều trị cho những người DSPD.
Ngay cả việc tiến hành xét nghiệm gene để biết chính xác ai là đối tượng thuộc nhóm "cú đêm" hiện cũng chưa được phép triển khai rộng rãi.
Theo tạp chí New Yorker, trong nhiều thập kỷ người ta đã phớt lờ tác hại của tình trạng thiếu ngủ với đời sống cộng đồng. Tại Mỹ, mỗi năm, thiếu ngủ gây tổn thất về mặt kinh tế lên tới nhiều tỉ USD.
Theo tạp chí này, khoảng 47 triệu người Mỹ hiện không có được giấc ngủ đủ để hồi phục não trong đêm. Số tài xế mệt mỏi vì thiếu ngủ gây ra khoảng 20% số vụ tai nạn đường bộ, trong khi ở Mỹ mỗi năm xảy ra hơn 1 triệu vụ tai nạn như vậy.
Nguồn TTO