Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mọi công dân phải có trách nhiệm với gia đình, với xã hội và có quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo
Chiều 15.8 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự hội thảo có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở VH,TT&DL, Hội Khuyến học cùng ban, ngành liên quan.
Bình đẳng trong giáo dục
Phát biểu chỉ đạo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần nhận thức sâu sắc hơn vai trò của gia đình, xã hội. Văn hoá, con người, nguồn lực mới là điều kiện quan trọng để đến năm 2015 đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao.
Muốn được như vậy, cần tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng. Mỗi gia đình phải tạo điều kiện để mọi thành viên đều được học tập, làm giàu tri thức. “Nhiều em ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số đã vượt qua bao nhiêu rào cản để chinh phục, đến với bầu trời tri thức”- ông Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn chứng về bình đẳng trong giáo dục.
Nhấn mạnh ưu thế của công nghệ thông tin, ông Nghĩa lưu ý rằng, bên cạnh giáo dục theo phương pháp truyền thống, cần tạo ra cơ hội để học mọi lúc mọi nơi, không phải cứ đến trường mới học được. “Muốn thành người tốt trước tiên phải học. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng, học hỏi là việc suốt đời, không ai tự cho mình đã biết hết, biết đủ”- ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói tiếp.
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, phát huy vai trò của gia đình, dòng họ nhằm thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hoá học tập, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị hội thảo quan tâm, lưu ý một số vấn đề.
Trong đó, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò của gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và cung cấp nguồn lực con người và giữ vững ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước.
Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập là mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng tương lai sáng tạo và tiến bộ, xây dựng xã hội năng động, thích nghi với những thách thức của thế giới hiện đại. Do đó, cần tăng cường xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, tạo môi trường học tập đa dạng, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, khuyến khích tinh thần học tập trong cộng đồng, phát triển nền giáo dục có chất lượng, gắn kết mật thiết với thực tiễn…
Phát huy giá trị văn hoá gia đình, văn hoá dòng họ, văn hoá giáo dục để gắn kết hơn nữa giữa giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội. Giáo dục là con đường để tạo dựng, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hoá, sáng tạo, phát triển văn hoá.
Học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu, khách quan của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển xã hội. Mọi công dân phải có trách nhiệm với gia đình, với xã hội và có quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu.
Cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và mỗi người dân cần quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để triển khai tốt hơn nữa. Đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình, dòng họ; lan toả những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ; các mô hình gia đình văn hoá, các phong trào thi đua và điển hình tiêu biểu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam, góp phần xây dựng, phát triển và chấn hưng nền văn hoá Việt Nam; để cuộc sống có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn, hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.
Hiếu học, trọng học là tài nguyên vô giá
Giáo sư Vũ Minh Giang kể câu chuyện, thập niên 90 của thế kỷ trước, ông qua Nhật Bản và biết rằng, trong các thư tịch cổ của nước này, không có một chữ nào hạ thấp dân tộc Việt Nam. "Tôi đã kể cậu chuyện này ở Bộ Ngoại giao nước ta và khẳng định rằng, từ mấy trăm năm trước, những vị quan của nước ta được vua cử đi sứ nước ngoài đều rất giỏi, bản lĩnh”- Giáo sư Giang nói.
Giáo sư Vũ Minh Giang cho biết, năm 1992, ông tiếp một giáo sư người Pháp, vị này thắc mắc, tại sao những vùng đất khô cằn, khó khăn của Việt Nam lại có nhiều người đỗ đạt, khoa bảng. “Tôi đã kể cho vị giáo sư người Pháp rằng nước chúng tôi có văn hoá dòng họ, những người trong họ (có truyền thống hiếu học) luôn gom góp, ủng hộ vật chất, tinh thần cho những người ham học. Chỉ có đất nước chúng tôi mới có hình ảnh trẻ vừa chăn trâu vừa đọc sách, thậm chí nằm trên lưng trâu để đọc"- ông nói.
“Hãy coi truyền thống hiếu học, trọng học là một dạng tài nguyên và có cách thức khai thác tài nguyên đó. Từ 1945, Bác Hồ gửi thư cho học sinh trong năm đầu tiên độc lập của nước nhà, bức thư có đoạn: "Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều.
Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"- đã nói lên điều đó. Nâng đỡ một người tài được ví như cứu trăm mạng người”- Giáo sư Vũ Minh Giang kết thúc câu chuyện.
Vai trò của gia đình
Trước đó, trong phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Trung ương hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định, sự thay đổi xã hội tại mỗi quốc gia phát triển mạnh mẽ hơn khi mạng xã hội giúp các cá nhân có cùng quan điểm có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng.
Do đó, cần tăng cường xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội bồi đắp tri thức cho mọi người ở tất cả các cấp, ngành, các lĩnh vực để họ có đủ trình độ sàng lọc thông tin, phân biệt những ảnh hưởng tốt, chưa tốt của các trào lưu hiện nay.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, tư duy và nhận thức về phát triển văn hoá, giữ gìn, phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam đã được nâng lên nhưng cần được nhìn nhận kết quả đó từ góc độ vai trò của gia đình, dòng họ một cách sâu sắc, thực tế và cụ thể hơn.
Hiện nay, vai trò của gia đình, dòng họ trong vấn đề này rất lớn nhưng chưa được đề cập nhiều trong các công trình nghiên cứu và lan toả trong xã hội, đặc biệt là về văn hoá giáo dục vì giáo dục là con đường tạo dựng hệ các giá trị văn hoá. Giáo dục là một thiết chế của văn hoá và giáo dục cũng chính là văn hoá- học để phát triển văn hoá, đó là quan hệ nhân quả, không thể tách rời.
Chủ tịch Trung ương hội Khuyến học Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, Trung ương hội đề nghị và được Chính phủ đồng ý, giao thực hiện các mô hình học tập. Quá trình thực hiện các mô hình học tập cho thấy, gia đình, dòng họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục truyền thống, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục, an ninh - quốc phòng... của địa phương, được chính quyền các cấp và xã hội đánh giá cao.
GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng cần đánh giá toàn diện hơn vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam thông qua việc thực hiện các mô hình, quan tâm việc phát triển văn hoá gia đình, văn hoá dòng họ.
Việt Đông
Trên cơ sở chủ đề hội thảo, bà Nguyễn Thị Doan đề nghị đại biểu tập trung làm rõ 4 vấn đề trọng tâm, gồm: Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập thông qua công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; Mối quan hệ giữa “Gia đình học tập” với “Gia đình văn hoá”, “Tổ văn hoá” với “Cộng đồng học tập” trong bình xét các danh hiệu thi đua hiện nay; Mối quan hệ giữa phát triển văn hoá giáo dục với phát triển văn hoá dân tộc trong thời kỳ mới; Đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo các cấp về việc quan tâm đến văn hoá gia đình, văn hoá dòng họ, văn hoá giáo dục... trong quá trình phát triển văn hoá dân tộc.