Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bằng cách phân tích mẫu máu, các nhà nghiên cứu sẽ có thể biết được liệu một người có thể sản sinh ra một số kháng thể nhất định trong máu để chống lại virus khi bị nhiễm và phục hồi.
Nhóm nghiên cứu Mỹ làm việc tại phòng thí nghiệm điều chế thuốc chống virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Ngày 5/4, người phát ngôn Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cơ quan này đã bắt đầu tiến hành các xét nghiệm máu nhằm giúp xác định người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng do khả năng miễn dịch của cơ thể đối với loại virus này.
Theo người phát ngôn, những xét nghiệm huyết thanh học, hoặc khảo sát huyết thanh, khác với các xét nghiệm mũi gạc được sử dụng để chẩn đoán các trường hợp mắc COVID-19.
Bằng cách phân tích mẫu máu, các nhà nghiên cứu sẽ có thể biết được liệu một người có thể sản sinh ra một số kháng thể nhất định trong máu để chống lại virus khi bị nhiễm và phục hồi.
Như vậy, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể của một bệnh nhân sản sinh ra được kháng thể để chống việc tái nhiễm, thì những bệnh nhân này có thể không cần ở nhà như hàng triệu người dân khác và đi làm trở lại.
Những xét nghiệm này cũng giúp thu thập số liệu trước đó về mức độ lan rộng của virus SARS-CoV-2 bởi việc xét nghiệm nhiễm virus hiện không được thực hiện rộng rãi dù nhiều người trước đó đã có các triệu chứng mắc COVID-19 và chỉ nhận được yêu cầu tự cách ly ở nhà mà không có kết quả chẩn đoán chính thức, trong khi đó một số người khác có thể bị nhiễm mà lại không có các triệu chứng.
Theo thông tin từ health journalism outlet Stat, các cuộc khảo sát huyết thanh sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn với 3 nhóm đối tượng, gồm những người tại "các điểm nóng" như New York và Seattle mà không được chẩn đoán qua xét nghiệm; nhóm những người đại diện ở những vùng có mức độ lây nhiễm khác nhau trên khắp nước Mỹ; và nhóm là các nhân viên y tế.
Giai đoạn đầu tiên đã được tiến hành đối với những người sống ở vùng dịch do công ty Cellex triển khai, theo đó sẽ trích huyết tương trên một ngón tay và có kết quả trong 15 phút; giai đoạn thứ hai có thể sẽ bắt đầu vào mùa hè này, tuy nhiên chưa có thời gian cụ thể cho giai đoạn thứ 3.
Ông Joe Bresee, Phó giám đốc phụ trách về ứng phó với đại dịch của CDC khẳng định, các nghiên cứu về huyết thanh sẽ rất quan trọng để hiểu được mức độ lây nhiễm thực sự đối với virus này trong cộng đồng, đồng thời cho biết CDC mới bắt đầu xét nghiệm và sẽ sớm thông báo kết quả.
Việc tiến hành các xét nghiệm trên sẽ giúp các cơ quan chức năng chuẩn bị tốt hơn cho việc ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Mỹ hiện là tâm điểm dịch COVID-19 trên thế giới. Theo số liệu do Trung tâm Hệ thống Khoa học và Kỹ thuật (CSSE) thuộc Đại học John Hopkins cập nhật lúc 17h30 GMT (0h30 ngày 6/4 giờ Hà Nội) cho thấy Mỹ đã có tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên tới 321.762, trong đó hơn 9.000 người tử vong.
New York là bang có số người tử vong cao nhất ở Mỹ, với 4.159 ca. Trong số các bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 ở Mỹ còn có New Jersey với 846 người tử vong, Michigan (540) và California (324).
Ứng cử viên tổng thống Joe Biden ngày 5/4 cho rằng Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ có thể được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ông Biden nhấn mạnh đại hội này là "cần thiết," song không thể vận động hàng nghìn người tới một địa điểm một cách an toàn giữa lúc bùng phát đại dịch.
Trong bối cảnh như vậy, một đại hội theo hình thức trực tuyến là phù hợp với "khoa học" và sau khi "lắng nghe các chuyên gia."
Ông Biden, cựu Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama, hiện dẫn đầu cuộc đua của đảng Dân chủ, vượt xa đối thủ chính là Thượng nghị sỹ bang Vermon Bernie Sanders.
Ông Biden nhấn mạnh Mỹ cần nhất là vắcxin, song cũng lưu ý rằng "đồng thời, chúng ta phải tiến hành mọi nỗ lực để đảm bảo ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19."
Trước đó, Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ (DNC) ngày 2/4 thông báo đại hội toàn quốc của đảng này sẽ hoãn đến tháng 8 do cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.
Nguồn TTXVN/Vietnam+