Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Mỹ đã triệu tập cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp sau khi Iran tuyên bố tăng lượng dự trữ uranium vượt quá giới hạn được đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, theo đài PressTV.
Cờ Iran trước trụ sở Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna, Áo, ngày 4-3 năm 2019. Ảnh: Reuters
Cơ quan này đã định kì báo cáo việc tuân thủ thỏa thuận của Iran nhưng trong nhiều năm qua Washington dường như không quan tâm.
“Cộng đồng quốc tế phải chịu trách nhiệm về chế độ Iran, Đại sứ Mỹ tại các tổ chức quốc tế Jackie Wolcott nói trong một tuyên bố kêu gọi một cuộc họp đặc biệt của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Cuộc họp này nhằm thảo luận về tình trạng “mới nhất” của chương trình hạt nhân Iran.
Tuyên bố nói “Mỹ ủng hộ IAEA và các nỗ lực xác minh của tổ chức này tại Iran một cách mạnh mẽ”.
Trong quá khứ, Mỹ chưa hề hành động như thế. Nhiều năm qua, nước này đã bỏ qua các báo cáo của IAEA xác nhận chính phủ Iran đã tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tổng thống Trump cũng đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào tháng 5 năm ngoái, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran vì cho rằng nước cộng hòa Hồi giáo vị phạm thỏa thuận.
Trước đó, Mỹ tỏ thái độ khinh thường IAEA. Tổ chức này kiểm tra và xác nhận sự tuân thủ thỏa thuận của Iran hàng quý, với một “cơ chế kiểm tra hạt nhân chặt chẽ nhất thế giới”- như cách họ gọi. Ngược lại, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel, quốc gia nhận được sự ủng hộ của Mỹ, đã tuyên bố Iran có vũ khí hạt nhân từ đầu những năm 1990.
Hồi tháng 2 năm nay, IAEA đã chỉ trích Mỹ và Israel can thiệp vào Iran. Ảnh: Financial Tribute
Thủ tướng Netanyahu, người mà Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif gọi là "cậu bé nói dối", tuyên bố ông có bằng chứng Iran nói dối và vẫn đang chế tạo vũ khí hạt nhân khi tham gia thỏa thuận. IAEA đã xem xét những "bằng chứng" Israel đưa ra và cho rằng chúng không đáng tin cậy. Tổ chức này xét thấy Iran đã chấm dứt công việc phát triển vũ khí vào năm 2003.
Hôm 1-7, Iran tuyên bố vượt quá giới hạn 300kg uranium quy định trong thỏa thuận và sẽ tiếp tục làm giàu uranium vượt quá mức 3,67%. Cùng ngày, IAEA cũng đã xác nhận thông tin trên.
Ông Zarif nói Iran sẽ tiếp tục việc làm giàu uranium cho đến khi các bên tham gia thỏa thuận thực hiện đúng nghĩa vụ của họ.
Hồi tuần trước, Anh, Đức và Pháp đã ra mắt hệ thống thanh toán INSTEX, cho phép buôn bán giao dịch thực phẩm và thuốc với Iran. Đây là một động thái lách luật trừng phạt của Mỹ, vốn đang bóp nghẹt nền kinh tế Iran. Tuy nhiên, nước cộng hòa Hồi giáo tuyên bố hệ thống thanh toán này vẫn chưa đủ đáp ứng vì không bao gồm mặt hàng dầu.
Chính quyền Trump đã có một thời gian khó khăn để đối phó với chương trình hạt nhân của Iran, và thậm chí tuyên bố hồi đầu tuần rằng Tehran đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân “ngay cả trước khi thỏa thuận tồn tại”. Trước khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận, ông Trump thường lên án đây là "thỏa thuận tồi tệ nhất". Trong khi đó, dư luận quốc tế xem thỏa thuận này là một trong những thành tựu hàng đầu trong chính sách đối ngoại của cựu tổng thống Barack Obama.
Nguồn PLO