Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mỹ gây sức ép lên đối tác sản xuất chip của Apple
Thứ năm: 19:08 ngày 16/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Washington yêu cầu TSMC phải sản xuất chip và các linh kiện bảo mật cao tại Mỹ vì lo ngại sẽ bị Trung Quốc can thiệp.

"Chính phủ Mỹ muốn chip dùng cho các dự án quân sự phải được xây dựng trên đất Mỹ", một quan chức chính phủ cao cấp của Đài Loan tiết lộ với Nikkei Asian Review. "Đó là do những lo ngại về an ninh quốc gia và họ (Mỹ) chưa có kế hoạch để ngăn chặn điều đó".

 

TSMC đang đóng vai trò hết sức quan trọng với Mỹ. Ảnh: Reuters.

TSMC hiện nắm giữ tới 50% thị phần sản xuất chip trên toàn thế giới. Bên cạnh việc cung cấp chip máy tính cho Huawei và những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google, Qualcomm hay Intel, công ty có trụ sở tại Đài Loan này đang là đối tác của một số nhà thầu quân sự Mỹ, chẳng hạn Xilinx. Hiện máy bay chiến đấu F-35 sử dụng chip tạo bởi TSMC.

Mỹ gần đây tỏ ra lo ngại về các công nghệ giám sát của Trung Quốc. Nước này liên tục đưa ra những khuyến cáo cho rằng Bắc Kinh có hành động do thám không ít cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau.

Với tư cách là nhà cung cấp chip lớn cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc, TSMC đang đứng giữa "ngã ba đường" khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra. Thực tế, đây không phải là lần đầu phía Washington yêu cầu TSMC chuyển giao các dây chuyền sản xuất quan trọng về Mỹ. Tuy nhiên, công ty Đài Loan nhiều lần tìm cách né tránh thực hiện.

Các nguồn tin trong lĩnh vực bán dẫn cho biết, một số quan chức Mỹ đã nói chuyện với TSMC "nhiều lần" trước cuộc bầu cử lãnh đạo tại Đài Loan đầu tháng 1/2020. Tháng 12/2019, Ian Steff, trợ lý thư ký của Bộ Thương mại Mỹ cũng đã có chuyến thăm Đài Loan và đây là lần thứ ba ông tới đây trong năm 2019. Theo một nguồn tin riêng từ Nikkei, Steff cũng đã có buổi gặp riêng với sáng lập TSMC, Morris Chang và Chủ tịch TSMC, Mark Liu, nhưng thông tin về cuộc nói chuyện đã không được tiết lộ.

Su Tze-yun, giám đốc Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh quốc gia Đài Loan, cho rằng TSMC đang đóng vai trò hết sức quan trọng và Mỹ luôn muốn kết thân. "Chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều CEO công nghệ lẫn quan chức Mỹ lo ngại sự phụ thuộc của nước họ vào TSMC, cũng như tình hình an ninh trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp quốc phòng", Tze-yun nhận xét. "Đó là lý do tại sao Mỹ liên tục hy vọng TSMC có thể sát cánh cùng họ để sản xuất chip ở một khu vực khác ngoài Đài Loan - nơi mà họ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không thể can thiệp".

Lầu Năm Góc từ lâu cũng đã lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra nếu như TSMC vẫn duy trì việc sản xuất như hiện tại. Đặc biệt khi TSMC đang là đối tác cung ứng chip cho Huawei - một công ty bị Mỹ đưa vào danh sách các "đe dọa an ninh quốc gia" hồi tháng 5/2019.

Năm ngoái, Huawei đã yêu cầu TSMC tăng sản lượng chip tại nhà máy trị giá ba tỷ USD ở Nam Kinh - nơi chiếm 10% doanh thu của TSMC. Tổng số khách hàng Trung Quốc mà hãng chip Đài Loan cung cấp hiện khoảng 20%.

"Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, TSMC sẽ phải đáp ứng thêm yêu cầu mới từ doanh nghiệp và chính phủ nước này. Họ chịu áp lực trước việc đảm bảo các sản phẩm chip sẽ an toàn hơn, hoặc tốt nhất là chúng nên được sản xuất ngay trên đất Mỹ", một chuyên gia nêu quan điểm.

Thực tế, TSMC đã khẳng định nhiều lần vào năm ngoái, rằng họ sẽ không loại trừ việc xây dựng hoặc mua nhà máy mới tại Mỹ để xoa dịu những lo ngại về bảo mật. Tuy vậy, công ty cũng cảnh báo rằng điều đó sẽ khiến giá chip cao hơn và phải "cân nhắc cẩn thận" do chi phí vận hành, nhân công...

Hiện đối thủ của TSMC trên đất Mỹ là Globalfoundries có trụ sở tại New York, nhưng thuộc sở hữu của một công ty Abu Dhabi. Tuy nhiên, hãng này cũng không thể đáp ứng nhu cầu của Mỹ về công nghệ chip mới, nhất là các sản phẩm phục vụ quân sự cũng như hệ thống tiên tiến khác.

Mỹ hiện chiếm tới 60% doanh số của TSMC. Hầu hết nhà máy của doanh nghiệp này đều nằm tại Đài Loan.

"Khi thế giới trở nên hỗn loạn, TSMC đang nổi lên như là một quân bài chiến lược mà các thế lực địa chính trị muốn kiểm soát", Morris Chang, sáng lập TSMC nhận định.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục