Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mỹ rút gây ảnh hưởng thế nào với UNESCO
Thứ bảy: 08:57 ngày 14/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đây là lần thứ hai Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO. Quyết định lần này đã gây sự chú ý đáng kể. Những câu hỏi nào cần giải đáp?

Phía trước trụ sở của UNESCO ở thủ đô Paris của Pháp - Ảnh: AFP

UNESCO - một tổ chức của Liên Hiệp Quốc giúp bảo tồn các địa điểm lịch sử và văn hóa trên thế giới - đã thu hút sự quan tâm của công luận sau khi Mỹ và Israel tuyên bố sẽ rút khỏi tổ chức này.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng "xu hướng chống Israel" của UNESCO là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ quyết định rút khỏi tổ chức này vào cuối năm 2018 và chuyển sang vị trí "quan sát viên thường trực".

"Quyết định này không nên xem nhẹ… Nó phản ánh mối quan ngại của Mỹ đối với các khoản nợ ngày càng nhiều tại UNESCO, sự cần thiết phải cải cách cơ bản trong tổ chức, và xu hướng chống Israel vẫn còn tiếp diễn tại đây" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert giải thích rõ.

Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, gọi đây là một quyết định "cực kỳ đáng tiếc".

UNESCO là gì?

UNESCO là tên viết tắt của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc. Đây là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của LHQ được thành lập vào năm 1945 với trụ sở tại Pháp. UNESCO hiện có 195 quốc gia thành viên và 9 quan sát viên.

Trong các sứ mệnh của UNESCO có việc thúc đẩy giáo dục giới tính và xóa mù chữ cũng như cải thiện bình đẳng giới ở các quốc gia trên thế giới. UNESCO còn giúp bảo tồn các di sản văn hóa, các địa điểm lịch sử… như nhà thờ Hồi giáo lớn Samarra ở Iraq từng trước nguy cơ bị nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đe dọa phá hủy.

Tại sao Mỹ rút khỏi UNESCO?

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng "xu hướng chống Israel" là một trong những nguyên nhân chính khiến nước này rút khỏi UNESCO. 

Tuy nhiên, nguồn gốc của quyết định này có từ những năm 1990 khi Quốc hội Mỹ thông qua một điều luật cắt giảm nguồn quỹ cho các cơ quan của LHQ nào công nhận Palestine là một quốc gia thành viên, theo báo San Diego Union Tribune.

Hồi năm 2011, UNESCO đã chính thức cho phép Palestine trở thành thành viên thứ 195 của tổ chức này. Mỹ ngay lập tức đã dừng đóng góp tiền (ước tính khoảng 70 triệu USD/năm) cho tổ chức này.

Mỹ sau đó vẫn là một thành viên nhưng không đóng góp vào ngân quỹ UNESCO. Theo ước tính, Mỹ đã "nợ" UNESCO khoảng 600 triệu USD kể từ năm 2011. Và cụm từ "khoản nợ ngày một nhiều" được Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập chính là một nguyên nhân khác khiến Mỹ rút khỏi UNESCO.

Mỹ từng rút khỏi UNESCO?

Vào năm 1984, tổng thống Mỹ thời điểm đó là Ronald Reagan đã ra quyết định đưa Mỹ rút khỏi UNESCO vì lo ngại tình trạng tham nhũng và sự duy trì hệ tư tưởng lệch hướng có lợi cho Liên Xô vào đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, theo báo Foreign Policy.

Tổng thống George W.Bush sau đó đã đưa Mỹ trở lại UNESCO vào năm 2002.

Mỹ ngụ ý gì với cụm từ "xu hướng chống Israel"?

Kể từ khi lên lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông đã giữ lập trường ủng hộ mạnh mẽ Israel tại LHQ. Hồi tháng 2, sau khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley đã đăng đàn khẳng định cam kết sự ủng hộ "không gì lay chuyển được" của Washington dành cho Israel.

"Có mặt tại đây, tôi muốn nhấn mạnh sự ủng hộ ‘bọc thép’ của Mỹ dành cho Israel. Tôi muốn khẳng định Mỹ quyết tâm chống lại xu hướng chống Israel của LHQ" - bà Haley nói hồi tháng 2.

Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley - Ảnh: REUTERS.

Căng thẳng giữa Palestine và Israel đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi đầy "nhức nhối" trong tổ chức LHQ, đặc biệt tại UNESCO, nơi sự ủng hộ dành cho Palestine bị Mỹ xem là "xu hướng chống Israel".

Theo báo New York Times, hồi năm 2015 UNESCO từng chỉ trích Israel vì "gây hấn" và ngăn chặn những người Hồi giáo đi tới nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem. Tới tháng 7 năm nay, UNESCO tuyên bố thành phố Bờ Tây Hebron thuộc Palestine trở thành Di sản thế giới. Israel đã nổi giận trước quyết định này vì cho rằng lịch sử của người Do Thái "bị phớt lờ".

Phản ứng bên trong và ngoài nước Mỹ như thế nào?

Trong một dòng trạng thái đăng trên Twitter, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng ông hài lòng với quyết định của Mỹ. Sau khi Mỹ công bố thông tin này, Israel cũng nối gót tuyên bố rút khỏi UNESCO.

Tại Mỹ, các thành viên Đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã hoan nghênh quyết định rút khỏi UNESCO của Tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó, các tổ chức như Ủy ban người Do Thái tại Mỹ (AJC) lại lấy làm tiếc trước quyết định này vì cho rằng nếu ở trong tổ chức thì Mỹ có thể có tiếng nói của mình trước những vấn đề cần lên tiếng.

Quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ có thể gây nhiều ảnh hưởng đáng kể. Nó cũng cho thấy xu hướng của chính quyền ông Trump nhằm rút khỏi các vấn đề quốc tế và tập trung hơn vào các vấn đề nội bộ nước Mỹ.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục