Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mỹ trừng phạt Nga do vấn đề Ukraine: Trung Quốc ít bị ảnh hưởng, thậm chí còn được lợi
Thứ năm: 10:08 ngày 24/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau khi Nga công nhận độc lập của 2 vùng ly khai ở miền Đông Ukraine, Mỹ và đồng minh đã gia tăng trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Mặc dù vậy, Trung Quốc (nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga) ít bị ảnh hưởng từ các trừng phạt đó, thậm chí còn hưởng lợi trong một chừng mực nào đó.

Quan hệ thương mại mạnh mẽ của Trung Quốc với Nga có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc giúp đỡ Nga về mặt kinh tế và ngoại giao khi Nga đối mặt với vô số lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và các đồng minh châu Âu để đáp trả các động thái vừa qua của Nga đối với Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Newsweek.

Tác động tiêu cực lên Trung Quốc sẽ ở mức "tối thiểu"

Giới chuyên gia nhận định, kinh tế Trung Quốc chỉ chịu tác động "hạn chế" và "tối thiểu" từ bất cứ lệnh trừng phạt nào áp lên Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin chính thức công nhận hai vùng ly khai ở Donbass, miền Đông Ukraine vào hôm 21/2. Không những vậy, theo giới quan sát, Trung Quốc thậm chí còn có thể thu lợi từ xung đột Ukraine.

Việc Tổng thống Nga Putin công nhận độc lập của các vùng Donetsk và Lugansk bên trong Donbass diễn ra chỉ hơn 2 tuần sau khi ông gặp gỡ trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập đối với Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ở miền Đông Ukraine, ông Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp chấm dứt hoạt động thương mại của Mỹ ở các vùng ly khai nói trên và cấm nhập tất cả các hàng hóa từ các khu vực này.

Anna Kireeva - phó giáo sư tại Viện Quan hệ quốc tế Moscow (Nga), cho biết: "Tác động lên hợp tác kinh tế Nga-Trung sẽ khá giới hạn, chủ yếu là gắn với các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các công ty làm ăn thương mại với Donetsk và Lugansk".

Vẫn theo Kireeva: "Trung Quốc đã làm ăn với các công ty năng lượng Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ như là công ty Novatek. Công thức mà hai bên sử dụng là hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước, sử dụng nguồn vốn từ các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, giúp họ tự vệ trước các tác động gây tổn hại.

"Các lệnh trừng phạt nhằm vào các ngân hàng Nga có thể khiến các ngân hàng Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các hoạt động tài chính với họ. Khi ấy việc thiết lập các kênh ở cấp độ làm việc giữa các khu vực ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giảm các thiệt hại và gia tăng thị phần thương mại bằng đồng nội tệ.

"Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào hoạt động nhập khẩu thiết bị công nghệ cao vào Nga có khả năng thúc đẩy tìm kiếm hợp tác công nghệ cao lớn hơn với Trung Quốc, mang lại cơ hội về các dự án song phương có sử dụng công nghệ Trung Quốc".

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ quan ngại về khủng hoảng Ukraine nhưng Bắc Kinh lại kiềm chế, tránh thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề này bất chấp áp lực từ Washington.

Hôm 22/2, cả Mỹ, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đều có các trừng phạt nhằm vào Nga để đáp trả các động thái mới nhất của Nga liên quan đến Ukraine.

Tuy nhiên, Mỹ chưa loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT mà ở đó, đồng USD thống trị.

Shi Yinhong - một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân kiêm cố vấn cho Quốc vụ viện Trung Quốc nói: "Các lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ không có tiền lệ và sẽ là các lệnh trừng phạt về tài chính".

"Thương mại của các công ty Trung Quốc với Nga sẽ bị ảnh hưởng nhưng Trung Quốc ít khả năng sẽ đối mặt với thách thức trực diện các lệnh trừng phạt đó của phương Tây. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ giúp Nga theo một cách gián tiếp, chẳng hạn như một thỏa thuận vào ngày 18/2/2022 về việc Trung Quốc mua than đá của Nga".

Cả Nga và Trung Quốc đều bày tỏ quan tâm đến việc tránh lệ thuộc vào USD. Theo một báo cáo của Atlantic Council (Hội đồng Đại Tây Dương) vào tuần trước, chỉ nhỉnh hơn một nửa tổng số xuất khẩu của Nga là được thanh toán bằng đồng USD. Tỷ lệ này vào năm 2013 thì cao tới 80%.

Những điều chỉnh chủ động từ phía Trung Quốc

Shalendra D. Sharma - quyền Trưởng Khoa Chính trị học của Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong), cho biết: "Tác động lên Trung Quốc sẽ ở mức tối thiểu. Cuộc khủng hoảng Ukraine không mới, Bắc Kinh đã khôn ngoan tính tới các phí tổn tiềm tàng từ cuộc xung đột đó... Trung Quốc có thể giúp Nga về cả kinh tế và ngoại giao. Bắc Kinh vốn đã có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Moscow và Bắc Kinh có thể đáp ứng các nhu cầu từ phía Moscow".

Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trước thềm Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, hai nước nhất trí về một thỏa thuận để Nga cung cấp cho Trung Quốc 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm.

Một thông cáo chung sau đó nói rằng hai nước láng giềng này "bước vào một kỷ nguyên mới và sự phát triển bền vững toàn cầu", kèm đó là một danh sách các tài liệu liên quan đến khí tự nhiên, công nghệ, thương mại, tài chính, nông nghiệp, và năng lượng xanh.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 3 cho Trung Quốc. Trước khi khủng hoảng Ukraine leo thang, Nga đã bắt đầu củng cố quan hệ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (tức Trung Quốc) trong khi giảm sự phụ thuộc vào các khách hàng năng lượng châu Âu truyền thống.

Tuy nhiên, vẫn có các thắc mắc về tác động mà các lệnh trừng phạt sẽ gây ra cho thỏa thuận khí đốt mới được ký, vì hợp đồng này được thanh toán bằng đồng euro.

Tiến sĩ David Zweig - giám đốc của Transnational China Consulting, cho hay: "Trung Quốc có thể nhận được dầu giá rẻ, khi Nga đánh mất thị trường của mình ở châu Âu. Và như vậy giá thế giới có thể tăng, nhưng không phải là đối với Trung Quốc. Đó là điều xảy ra vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea... Còn nếu một sự suy giảm toàn cầu xảy ra, điều đó có thể làm tổn thương đến xuất khẩu của Trung Quốc".

Chen Fengying - một nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Quan hệ quốc tế Đương đại của Trung Quốc, khuyên chính phủ nước này nên kiên nhẫn.

Bà Chen cho rằng tác động của xung đột ở Ukraine lên Trung Quốc có thể đã được thể hiện trên thị trường chứng khoán nội địa khi các mối quan ngại về chiến tranh và về phục hồi kinh tế toàn cầu gia tăng. Nhưng bà này bổ sung rằng, thương mại song phương sẽ không bị ảnh hưởng bất chấp các lệnh trừng phạt cận kề của phương Tây.

Nghiên cứu viên Chen nói: "Nhiều thỏa thuận Trung-Nga vẫn cần phải được thực hiện. Không nên lẫn thương mại với địa chính trị".

Theo bà Chen, căng thẳng địa chính trị đã làm xáo trộn thị trường dầu thô và có khả năng tác động lên Trung Quốc do đây là quốc gia nhập năng lượng lớn nhất thế giới.

Nguồn Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch

Nguồn: SCMP

Tin cùng chuyên mục