Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Năm 2016, chỉ số cải cách hành chính của Tây Ninh xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố
Thứ tư: 17:56 ngày 28/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017 và đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân- Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các Kế hoạch của UBND tỉnh ban hành, thể hiện qua việc cụ thể hóa các văn bản của tỉnh về công tác cải cách hành chính (CCHC); xây dựng các kế hoạch để khắc phục hạn chế trong công tác CCHC năm 2016.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được kiện toàn theo Quyết định số 56/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm của công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.

Các đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ đã xây dựng các quy chế (chi tiêu nội bộ, tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý tài sản công…); chủ động sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn theo tiêu chuẩn chức danh và thực hiện hợp đồng lao động theo quy định.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước tiếp tục được tăng cường thực hiện để trao đổi thông tin, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh chóng, thuận tiện hơn. Các cơ quan đang tích cực đẩy mạnh việc sử dụng các phần mềm văn phòng điện tử (eOffice), Họp không giấy, Một cửa điện tử, Chữ ký số để giải quyết công việc và trao đổi thông tin.

Hệ thống văn phòng điện tử đã được triển khai cho 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, 100% UBND cấp thành phố/huyện và 78% UBND cấp phường/xã/thị trấn.

Đến nay, các văn bản điện tử được trao đổi và xử lý trên môi trường mạng được liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã thực hiện nhanh chóng; đảm bảo thông tin chỉ đạo kịp thời, chính xác, nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ 81,7% văn bản liên thông trên hệ thống văn phòng điện tử.

Ông Trương Trúc Phương- Phó Giám đốc Sở Tài chính phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng được triển khai cho 100% sở, ban, ngành; 100% UBND cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện ký số trên 7 loại văn bản quy định để luân chuyển văn bản điện tử trên môi trường mạng.

Về tình hình triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Cổng thông tin điện tử tỉnh cung cấp 100% thủ tục hành chính đạt mức độ 2 (1.685 thủ tục); có 190 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 và 143 thủ tục hành chính triển khai mức độ 4 (tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính) được triển khai ứng dụng trên địa bàn tỉnh.

Tính đến nay, có 122 cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện cơ chế một cửa, trong đó: 18/18 sở, ban, ngành tỉnh; 9/9 huyện, thành phố và 95/95 xã, phường, thị trấn.

Về thực hiện cơ chế một cửa liên thông, các cơ quan hành chính cùng cấp thực hiện cơ chế một cửa liên thông ở lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế cho doanh nghiệp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất.

Niêm yết công khai thủ tục hành chính góp phần phục vụ nhân dân tốt hơn- Ảnh minh hoạ

Trong 6 tháng đầu năm, số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh khoảng 368.000 hồ sơ. Trong đó, đã giải quyết đúng và trước hẹn gần 364.600 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 99,08%); giải quyết trễ hẹn 235 hồ sơ (0,06%); hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết 3.153 hồ sơ (0,86%).

Hồ sơ trễ hẹn tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai, cấp lý lịch tư pháp… do hồ sơ phức tạp phải mất nhiều thời gian xác minh, thẩm định; do công tác phối hợp với các cơ quan ngành dọc hoặc do quên không thực hiện thao tác kết thúc trên phần mềm một cửa điện tử khi đã giải quyết xong hồ sơ.

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ thông tin tại một số nơi còn thụ động. Việc vận hành các phần mềm điện tử tại các cơ quan (nhất là cấp huyện, xã) còn chưa thông suốt, dẫn đến thống kê các dữ liệu trên phần mềm gặp khó khăn, mất nhiều thời gian.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ đã báo cáo kết quả Chỉ số CCHC năm 2016 của tỉnh. Theo phân loại kết quả Chỉ số CCHC năm 2016, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành 4 nhóm: Nhóm A có chỉ số CCHC trên 90%; nhóm B từ 80% đến dưới 90% bao gồm 13 đơn vị xếp hạng từ vị trí thứ 2 đến vị trí thứ 14; nhóm C từ 70% đến dưới 80% bao gồm 33 tỉnh, thành phố xếp hạng từ vị trí thứ 15 đến vị trí thứ 47; nhóm D chỉ số dưới 70%, bao gồm 16 tỉnh, xếp hạng từ vị trí thứ 48 đến vị trí thứ 63. Tây Ninh đạt tỷ lệ 71,3%, thuộc nhóm C, xếp thứ hạng 44/63.

Tại hội nghị, đại biểu ở điểm cầu các huyện, thành phố và đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan đã báo cáo tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính tại đơn vị mình; những khó khăn trong quá trình thực hiện để từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm và có những kiến nghị, đề xuất.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục