Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Năm 2020-năm của những cây cầu
Thứ sáu: 01:20 ngày 01/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2020 khép lại với liên tiếp nhiều tin vui về xây dựng hạ tầng giao thông. Chỉ tính riêng việc xây dựng cầu, chưa năm nào tỉnh ta được đầu tư xây dựng nhiều cầu bê tông xi măng kiên cố như hiện nay.

Cầu biên giới Vàm Trảng Trâu, huyện Châu Thành. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông

Mở đầu năm mới 2021 là lễ thông xe cầu Thái Hoà, nối hai bờ rạch Tây Ninh trên đường Trưng Nữ Vương, TP. Tây Ninh. Cầu Thái Hoà cũ được xây dựng từ trước năm 1975. Qua hơn 45 năm sử dụng, không còn đáp ứng nhu cầu đi lại, mặt cầu hẹp, tải trọng bị hạn chế và có dấu hiệu xuống cấp.

Do đó, từ ngày 4.10.2020, cầu Thái Hoà được đầu tư xây dựng mới với kinh phí hơn 43,6 tỷ đồng, dài 60m, rộng 16m, gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, lề dành cho người đi bộ và lan can; dầm cầu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Sau hơn 3 tháng thi công, đến nay, cầu Thái Hoà mới đã hoàn thành và thông xe vào hôm nay, 1.1.2021.

Hồi đầu năm 2020, Công ty cổ phần Hải Ðăng khởi công gói thầu số 7 bao gồm toàn bộ phần đường và các hạng mục trên tuyến đường dẫn vào cầu An Hoà (thị xã Trảng Bàng). Công trình này, được khởi công ngày 17.7.2019, thời gian thi công 720 ngày.

Công trình gồm 2 phần là cầu An Hoà và phần đường dẫn vào cầu với tổng chiều dài toàn công trình là 6.219,89m. Trong đó, chiều dài cầu 453,6m, chiều rộng mặt cầu là 12m, bao gồm phần xe chạy 11m và lan can hai bên 1m. Chiều dài đường vào cầu là 5.766,29m. Mặt đường bê tông nhựa có bề rộng 7m và lề sỏi đỏ hai bên 5m.

Ðổ nhựa cầu Thái Hoà, chuẩn bị thông xe. Ảnh: Thế Nhân

Cây cầu này kết nối các xã cánh Tây với thị xã Trảng Bàng và huyện Ðức Huệ, tỉnh Long An. Ðây là cây cầu mơ ước của bao thế hệ, vì hàng chục năm nay, người dân các xã cánh Tây Trảng Bàng khi di chuyển vào trung tâm Thị xã đều phụ thuộc vào việc đi phà.

Hiện nay, đơn vị thi công khẩn trương thực hiện móng cọc các trụ phía bờ xã An Hoà và các trụ chính nhịp đúc dưới sông. Sau khi đưa vào sử dụng, cầu An Hoà sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thu hút thương mại, dịch vụ, công nghiệp phù hợp với lợi thế, đặc điểm vùng của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân các xã biên giới Trảng Bàng.

Ở huyện Châu Thành, sau hơn một năm thi công, ngày 26.7.2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh tổ chức khánh thành cầu Bến Cây Ổi, bắc qua sông Vàm Cỏ Ðông. Công trình đường dẫn vào hai bên đầu cầu có chiều  dài khoảng 1,2km cũng đã hoàn thành vào tháng 9.2020.

Công trình này nối liền hai xã Hoà Thạnh và Phước Vinh, huyện Châu Thành, được khởi công xây lắp từ ngày 16.5.2020. Cũng như người dân các xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng, trước đây, để qua được thượng nguồn sông Vàm Cỏ Ðông, người dân phải đi phà hoặc ghe, thuyền.

Khi chiếc cầu đưa vào sử dụng, người dân 2 xã Phước Vinh và Hoà Thành không còn cảnh “qua sông phải luỵ phà”, đi lại, vận chuyển hàng hoá dễ dàng, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cầu Tân Nam. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông

Những ngày trung tuần tháng 10.2020, Tây Ninh và Bình Dương phối hợp tổ chức khởi công dự án Xây dựng đường và cầu kết nối giữa hai tỉnh. Tây Ninh và Bình Dương là hai tỉnh giáp ranh, nhưng lại có sự ngăn cách về địa lý tự nhiên bởi hồ Dầu Tiếng và sông Sài Gòn.

Lãnh đạo hai tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhằm đẩy mạnh đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối- nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Hai tỉnh thống nhất việc đầu tư xây dựng đường và cầu kết nối hai địa phương.

Trong đó, tỉnh Tây Ninh thực hiện đầu tư dự án “Nâng cấp, mở rộng đường Ðất Sét - Bến Củi” (thuộc huyện Dương Minh Châu) nối dài và kết nối với đường DT744 đoạn qua huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) với tổng chiều dài tuyến 16,9km, tổng mức đầu tư 517,9 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Dương thực hiện đầu tư dự án “Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh”, tổng mức đầu tư 369,9 tỷ đồng. Chiếc cầu có chiều dài 330,8m, tổng chiều dài đường dẫn phía Bình Dương và Tây Ninh là 469,5m với 6 làn xe. Cả hai dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021. Dự án hoàn thành sẽ là tuyến đường huyết mạch, nối liền Bình Dương và Tây Ninh, góp phần thúc đẩy giao thương giữa hai tỉnh.

Lễ khánh thành cầu Bến Cây Ổi.

Bên cạnh đó, các dự án này được kỳ vọng sẽ mở ra sự kết nối giao thông thông suốt, tạo trục kết nối liên vùng giữa Tây Ninh, Bình Dương và các tỉnh, thành trong khu vực; mở rộng kết nối đến các đầu mối hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam và hệ thống cảng biển quốc tế phía Ðông TP. Hồ Chí Minh, tạo động lực đột phá, phát triển kinh tế xã hội một cách đồng bộ và bền vững.

Ở khu vực biên giới xã Tân Bình, huyện Tân Biên, cũng có một cây cầu được xây dựng, chờ ngày chính thức khánh thành. Ðó là cầu Tân Nam, nối liền hai tỉnh Tây Ninh và tỉnh Prey Veng (Vương quốc Campuchia).

Nhân sự kiện cửa khẩu Tân Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nâng lên cửa khẩu quốc tế, lãnh đạo hai tỉnh Tây Ninh và Prey Veng thống nhất đặt tên cho cầu này là “Cầu hữu nghị Tây Ninh (Tân Nam) - Prey Veng (Meun Chey).

Công trình đường và cầu Tân Nam thuộc dự án đầu tư xây dựng đường ra cửa khẩu phục vụ phát triển biên mậu tỉnh Tây Ninh, đồng thời góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa tỉnh Tây Ninh- Prey Veng nói riêng, Việt Nam và Campuchia nói chung.

Ðại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh