Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Năm 2020 Thế giới nhìn ‘sứ mệnh kép’ của Việt Nam
Chủ nhật: 08:46 ngày 26/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với vai trò là chủ tịch ASEAN, Việt Nam cần làm tốt trách nhiệm của mình để đảm bảo gắn kết các nước thành viên.

Năm nay, Việt Nam (VN) sẽ đảm nhiệm cùng lúc hai nhiệm vụ quan trọng: Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) và chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Pháp Luật TP.HCM đã đối thoại với PGS-TS Vũ Thanh Ca (ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo) về vai trò kép của VN trong cộng đồng quốc tế nhân dịp khởi đầu một thập niên mới.

Vai trò càng lớn ở Liên Hiệp Quốc

. Phóng viên: Xin ông chia sẻ về vai trò của thành viên không thường trực HĐBA LHQ mà VN đảm nhận vào năm 2020?

PGS-TS Vũ Thanh Ca.

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Để trả lời được câu hỏi này, trước hết phải nói về vị trí và chức năng của HĐBA LHQ được quy định trong Hiến chương LHQ. Theo đó, trong số các cơ quan chính của LHQ, HĐBA là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên nhất.

HĐBA không phục tùng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ), có thể tự ra các nghị quyết về các vấn đề được quy định và các nghị quyết của HĐBA có giá trị bắt buộc các nước thành viên phải phục tùng và thực thi. HĐBA là cơ quan duy nhất của LHQ có thẩm quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe dọa đối với hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành động xâm lược và ra nghị quyết kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp, đặc biệt là các biện pháp cưỡng chế, sử dụng vũ lực, cần được tiến hành để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.

HĐBA có thể tiến hành điều tra bất cứ một tranh chấp nào hoặc bất cứ một tình thế nào có thể dẫn tới những xung đột quốc tế hoặc đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế và có thể đưa ra những nghị quyết kiến nghị về các phương thức cũng như nội dung cụ thể để giải quyết những xung đột đó.

Mặc dù năm thành viên thường trực của HĐBA (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) có quyền phủ quyết mọi nghị quyết của HĐBA nhưng các thành viên không thường trực (trong đó có VN) cũng có rất nhiều quyền. Một số quyền tiêu biểu của thành viên không thường trực là quyền thay nhau làm chủ tịch hội đồng và quyền đề xuất, thảo luận, bỏ phiếu thông qua nghị quyết của HĐBA. Theo quy định, các nghị quyết của HĐBA cần phải được chín thành viên bỏ phiếu thông qua. Do vậy, ngoài năm thành viên thường trực, nếu như ít nhất bảy thành viên không thường trực bỏ phiếu không thông qua nghị quyết này thì nghị quyết cũng không thể được thông qua.

. Nếu liên hệ thực tế thì VN, với vai trò thành viên không thường trực, sẽ có thể đóng góp gì?

+ Tham gia HĐBA, VN có cơ hội rất tốt để hiện thực hóa những chính sách của mình, đặc biệt những chính sách đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Theo thứ tự luân phiên, trong nhiệm kỳ hai năm VN sẽ hai lần làm chủ tịch luân phiên của HĐBA. Với cương vị này, VN có thể định hình chương trình làm việc của HĐBA, đề xuất các cuộc tranh luận theo chủ đề về những vấn đề nằm trong phạm vi hòa bình và an ninh quốc tế và thông qua đó nâng cao vị thế quốc tế của mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh: BNG THÁI LAN

Khẳng định vai trò kết nối ASEAN

. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng công bố chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho năm VN là chủ tịch ASEAN 2020. Với chủ đề này, ông nghĩ VN đang nhắm đến những mục tiêu cụ thể nào trong vai trò chủ tịch ASEAN?

+ Với tốc độ phát triển kinh tế cao của các nước thành viên, ASEAN có vai trò cực kỳ to lớn trong việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và hướng tới sự phồn vinh, thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới. Nguyên tắc của ASEAN là đồng thuận. Chỉ đồng thuận ASEAN mới có thể tạo được những sức mạnh của mình.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, với những thách thức rất lớn trong chủ nghĩa đa phương và sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc cũng như những hành động đơn phương, sự cạnh tranh quyền lực của các nước lớn, sự ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên biển Đông, duy trì và phát triển tính gắn kết, đồng thuận của ASEAN có vai trò cực kỳ quan trọng.

Với vai trò là chủ tịch ASEAN, VN cần làm tốt trách nhiệm của mình để đảm bảo gắn kết các thành viên của ASEAN, để ASEAN có thể chủ động thích ứng với các thách thức nảy sinh trong bối cảnh khu vực và quốc tế phức tạp, trong việc giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình hoạt động gần đây của ASEAN. Sự chủ động thích ứng của ASEAN không chỉ về các vấn đề chính trị mà cả về những vấn đề kỹ thuật và kinh tế, với rất nhiều cơ hội và thách thức nảy sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để các nước ASEAN vượt qua được các thách thức và tận dụng các cơ hội phát triển mới, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển.

Thế giới 2020 có gì nóng?

1. Bầu cử tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào thứ Ba 
(3-11-2020). Đây sẽ là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 59. Ông Donald Trump , tổng thống thứ 45 và đương nhiệm, đã phát động một chiến dịch tái tranh cử cho các bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Cuộc bầu cử năm 2020 hứa hẹn nhiều điều mới lạ như số lượng kỷ lục ứng cử viên nữ (6/28) và có một ứng cử viên là người đồng tính (ông Pete Buttigieg), theo đài BBC.

2. Brexit chính thức diễn ra

Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đáng lẽ đã hoàn tất từ năm 2019. Tuy nhiên, EU đã cho phép tiến trình này trì hoãn đến ngày 31-1-2020. Theo các điều khoản của thỏa thuận tại Brussels (Bỉ) với EU, Vương quốc Anh có thể rời đi trước ngày 31-1 nếu cả hai quốc hội Anh và châu Âu đều phê chuẩn thỏa thuận Brexit.

3. APEC Malaysia 2020

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Malaysia năm 2020. Các cuộc họp trong khuôn khổ APEC diễn ra trong suốt một năm tại khắp các bang của Malaysia, bắt đầu từ 26-11-2019 đến tháng 11-2020. Cuộc họp này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia thành viên vì APEC 2019 đã bị hủy vì khủng hoảng chính trị diễn ra tại Chile. Malaysia trước đây đã lần đầu tổ chức cuộc họp APEC vào năm 1998.

4. COP26 tại Glasgow (Scotland)

Năm 2020 sẽ là một năm quan trọng để các quốc gia đưa ra các cam kết và kế hoạch đối phó với nhiệt độ toàn cầu đang tăng. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 sẽ diễn ra tại Glasgow (Scotland) vào năm 2020 với khoảng 30.000 đại biểu dự kiến thảo luận về một phản ứng tập thể đối với tình trạng khí hậu khẩn cấp. Nhà hoạt động môi trường nhỏ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg sẽ tham gia hội nghị này. 

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục