Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 6.5, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 911 về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2020.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới (XDNTM) gắn với cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, làm thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn.
Thực hiện đồng bộ giữa đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.
Làm nghề mây tre nứa trên địa bàn thị xã Hòa Thành.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 34 xã đạt chuẩn NTM duy trì 19 tiêu chí và triển khai thực hiện tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Phấn đấu đến cuối năm 2020 tăng thêm 11 xã đạt chuẩn NTM, gồm các xã: Tân Bình (TP.Tây Ninh), Tân Bình (huyện Tân Biên), Tân Đông và Tân Hòa (huyện Tân Châu), xã Phan (huyện Dương Minh Châu), Phước Vinh và Hòa Thạnh (huyện Châu Thành), Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), Hưng Thuận và Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng), nâng tổng số xã đạt chuẩn là 45/71 xã, chiếm 63,3%; còn 26 xã còn lại, trung bình mỗi xã tăng ít nhất 1 tiêu chí.
Dự kiến nhu cầu nguồn vốn đầu tư là 2.725 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách là 872 tỷ đồng, vốn tín dụng là 1.350 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp, HTX, các tổ chức kinh tế khác là 283 tỷ đồng, vốn huy động cộng đồng dân cư là 220 tỷ đồng.
Nhằm duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM đối với các xã đã đạt chuẩn NTM và XDNTM theo hướng nông thôn kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, UBND tỉnh giao các ngành, các cấp, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đề án XDNTM gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiêu chí xã NTM nâng cao, huyện NTM.
Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng biên giới. Ưu tiên một số lĩnh vực như: giao thông, thuỷ lợi để phát triển hạ tầng nông nghiệp, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, công trình cấp nước sinh hoạt.
Tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố triển khai hiệu quả các đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả để tăng thu nhập cư dân nông thôn; nâng cao năng suất cây trồng truyền thống, tiếp tục chuyển đổi vùng sản xuất hiệu quả thấp sang trồng rau quả, cây ăn trái, cây trồng phù hợp; triển khai chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đối với lúa đặc sản, rau, cây ăn quả, gà ta, bò sữa, bò thịt, thủy sản.
Người dân xã Trường Đông (TX.Hoà Thành) tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Đối với các xã dưới 10 tiêu chí, UBND tỉnh đề nghị các đơn vị tập trung triển khai XDNTM trên địa bàn ấp khó khăn theo nội dung Đề án XDNTM trên địa bàn khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị các địa phương tập trung các tiêu chí môi trường. Thực hiện dự án hỗ trợ xử lý khí thải tại các làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh; cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; đánh giá, công nhận, xây dựng xã tiếp cận pháp luật; tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật người dân. Bảo đảm thực hiện các nội dung tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật tại xã.
Cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình bảo đảm quy định, ngoại trừ các xã biên giới; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, không yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân.
Nhi Trần