Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Sở Công thương, mục tiêu năm 2021 về chương trình khuyến công, toàn tỉnh sẽ có trên 25 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, với tổng kinh phí hỗ trợ 3.925 triệu đồng.
Dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ sinh học Phước Thắng của Công ty TNHH SX-XD-TM Phước Thắng, huyện Châu Thành – một trong những doanh nghiệp được hỗ trợ từ chương trình khuyến công giai đoạn 2019 -2020.
Hiện toàn tỉnh có gần 9 ngàn cơ sở công nghiệp đang hoạt động (cơ sở kinh tế cá thể chiếm trên 92%), tạo việc làm cho trên 163 ngàn lao động. Thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, hoạt động khuyến công của tỉnh thời gian qua đã được triển khai đến các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn.
UBND tỉnh cũng bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, đầu tư cơ sở vật chất nâng cao năng lực cho Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp cấp tỉnh…góp phần thực hiện tốt hoạt động khuyến công tại địa bàn.
Trong đó, giai đoạn 2019-2020, chương trình khuyến công đã hỗ trợ cho 21 tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Các đề án triển khai thực hiện hàng năm đáp ứng được với quy hoạch phát triển của ngành, lợi thế của địa phương. Sử dụng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đúng mục đích, đúng chế độ và đạt hiệu quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững, từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế (chí phí giá thành sản phẩm giảm) do đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến, mở rộng sản xuất tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thu nhập
Chương trình Khuyến công giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được vai trò quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, phát triển đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt là ở những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn khó khăn.
Các đề án khuyến công triển khai thực hiện hàng năm phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành, lợi thế của địa phương. Sử dụng nguồn kinh phí khuyến công đúng mục đích, đúng chế độ và đạt hiệu quả.
Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có được hướng đầu tư đúng, hiệu quả và nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có một số nội dung hoạt động khuyến công chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số đề án phải ngừng thực hiện do đơn vị thụ hưởng không bố trí được điều kiện phục vụ sản xuất... Ngoài ra, năm 2020, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên một số đề án không thể triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm tham gia hoạt động khuyến công; kinh phí khuyến công phân bổ hàng năm còn ít nên số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ không nhiều.
Trong thời gian tới, ngành Công thương tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, cải tiến nội dung thông tin tuyên truyền để chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về cơ chế, chính sách, các hoạt động khuyến công và công nghiệp địa phương tới các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Trong đó, chú trọng hoạt động khuyến công bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đề án theo hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm nhằm tạo bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Thế Nhân