Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Lần đầu tiên, 17/17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh uỷ. Cân đối ngân sách Nhà nước được bảo đảm. Nhiều chỉ tiêu đạt sớm và vượt so với Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh uỷ
Thu hoạch dưa lưới.
Theo Tỉnh uỷ Tây Ninh, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, quản lý, điều hành của UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp trong năm 2022, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết đã đặt ra là khá toàn diện, tích cực.
Tỉnh kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng, góp phần thúc đẩy cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Các tháng đầu năm, hoạt động kinh tế - xã hội hồi phục tích cực và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Đến cuối năm 2022, dịch Covid-19 cơ bản được kiềm chế, kiểm soát hiệu quả, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội có bước đột phá, đóng góp lớn cho tăng trưởng cả năm 2022.
Lần đầu tiên, 17/17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh uỷ. Cân đối ngân sách Nhà nước được bảo đảm. Nhiều chỉ tiêu đạt sớm và vượt so với Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh uỷ và cùng kỳ: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước thực hiện 56.289 tỷ đồng, tăng 9,56%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 16,1%; các hoạt động du lịch khởi sắc, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 130% so cùng kỳ, với hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 200% so cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 11.725 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ và tăng 17% dự toán.
Nhiều chỉ tiêu có xu hướng tăng trưởng ổn định qua các năm. Các chỉ tiêu khác của nền kinh tế cũng đạt kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ.
Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước ước đạt 16.517 tỷ đồng và 594,4 triệu USD, trong đó cấp mới 55 dự án với vốn đăng ký 13.262,3 tỷ đồng và 512,2 triệu USD. Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 784 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 15.074 tỷ đồng. Có 200 doanh nghiệp giải thể với số vốn 500 tỷ đồng. Luỹ kế có 7.279 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 184.399 tỷ đồng.
Giải ngân xây dựng cơ bản tuy chưa đạt yêu cầu của tỉnh đề ra, nhưng xét trên bình diện chung, Tây Ninh luôn nằm trong nhóm các đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.
Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tập trung lãnh đạo, đẩy nhanh tiến độ, quan tâm chất lượng các quy hoạch, định hướng liên kết vùng, xác định không gian lan toả, phát triển. Công tác quản lý nhà nước về đất đai tiếp tục được quan tâm cùng với các lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch, công tác xây dựng nông thôn mới...
Tỉnh cũng quyết liệt cơ cấu lại doanh nghiệp của Đảng nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả trong quản lý sản xuất kinh doanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
AN KHANG