Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Năm 2023 - thúc đẩy, đột phá về chuyển đổi số
Thứ sáu: 23:29 ngày 27/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong đó, đặc biệt tập trung thực hiện các giải pháp đột phá về xây dựng và khai thác có hiệu quả dữ liệu số; tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng...

Đại biểu tham quan, trải nghiệm thực tế các sản phẩm, mô hình, giải pháp công nghệ số tại hội nghị quán triệt, tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh năm 2022

Trên địa bàn tỉnh có 4 sàn thương mại điện tử gồm: Postmart (do Bưu điện tỉnh quản lý); Voso (Bưu chính Viettel quản lý); sannongsan.tayninh.gov.vn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý) và tayninhtrade.com (Sở Công Thương quản lý).

Ngày 26.1.2021, Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 02). Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là ban hành các kế hoạch, chương trình, quyết định làm cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tỉnh đã thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm hạ tầng trung tâm dữ liệu, phục vụ triển khai các hệ thống thông tin của tỉnh tin cậy, ổn định, dựa trên điện toán đám mây; trang bị hệ thống hội nghị truyền hình cho 10 sở, ngành cấp tỉnh.

Hiện 100% các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã được trang bị hệ thống hội nghị truyền hình và kết nối với hệ thống chung của tỉnh. Qua thống kê, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh đạt 70,65%; tỷ lệ hộ gia đình có người có điện thoại thông minh đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang đạt 80,21%; tỷ lệ phủ sóng di động tới 100% ấp/khu phố.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 5/19 chỉ tiêu về xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số gồm: tỷ lệ cán bộ lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng là 80,21% (chỉ tiêu 80%); tỷ lệ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực do các cơ quan ở Trung ương chia sẻ qua nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia về trục LGSP của tỉnh đạt 100%; tỷ lệ máy tính phục vụ công việc của các cơ quan hành chính nhà nước tới cấp xã được trang bị phần mềm phòng chống mã độc đáp ứng theo Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử đạt 100%.

Có 17/19 sở, ngành (đạt tỷ lệ 89%) và 9/9 UBND cấp huyện (đạt 100%) hoàn thành việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện tại, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực do các cơ quan ở Trung ương chia sẻ qua trục NGSP đã được kết nối về trục LGSP của tỉnh phục vụ việc khai thác trực tiếp hoặc liên thông dữ liệu với các hệ thống của tỉnh. Bộ Công an đã cấp khoá cho phép kết nối khai thác cơ sở dữ liệu dân cư 20 trường dữ liệu tích hợp lên hệ thống cổng Một cửa và Dịch vụ công của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành, kết nối về Trung tâm Giám sát điều hành thông minh phục vụ cho chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, bước đầu phát huy hiệu quả về số liệu quản lý thu/chi ngân sách, đầu tư công, hành chính công; số liệu kinh tế - xã hội, quan trắc môi trường, giám sát an toàn thông tin. Một số sở, ngành đã và đang triển khai phần mềm, hệ thống thông tin chuyên ngành như: ngành Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải.

Xây dựng chuyên trang về chuyển đổi số tại địa chỉ http://chuyendoiso.tayninh.gov.vn/ và trên các nền tảng mạng xã hội như OA chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh trên Zalo, YouTube, Tiktok. Mở chuyên mục và tin bài, phóng sự về chuyển đổi số tại địa chỉ: http://tayninhtv.vn/video/chuyen-doi-so của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và https://baotayninh.vn/cong-nghe/chuyen_doi_so/ của Báo Tây Ninh.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023, ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2023 là năm dữ liệu quốc gia.

Tây Ninh lấy năm 2023 là năm tập trung thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt tập trung thực hiện các giải pháp đột phá về xây dựng và khai thác có hiệu quả dữ liệu số; tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng; thúc đẩy tăng nhanh các chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động chuyển đổi số; nâng cao chỉ số chuyển đổi số của tỉnh- nhất là các chỉ tiêu về kinh tế số và xã hội số.

Sở đặt ra một số nhiệm vụ mang tính đột phá giúp chuyển biến rõ rệt nhất các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là lĩnh vực chuyển đổi số. Cụ thể: Đột phá trong việc xây dựng, tích hợp, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành, CSDL quốc gia, mở dữ liệu; đưa tất cả dữ liệu các sở, ngành, địa phương lên IOC và ứng dụng Tây Ninh Smart, phân quyền khai thác sử dụng cho lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan, bảo đảm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, ngành, địa phương. Tập trung vào CSDL đất đai, quy hoạch, quy hoạch đô thị; công bố danh mục dữ liệu mở của tỉnh, mở công khai các dữ liệu theo quy định được công khai để người dân, doanh nghiệp khai thác sử dụng.

Đột phá trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình: 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện pháp luật được cung cấp toàn trình; hoàn thành việc tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến xử lý trực tuyến toàn trình (tối thiểu 60%).

Đột phá trong hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các tiện ích số và dịch vụ công trực tuyến của chính quyền: 100% bộ phận giải quyết TTHC cấp xã, huyện và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh có bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích trực tuyến; 100% tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn, hướng dẫn trực tiếp các kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích số của tỉnh; 100% học sinh THPT trên địa bàn tỉnh được phổ biến, hướng dẫn kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích số của tỉnh...

Theo ông Nguyễn Công Danh- Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Tây Ninh, từ đây đến năm 2025 là giai đoạn tăng tốc về chuyển đổi số, VNPT Tây Ninh đề ra định hướng, xây dựng kế hoạch cũng như lộ trình cụ thể cho hành trình chuyển đổi số giai đoạn tới trên cơ sở kế thừa, đúc kết kinh nghiệm từ những kết quả đã đạt được.

Cụ thể: Xây dựng kế hoạch triển khai và phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số cấp huyện, thị xã, thành phố, đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, lấy người dân làm trung tâm nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; đổi mới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Trong đó, tập trung triển khai các Trung tâm dữ liệu điều hành kinh tế, xã hội (IOC) ở cấp huyện, thị xã, thành phố để xây dựng các “bộ não số” phục vụ công tác giám sát, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo trên địa bàn.

Mặt khác, đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, vừa đáp ứng chuyển đổi số theo chiều dọc của từng ngành, từng lĩnh vực vừa xây dựng nguồn dữ liệu cung cấp cho Trung tâm IOC, bảo đảm dữ liệu “sống” phục vụ công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền.

Ngoài các công tác chuyển đổi số bên mảng hành chính, đơn vị tập trung nghiên cứu, xây dựng, triển khai các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin hỗ trợ công tác về quản lý công tác Đảng, quản lý nghiệp vụ HĐND.

Bên cạnh đó, ngoài khối chính quyền (khối GOV), tập trung phát triển và xây dựng kế hoạch triển khai các sản phẩm phục vụ chuyển đổi số khối quản trị doanh nghiệp (khối SME) như hợp đồng điện tử (eContract), phần mềm quản lý bán hàng (Posio), phần mềm Quản trị doanh nghiệp (OneBusiness).

Thực hiện Kế hoạch 1239/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh năm 2022, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương cung cấp thông tin các loại nông sản, sản phẩm từ chăn nuôi và danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện để đưa lên sàn TMĐT (tayninhtrade.com và sannongsan.tayninh.gov.vn). Đã có hơn 100 tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia với trên 250 sản phẩm nông sản tỉnh được bán trên 2 trang thương mại này.

Sở còn phối hợp VNPT Tây Ninh và các đơn vị có liên quan xây dựng thí điểm hệ thống phần mềm OCOP. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 chủ thể OCOP, 23 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp như: Công ty TNHH Tân Nhiên, Công ty TNHH MTV ong mật Bảo An Tây Ninh, trại dế Oanh Vĩnh, cơ sở chế biến kỹ nghệ thực phẩm Phú Gia Bảo, HTX cây ăn trái Bàu Đồn, HTX mãng cầu Thạnh Tân, HTX nông nghiệp Truông Mít... đưa trên 50 sản phẩm lên các sàn TMĐT trong nước, như Lazada, Sendo, Voso, Postmart.

Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Tây Ninh trong việc hợp nhất hai sàn TMĐT của tỉnh là tayninhtrade.com và sannongsan.tayninh.gov.vn nhằm thống nhất quản lý cũng như quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các hàng hoá trên địa bàn. Sau khi tích hợp thành công 2 sàn TMĐT, Sở NN&PTNT sẽ tuyên truyền, khuyến khích các chủ thể OCOP, HTX nông nghiệp, phân công các đơn vị thuộc ngành vận động nông dân tham gia sàn TMĐT của tỉnh góp phần giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông sản của địa phương.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục