Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Năm bầu cua
Thứ bảy: 08:05 ngày 11/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Anh Năm “bầu cua” buồn hiu, nằm đong đưa trên võng. Trên đời còn gì buồn chán hơn, khi “tiền khô cháy túi”? Bà vợ tự nhiên đùng đùng nổi giận, ôm thằng nhỏ về bà ngoại xa gần ba trăm ki-lô-mét.

Ảnh minh hoạ: Dương Vĩnh Tuyên

Cô Hai “nước mía” nhanh tay đưa một lượt ba cây mía vô máy cán, hát khe khẽ. “Mùa xuân! Một mùa xuân nho nhỏ...”. Tiếng thân mía vỡ rôm rốp, nước mía chảy ràn rạt. Mùi sầu riêng, mùi chanh muối lẫn trong mùi mía thơm ngọt.

Chú Mười “đô thị” nhún nhảy sát dải phân cách trồng nhóc nhách hoa đủ màu, bấm kéo xoành xoạch, nhịp theo tiếng huýt gió.

Thằng bán vé số da đen nhẻm, dò cẳng lỏng khỏng như chân vạc, cũng vừa đi vừa nhảy. “Bố là tất cả, bố ơi bố ơi”. Xấp vé số trên tay còn mỏng lét. Chủ nhật có khác, ai cũng vui lòng mở hầu bao mua cái sự hên xui.

Anh Năm “bầu cua” buồn hiu, nằm đong đưa trên võng. Trên đời còn gì buồn chán hơn, khi “tiền khô cháy túi”? Bà vợ tự nhiên đùng đùng nổi giận, ôm thằng nhỏ về bà ngoại xa gần ba trăm ki-lô-mét.

Giờ nhớ thằng nhỏ quá, muốn qua rước vợ con mà đâu còn tiền. Mẹ họ! Thèm thuốc muốn chết. Ê! Thằng Bảy “cà chớn”, vô biểu! Có thuốc lá cứu trợ anh Năm điếu coi. “Em xài Bát-tô xanh, nhẹ hều à”. “Nhẹ cũng ném đại một điếu cho tao. Tới cơn rồi”.

Ngày thường, anh Năm thường dùng thuốc Con mèo, đậm khói, đủ phê. Giờ nhẵn túi còn kén chọn chi cho... chết ngắc. Phì phèo đốt thuốc, Năm “bầu cua tôm cá” nhìn ra đường phố, thấy chú Mười “đô thị” mồ hôi ướt áo, mà sao ổng vui quá là vui.

Ngó sang nhỏ Hai “nước mía”, thấy mặt nó đỏ hườm, mặt long lanh như mới có bồ hẹn hò. Còn thằng da đen kia nữa, không biết là dân xứ này hay mấy thằng nhỏ xứ khác tới bán vé số. Cái miệng cười toe, dễ ghét. Làm như bây trúng số không bằng.

Trước đây mười năm, Năm Sang là một thanh niên mạnh khoẻ, siêng làm. Bốn giờ sáng đã bật dậy, xay bột, nhóm lò, bửa củi, phụ má đổ bánh xèo. Bánh xèo má con Năm Sang làm ngon, bán rẻ, rất đông khách. Một bà khách ruột hay tới mua bánh xèo, thấy tướng tá Năm Sang thì mê quá, đánh tiếng gả con gái cho.

Con gái bà nhan sắc trung bình, nhưng tài đảm, lại có sạp bán rau ngoài chợ. Hai đứa này, sáp làm đôi, cất nhà lầu mấy hồi. Đám cưới xong, xém nữa vụ cất nhà lầu thành hiện thực, khi cô vợ trúng mười tờ vé số giải ba, thêm cây vàng của hồi môn nữa là dư sức cất nhà.

Năm Sang mừng hú. “Vợ ơi! Cứ từ từ. Thần tài đang ở trong nhà mình. Để anh xin ổng mớ nữa, mình mua chiếc xe tải luôn”. Ba ngày liền, anh chồng chết gí trên chiếu “bầu, cua, tôm cá”. Có điều, thần tài không phò nữa, mà lấy hết mười triệu của Năm Sang.

Đêm về, gã lén móc bóp vợ thêm được bảy, tám triệu gì đó, chơi tiếp. Nhưng thằng chả khát nước quá hoá... ngu. Có tới sáu cửa mà gã nhất định theo hai cửa “bầu, cua”, nhà cái đổ hoài không ra hai cửa đó.

Tới lúc nản quá, con bạc bỏ cửa vài ngàn bạc lẻ thì nó lại về. Ức ói máu. Sau vụ đó, vợ chồng cự lộn tời bời khói lửa. Bà ngoại đã bán nhà chuyển về quê, xa quá, không thì vợ Năm Sang đã bỏ đi rồi.

Má bệnh mất, Năm “bầu cua” cũng làm biếng, không còn chăm chút nồi bánh xèo gia truyền. Có được thằng con trai rồi, anh mừng nhảy tưng tưng, liền nhào vô “bầu cua” lấy hên. Nói cho ngay, lúc đầu cũng hên, nếu biết dừng lại, Năm “bầu cua” đã có chút đỉnh lận lưng lấy le với vợ.

Cái máu tham nó vậy, có một lại muốn có mười. Tới hồi ham quá, Năm “bầu cua” không thèm bầu cua nữa mà chơi “chuyên nghiệp”. Một lần theo bạn qua biên giới vô casino, Năm “bầu cua” lại sạch bóp, phải thế thân ba mươi triệu đồng.

Gửi thư về cầu cứu vợ, nó cũng thương tình bán sạp rau, lấy tiền chuộc chồng. Năm “bầu cua” mò về tới nhà, thấy cửa đóng, then cài. Vợ nhắn lại, có thân thì tự lo, hai má con đưa nhau về với ngoại rồi.

Anh Năm lết qua quán nước mía, cười cầu tài. “Cô Hai đắt hàng quá hén”. Nụ cười cô Hai rớt xuống rãnh nước. “Anh còn hỏi? Vợ anh nó hiền, phải tui hả. Tui xử ông từ khuya rồi.

Đàn ông gì... ham cờ bạc đến tanh banh nhà cửa”. Năm “bầu cua” không ngại dơ bẩn, thò tay vớt nụ cười lên. “Thôi mà Hai. Anh ăn năn rồi chớ bộ. Phải anh có tiền, anh qua rước má con nó về, quỳ lạy nó cho làm lại cuộc  đời...”.

Cô Hai cảm động, suýt làm rớt ly nước mía. “Anh... anh quỳ thiệt hả?”. “Thiệt chớ! Tui nói sai, năm nay đi đâu gặp rắn mổ chết tui luôn”. Nụ cười gắn trở lại lên ánh mắt bao dung. “Vậy tui cho anh Năm mượn tiền, đi kiếm vợ con về nghen?”.

Năm “bầu cua” cầm mấy tờ bạc thơm mùi nước mía, cám ơn rồi rít. Chợt anh kêu: “Cho hai ly, bỏ chanh muối, đừng bỏ sầu riêng nghen Hai”. “Làm gì như voi uống nước vậy ông? Lâu ngày nhịn khát nên uống bù hả?”. “Không! Là anh muốn mời chú Mười một ly. Sáng giờ ổng tỉa cây, cắt cỏ mồ hôi quá chừng”. Cô Hai bỏ nước mía vô bọc ni-lông, cột thun lại cẩn thận. “Vậy thì đem về đi. Hai ly này tôi khuyến mãi”.

Chú Mười cởi tung nút áo ngực, chụp tờ báo cũ quạt phành phạch. “Giờ tính sao mậy?”. “Chú Mười có việc gì mần ra tiền, cho tui làm phụ, kiếm bậy tiền gạo muối cho con vợ”. Chú Mười cười khà. “Thôi đi mày! Con vợ mày nó tài đảm vậy, lại thèm nhờ lo gạo muối hả? Ông tu thân lo làm ăn được rồi”. Chú Mười móc bóp, chiếc bóp da bạc màu, phía trong đẫm mồ hôi. “Tao phụ mày hai trăm đi đường nè. Chừng nào về, hú tao nghen. Bên phố Tây có mấy căn nhà mới đập, cần dọn xà bần. Xong việc cũng có năm triệu bạc. Mày phụ tao hả?”.

Thằng vé số da đen ở đâu thò đầu vô. “Còn hai tấm 51, con heo đây chú Năm. Mua giùm đi, chiều vô đó”. Năm “bầu cua” lưỡng lự. “Thôi! Tao mua ủng hộ, chớ heo gà, cua cá gì cũng không ham nữa rồi”.

Nắng buổi sáng xua tan se lạnh, rạo rực như một nụ hôn phớt qua trên má người đàn ông may mắn. Nửa tháng sau, từ bên nhà Năm “bầu cua” vẳng ra câu hát tưng tửng: “Em, em ơi xuân đã về!”.

P.P.Q

Tin cùng chuyên mục