Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Già hoá dân số đang diễn ra nhanh chóng đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NCT.


Tính đến tháng 12.2024, toàn tỉnh có 177.822 Người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,3% dân số, so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 11.600 người. Trong đó, 30.868 người từ 80 tuổi trở lên và 18.274 người thuộc dân tộc thiểu số.
Việc thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho NCT trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Năm 2024, toàn tỉnh có 39.019 đối tượng được nhận trợ cấp xã hội tại cộng đồng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, với tổng kinh phí hơn 307 tỷ đồng, trong đó có 24.366 NCT đang hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng (14.416 người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội, 9.948 người là NCT bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và 2 NCT thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng).
Bà Lê Thị Ghết, 84 tuổi, ngụ ấp Tân Đông, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng cho biết: “Tuổi già sống ở quê cũng không đến nỗi thiếu thốn, con cháu có hiếu. Nhưng mỗi tháng nhận được tin nhắn báo tiền trợ cấp vào tài khoản, lòng tôi lại thấy vui hơn. Không phải vì số tiền nhiều hay ít, mà vì cảm giác được Nhà nước quan tâm, nhớ tới mình. Đó là một sự động viên đối với người lớn tuổi như tôi”.
Bên cạnh chính sách trợ cấp tại cộng đồng, tỉnh Tây Ninh còn triển khai nhiều mô hình chăm sóc tập trung cho NCT tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó 6 cơ sở có chức năng chăm sóc NCT, bao gồm cả công lập và ngoài công lập. Hiện có 134 NCT được chăm sóc tập trung tại các cơ sở này. Một số trường hợp được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước với mức tối thiểu 2 triệu đồng/người/tháng, số còn lại do thân nhân tự đóng góp hoặc được các tổ chức từ thiện, tôn giáo hỗ trợ.
Bà Trần Ngọc Mai, 83 tuổi, được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Điều dưỡng người có công tỉnh Tây Ninh. Nhắc lại những tháng ngày từng lang thang không nơi nương tựa, bà không giấu được xúc động: “Hồi đó tôi sống lay lắt ngoài đường, bệnh hoạn, đói khát, chẳng ai ngó ngàng. Từ ngày được đưa vào trung tâm, tôi có cơm ăn, áo mặc, thuốc uống đều đặn, lại có người chuyện trò, hỏi han mỗi ngày. Nhờ vậy mà sức khoẻ tôi khá lên từng chút. Các cô chú ở đây chăm sóc tôi chu đáo lắm, coi tôi như người thân trong nhà. Tôi biết ơn lắm, nếu không có chỗ này chắc tôi không sống được đến giờ”.
Cùng với chăm lo đời sống vật chất, Tây Ninh còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của NCT thông qua các hoạt động tri ân và chúc thọ mang tính nhân văn sâu sắc. Trong năm 2024, toàn tỉnh tổ chức thăm hỏi, trao Thiếp mừng thọ và quà của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh cho 50 cụ tròn 100 tuổi và 99 cụ trên 100 tuổi, ngoài phần quà theo chế độ, mỗi cụ còn được tặng thêm 1,5 triệu đồng nhân dịp tết.
Các địa phương trong tỉnh cũng đồng loạt tổ chức lễ mừng thọ cho 689 cụ tròn 90 tuổi và 11.744 cụ ở các mốc tuổi 70, 75, 80, 85 và 95 tuổi. Những hoạt động đầy nghĩa tình này không chỉ thể hiện đạo lý “kính lão đắc thọ” mà còn góp phần củng cố sợi dây gắn kết cộng đồng, lan tỏa các giá trị truyền thống tốt đẹp.
Bên cạnh chính sách chung của Trung ương, tỉnh Tây Ninh cũng ban hành các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ NCT thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo. Theo đó, người từ 60 đến dưới 80 tuổi bị bệnh tuổi già không thể lao động, NCT thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng (hoặc người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng cũng đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng) được hỗ trợ mức trợ cấp 2,01 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và 1,51 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn.
Để thích ứng với xu thế già hoá dân số và nâng cao chất lượng chính sách an sinh, tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc dài hạn, xây dựng cơ sở dữ liệu số về NCT để phục vụ công tác dự báo, lập kế hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ chăm sóc, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia, tạo thành mạng lưới hỗ trợ rộng khắp và bền vững.
Chăm sóc NCT không chỉ là chính sách, mà còn là biểu hiện cụ thể của tình người, của đạo lý truyền thống dân tộc. Khi NCT được sống khoẻ, sống vui, sống có ích, đó cũng là lúc chính sách an sinh thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả bền vững.
Sông Hương