Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nâng cao chất lượng chế biến mía, mì
Thứ tư: 00:16 ngày 18/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để lĩnh vực chế biến trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững và đạt chất lượng cao, tỉnh tiếp tục đầu tư và hiện đại hoá phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến truyền thống như chế biến khoai mì, mía đường và các lĩnh vực khác như lúa gạo, rau trái, sản phẩm chăn nuôi, chế biến gỗ…

Chế biến mía đường tại Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hoà.

Tây Ninh là một trong những tỉnh thực hiện khá tốt chủ trương của Chính phủ về liên kết “4 nhà” trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đang thực hiện Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều điều bất cập trong quan hệ hợp đồng đầu tư hoặc hợp đồng thu mua sản phẩm giữa “nhà nông” với cơ sở chế biến, nhà nông với các doanh nghiệp, nên khi giá bán sản phẩm trên thị trường biến động theo hướng giảm thì phần thiệt hại luôn thuộc về nhà nông. Đây được xem là tồn tại cần khắc phục, nhất là khi nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối yêu cầu truy nguyên nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 10.2.2020, nhà máy, công ty đường đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm niên vụ 2019 - 2020 với diện tích mía đã trồng, đầu tư và chăm sóc là 15.445 ha (trong tỉnh 10.814 ha, Campuchia 4.631 ha). Trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà chế biến niên vụ 2019 - 2020. Lượng mía đưa vào sản xuất đạt 505.008 tấn đạt 47.032 tấn đường, chữ đường bình quân đạt 9,47 CCS, giá thu mua 10 CCS là 750.000 đồng/tấn mía.

Các cơ sở chế biến mía đường trên địa bàn tỉnh mặc dù được đầu tư công nghệ khá hiện đại nhưng việc đa dạng hoá các sản phẩm cạnh đường và sau đường không được thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả làm cho giá thành sản xuất cao, không có cơ hội để nâng giá mua nguyên liệu của nông dân.

 Mối quan hệ giữa nhà máy chế biến và nông dân trồng mía còn nhiều vấn đề bất cập. Trong đó, đáng chú ý là chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu chưa đúng mức; chính sách thu mua và chính sách đầu tư còn nhiều bất cập; nông dân vẫn phàn nàn về việc đánh giá chất lượng mía nguyên liệu (tạp chất và chữ đường), về giá thu mua mía nguyên liệu.

Về chế biến mì, trong tháng 2.2020, ước khối lượng củ mì được đưa vào chế biến khoảng 276.931 tấn, sản xuất được 69.232 tấn bột. Trong đó, sản xuất công nghiệp đạt 235.392 tấn củ, với 58.848 tấn bột; cơ sở vừa và nhỏ là 41.539 tấn củ, 10.384 tấn bột. Giá thu mua củ mì tươi dao động từ 2.600 đến 2.750 đồng/kg (30 chữ bột) tuỳ khu vực.

Sản lượng củ mì được đưa vào chế biến chưa nhiều, vì thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Phụ phẩm chủ yếu từ chế biến khoai mì là xác mì, được sấy hoặc phơi khô, sau đó cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Đây cũng là một trong những nguồn thu nhập khá của các nhà máy chế biến khoai mì.

Để lĩnh vực chế biến trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững và đạt chất lượng cao, tỉnh tiếp tục đầu tư và hiện đại hoá phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến truyền thống như chế biến khoai mì, mía đường và các lĩnh vực khác như lúa gạo, rau trái, sản phẩm chăn nuôi, chế biến gỗ… 

Trong đó, tỉnh sẽ tập trung chế biến lĩnh vực khoai mì để nâng cao giá trị gia tăng chế biến tinh bột mì, đa dạng hoá sản phẩm; sử dụng nhiều hơn các phụ phẩm trong chế biến, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tạo cơ hội nâng giá thu mua nguyên liệu cho người trồng mì; giảm quy mô công suất chế biến hoặc số lượng nhà máy.

Đối với lĩnh vực chế biến mía đường, tỉnh sẽ thực hiện chủ trương xây dựng mới 1 nhà máy với công suất 1.200 tấn/ngày. Do đó, các nhà máy cần xây dựng kế hoạch theo hướng ổn định thời gian chế biến tối đa 110 ngày/năm để khai thác hết công suất của nhà máy, bảo  đảm nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng cao; giảm quy mô công suất nhà máy hoặc số lượng nhà máy chế biến phù hợp vùng nguyên liệu bị thu hẹp.

Các nhà máy cần có kế hoạch chi tiết để xây dựng vùng nguyên liệu, trong đó nội dung quan trọng là đầu tư hợp đồng ứng trước và bao tiêu sản phẩm cho người trồng mía với kế hoạch cụ thể về số lượng, thời gian, địa điểm, chất lượng và giá cả sản phẩm. Ngoài ra, các nhà máy cần có kế hoạch đa dạng hoá sản phẩm, tận dụng phế phụ phẩm để giảm giá thành đường, giữ ổn định giá thu mua nguyên liệu cho người trồng mía.

Tỉnh tiếp tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch ngành nghề nông thôn, xây dựng và thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các dự án có sử dụng nguyên liệu là sản phẩm nông, lâm nghiệp như: làng nghề bánh tráng, đậu hủ ky, đồ gỗ, mây tre lá... và tập trung vào các nội dung như gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hoá truyền thống, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ở các làng nghề, hiện đại hoá công nghệ xử lý chất thải, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường...  

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, tiêu hao ít vật tư, năng lượng, có khả năng chế biến sâu các sản phẩm có giá trị giá tăng cao, lựa chọn công nghệ khép kín, ít chất thải nhằm bảo vệ môi trường; áp dụng quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn ISO 9000, TQM, HACCP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, giảm giá thành đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp trong ngành.

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục