Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn
Thứ ba: 13:07 ngày 26/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, công tác quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn theo hai mô hình cấp nước, gồm: đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 70/76 công trình), cộng đồng quản lý (UBND xã quản lý 6/76 công trình).

Hộ dân ở xã Hoà Thạnh (Châu Thành) được hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn.

Đa số công trình cấp nước tập trung nông thôn có công nghệ xử lý nước đơn giản, quy mô, công suất nhỏ, công suất thiết kế từ 50-500m3/ngày.đêm, cấp nước cho khu vực dân cư tập trung từ 50-500 hộ dân. Tổng công suất hoạt động đạt 79,74% công suất thiết kế (8.602/10.787m3/ngày.đêm). Tổng số hộ sử dụng nước đạt 92,86% số hộ thiết kế (18.442/19.859 hộ), với tổng chiều dài tuyến ống cấp nước khoảng 540km.

Ngày 16.4.2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Việc thụ hưởng chính sách từ chương trình này đã giúp nhiều hộ gia đình nông thôn tiếp cận nguồn vốn vay và chủ động trong việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các mô hình cấp nước sạch hộ gia đình, công trình hố xí, bể biogas, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, tất cả trường học và trạm y tế trên địa bàn nông thôn của tỉnh đều có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bà Lê Thị Kim Huê (ngụ ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành) cho biết, trước đây, bà vay vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với số tiền 12 triệu đồng để đầu tư làm công trình nước sạch và nhà vệ sinh. Lãi suất cho vay của chương trình là 9%/năm (0,75%/tháng), thời hạn vay 5 năm. Hằng tháng, gia đình bà đóng lãi và gửi tiết kiệm bảo đảm trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn.

Ông Tô Chí Hiếu- Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Trường Thiện đã có trên 15 năm gắn bó với công việc này. Ông cho biết, Tổ do Hội Nông dân xã Trường Hoà quản lý và có 57 thành viên. Hiện nay, mức cho vay của chương trình đã được điều chỉnh lên 10 triệu đồng/công trình (trước đây là 6 triệu đồng/công trình). Nhờ nguồn vốn này mà người dân có điều kiện làm các công trình nhà vệ sinh, nước sạch, hợp vệ sinh, thuận tiện cho sinh hoạt.

Một hộ dân ở xã Trường Đông (Hoà Thành) được hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn.

Theo phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Hoà Thành, trên cơ sở nguồn vốn phân bổ của Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH thị xã Hoà Thành kịp thời phân khai các chỉ tiêu kế hoạch được giao đến các phường, xã để phối hợp với NHCSXH Thị xã tổ chức thực hiện.

Trong đó, Ngân hàng ưu tiên nguồn vốn Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho các xã có tỷ lệ hộ dân sử dụng công trình nước sạch và công trình vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, ngân hàng tập trung nguồn vốn cho các xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới để bảo đảm thực hiện tốt tiêu chí về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Song song với việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đơn vị cũng chú trọng đến công tác kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay nhằm bảo đảm hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Bà Nguyễn Thị Như Thuỳ- Phó Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hoà Thành cho biết, qua 15 năm triển khai thực hiện, tính đến ngày 31.12.2019, tổng doanh số cho vay Chương trình NS&VSMTNT trên địa bàn thị xã Hoà Thành là 233.915 triệu đồng với 20.781 hộ vay vốn. Tổng doanh số thu nợ là 117.910 triệu đồng. Tổng dư nợ đến ngày 31.12.2019 là 113.662 triệu đồng với 10.553 hộ vay, trong đó: nợ quá hạn 529 triệu đồng, chiếm 0,47% trong tổng dư nợ; nợ khoanh không phát sinh.

Đến nay, toàn huyện có 96,1% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (trong đó, có 71,1% hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia). Bên cạnh đó, 95,1% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 90,7% số hộ gia đình ở nông thôn chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh. 100% số trường học mầm non, phổ thông và số trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh sử dụng tốt.

Bà Thuỳ chia sẻ: “Việc triển khai cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đem lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường và chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ giải ngân đúng chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao, bình xét cho vay đối với các hộ chưa được thụ hưởng chương trình, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt quy chuẩn quốc gia”.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tích cực phối hợp với các hội đoàn thể nhận uỷ thác và UBND các phường, xã xử lý tốt nợ đến hạn, kịp thời cho vay quay vòng vốn, tránh tồn đọng vốn. Tập trung xử lý thu hồi nợ đến hạn đối với các xã chuyển đổi lên phường như Hiệp Tân, Long Thành Trung, Long Thành Bắc (vì khi lên phường sẽ không còn được thụ hưởng chương trình này).

Theo UBND tỉnh, kết quả triển khai thực hiện chương trình từ năm 2007-2020, ngân sách tỉnh, huyện uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 153,129 tỷ đồng. Qua đó, giải quyết cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho 139.970 hộ gia đình (xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 130.850 công trình nước sạch và 127.367 công trình vệ sinh).

Chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21.3.2018 của UBND tỉnh, hỗ trợ có mục tiêu cho UBND 8 huyện, thị xã giai đoạn 2018-2020 với 41,18 tỷ đồng/7.503 hệ thống xử lý nước, cụ thể: năm 2018: 8,32 tỷ đồng/1.415 hệ thống xử lý nước; năm 2019:12,19 tỷ đồng/2.100 hệ thống xử lý nước; năm 2020 (dự kiến): 20,67 tỷ đồng/3.988 hệ thống xử lý nước.

Qua đó có thể thấy, Chương trình tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao sức khoẻ, chất lượng cuộc sống và vệ sinh môi trường nông thôn cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê của ngành chức năng, kết quả tỷ lệ số dân nông thôn tiếp cận sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh là 98,84% (919.743/930.516 người).

Trong đó, tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt là 59% (549.011/930.516 người). Riêng số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt QCVN 02:2009/BYT từ công trình cấp nước tập trung nông thôn; các trạm cấp nước, nhà máy nước của Công ty cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh và chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND là 18,91% (tương đương 175.840 người).

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, Chương trình tín dụng sẽ kết thúc vào năm 2020. Do đó, những hộ gia đình chưa có nước sạch hoặc đã có nguồn nước nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh, công trình nước sạch đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp sẽ không bảo đảm được sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường và không tiếp cận với nguồn vốn vay của chương trình.

Bên cạnh đó, mức cho vay tối đa đối với một công trình là 10 triệu đồng, trong khi giá cả về nguyên vật liệu, nhân công ngày càng cao nên chưa đáp ứng những chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho vay đối với đối tượng hộ gia đình chưa có nước sạch hoặc đã có nguồn nước nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh ở khu vực đô thị.

Do đó, để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của chương trình tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, UBND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị Bộ NN&PTNT và bộ, ngành Trung ương tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng giúp người dân được tiếp cận, thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách vay xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa những công trình cấp nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần đạt các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; bổ sung đối tượng vay vốn là hộ gia đình ở khu vực đô thị chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh; điều chỉnh tăng mức cho vay tối đa đối với công trình lên 15 triệu đồng.

TRÚC LY

Tin cùng chuyên mục