Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðể giải quyết tình trạng án tăng, trong đó có án liên quan đến tranh chấp đất đai, thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác hoà giải tranh chấp đất đai theo Bộ luật Tố tụng dân sự, trong đó hướng dẫn các bên lựa chọn hoà giải theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án…
Nâng cao chất lượng giải quyết án tranh chấp đất đai (ảnh minh hoạ).
Luật Ðất đai 2013 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Toà án, nên số lượng các vụ án tranh chấp đất đai tăng nhiều hơn so với thời điểm hiệu lực của Luật Ðất đai 2003. Mặt khác, do quá trình đô thị hoá, giá trị quyền sử dụng đất (QSDÐ) tăng lên nên số lượng các vụ án tranh chấp đất đai cũng tăng theo với tính chất ngày càng phức tạp, nhiều đương sự tham gia, giá trị tài sản tranh chấp lớn.
Phó Chánh án TAND tỉnh Ðỗ Văn Thinh cho biết, qua xét xử các vụ tranh chấp đất đai cho thấy, phát sinh nhiều nhất là tranh chấp QSDÐ; tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ; tranh chấp đòi đất cho mượn, cho ở nhờ và thừa kế...
Trong cùng một vụ án có nhiều quan hệ pháp luật khác nhau cần giải quyết. Ðiển hình như trong tranh chấp thừa kế có tài sản là nhà, đất mà thời hiệu khởi kiện là 30 năm có các quan hệ có thể giải quyết như: yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho QSDÐ; yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, đòi tài sản là QSDÐ, bồi thường thiệt hại...
Thậm chí, có nhiều người tham gia tố tụng ở nhiều địa phương khác nhau, có khi ở nước ngoài, khó khăn cho công tác tống đạt, uỷ thác, thu thập chứng cứ. Một số đương sự không hợp tác để giải quyết vụ việc mà liên tục khiếu nại, chống đối nên tiến độ giải quyết loại án này chậm hơn so với các loại án khác; số vụ án bị huỷ, sửa vẫn còn và thường chiếm tỷ lệ cao hơn các loại tranh chấp khác.
Ðơn cử vụ ông H.V.Tr và bà H.T.L (ngụ huyện Dương Minh Châu) có 5 người con chung. Ngày 23.7.2014, hai ông bà lập di chúc với nội dung để lại một ngôi nhà trên phần đất (có giấy chứng nhận QSDÐ) và một phần đất lúa (có giấy chứng nhận QSDÐ) cho người con trai là anh H.V.T được toàn quyền định đoạt.
Sau khi cha mất, anh T không nhận tài sản theo di chúc mà để cho người mẹ tiếp tục sử dụng. Ngày 17.4.2015, bà L cùng 5 người con lập văn bản phân chia tài sản thừa kế với nội dung giao 2 phần đất theo 2 giấy chứng nhận QSDÐ nêu trên cho bà L hưởng. Sau khi bà mất, không để lại di chúc, di sản thừa kế để lại chưa được phân chia. Anh T mang di chúc mà cha mẹ đã lập ngày 23.7.2014 đi làm thủ tục hưởng thừa kế theo di chúc và đã sang tên giấy chứng nhận QSDÐ nên dẫn đến tranh chấp kéo dài, bởi những người con còn lại của ông Tr và bà L yêu cầu chia thừa kế di sản của cha mẹ để lại theo pháp luật.
Theo đánh giá của TAND tỉnh, tranh chấp về đất đai nói chung là một trong những tranh chấp phức tạp nhất trong các loại tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Khi giải quyết án liên quan đến đất đai, thẩm phán còn gặp khó khăn, vướng mắc do một số quy định pháp luật chưa đồng bộ hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể nên còn nhiều quan điểm, nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau giữa các thẩm phán, các cấp Toà án.
Việc cấp giấy chứng nhận QSDÐ cho cá nhân, tổ chức theo quy định pháp luật về đất đai chưa bảo đảm theo quy định pháp luật, thiếu chính xác về diện tích, thửa đất và chủ thể được cấp giấy (nhiều trường hợp cấp cho cá nhân thì cấp cho hộ gia đình); một thửa đất có thể cấp nhiều giấy chứng nhận QSDÐ cho nhiều người, cấp trùng thửa; diện tích được cấp theo giấy chứng nhận QSDÐ và diện tích thực tế có sai số, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án.
Theo Ðiều 97, Bộ luật Tố tụng dân sự, trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án có thể tiến hành một số biện pháp thu thập chứng cứ, trong đó có biện pháp thu thập chứng cứ đối với cơ quan tổ chức có thẩm quyền đang lưu giữ tài liệu cung cấp chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án; xem xét thẩm định tại chỗ phần đất tranh chấp.
Thực tiễn xét xử cho thấy, việc cung cấp thông tin của cơ quan quản lý đất đai không kịp thời, có nhiều vụ việc phải làm văn bản nhắc nhiều lần. Thậm chí, thẩm phán phải đến kho lưu trữ của cơ quan quản lý đất đai tại địa phương nơi xảy ra tranh chấp để tìm; hồ sơ lưu trữ không đầy đủ; việc cập nhật biến động về đất đai chưa kịp thời (do một số địa phương sáp nhập địa giới hành chính và do nguyên nhân khác).
Không chỉ vậy, việc xem xét thẩm định tại chỗ gặp nhiều khó khăn, bên cạnh việc không hợp tác của đương sự, nhiều trường hợp Toà án và các cơ quan chuyên môn không thể tiếp cận để xem xét thẩm định đối với tài sản tranh chấp, dẫn đến việc đánh giá chứng cứ không toàn diện, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, nhiều trường hợp phải bị hủy án. Có trường hợp sau khi xem xét thẩm định tại chỗ, đo đạc xong, cơ quan chuyên môn không thể cung cấp bản vẽ để phục vụ công tác xét xử do có sự chồng lấn, sai số trong các thửa hoặc không thể áp bản đồ, giải thửa.
“Nguyên nhân chủ yếu là do pháp luật về đất đai không ổn định, có sự thay đổi liên tục. Sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai thể hiện trong việc việc lưu trữ, quản lý hồ sơ về thửa đất không đầy đủ, tình trạng hồ sơ bị thất lạc, không cập nhật được biến động đất đai kịp thời; việc cấp giấy chứng nhận QSDÐ chưa bảo đảm theo quy định pháp luật về chủ thể sử dụng đất.
Công tác phối hợp của các cơ quan chuyên môn khi Toà án cần đo đạc, thẩm định, định giá tài sản tranh chấp là QSDÐ chưa đáp ứng được so với lượng án Toà án thụ lý; việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự”- Phó Chánh án TAND tỉnh Ðỗ Văn Thinh cho biết.
Ðể giải quyết tình trạng án tăng, trong đó có án liên quan đến tranh chấp đất đai, thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác hoà giải tranh chấp đất đai theo Bộ luật Tố tụng dân sự, trong đó hướng dẫn các bên lựa chọn hoà giải theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; chủ động hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ là hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDÐ tại cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ đó theo quy định pháp luật.
Ðồng thời, TAND tỉnh kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai (UBND, Văn phòng Ðăng ký đất đai, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố...) hỗ trợ đương sự trong việc cung cấp nguồn chứng cứ là hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDÐ và phối hợp, tham gia tích cực trong Hội đồng định giá theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
THIÊN DI
Từ ngày 1.7.2014 đến hết năm 2020, tổng số án tranh chấp đất đai đã giải quyết là 3.095/4.863 vụ, việc thụ lý (đạt 63,64%). Riêng năm 2020, TAND hai cấp giải quyết 532/815 vụ việc đã thụ lý, chiếm tỷ lệ 65,27%.