Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Sở Tư pháp nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót trong công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL, góp phần quan trọng trong việc tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản QPPL thực sự có chất lượng, tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Người dân nghiên cứu, tìm hiểu các văn bản QPPL hiện hành tại bộ phận Một cửa.
Năm 2023, Sở Tư pháp Tây Ninh thẩm định 58 văn bản (47 quyết định; 2 đề nghị xây dựng nghị quyết; 9 nghị quyết), góp ý 354 văn bản (167 văn bản QPPL, 149 văn bản khác và 38 dự thảo luật, nghị định, thông tư, quyết định của Thủ tướng Chính phủ); tự kiểm tra 41 quyết định, kiểm tra theo thẩm quyền 48 văn bản QPPL; rà soát thường xuyên 84 văn bản QPPL (64 văn bản hết hiệu lực toàn bộ và 20 văn bản hết hiệu lực 1 phần);
Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực một phần trong năm 2022 (75 văn bản) và năm 2023 (9 văn bản); rà soát, báo cáo UBND tỉnh 2 chuyên đề (rà soát các văn bản QPPL về sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân theo Công văn số 689/TTg-PL ngày 29.7.2023 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát văn bản QPPL theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác hệ thống hoá văn bản kỳ 2019-2023 kịp thời đúng quy định).
Nhìn chung, công tác thẩm định của Sở Tư pháp thực hiện đúng trình tự thủ tục, bảo đảm tiến độ thời gian quy định. Báo cáo thẩm định ngoài việc bảo đảm cấu trúc theo quy định, còn có hướng đề xuất điều chỉnh cụ thể, giúp cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý hoàn thiện dự thảo văn bản.
Nội dung thẩm định văn bản tập trung làm rõ căn cứ pháp lý để ban hành văn bản, sự cần thiết phải ban hành văn bản, sự phù hợp giữa nội dung văn bản của dự thảo với văn bản QPPL cấp trên; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản, tính hợp pháp, thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hoá văn bản QPPL cũng được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật còn một số hạn chế. Theo Phòng Xây dựng và Phổ biến pháp luật Sở Tư pháp, thời gian cho việc thẩm định góp ý rất ngắn và gấp, nội dung phức tạp nên nội dung, chất lượng đôi lúc chưa bảo đảm.
Cụ thể, việc đề nghị thẩm định của các sở, ngành tỉnh khi gửi hồ sơ thẩm định rất ít thời gian để trình cấp có thẩm quyền ban hành, thời gian để Phòng tham mưu Ban Giám đốc Sở Tư pháp thẩm định thường không đủ thời hạn 15 ngày mà chỉ có từ 5-7 ngày; thậm chí có hồ sơ chỉ thẩm định trong 1 ngày, nhất là các nội dung tập trung cho các kỳ họp của HĐND. Biên chế làm công tác thẩm định, góp ý quá ít (chỉ có 2 chuyên viên vừa thẩm định, góp ý, chuẩn bị tài liệu họp và một số công việc khác).
Sau thẩm định đủ điều kiện của Sở Tư pháp thì một số cơ quan chủ trì soạn thảo không có báo cáo tiếp thu giải trình đối với kết quả thẩm định; có sự thay đổi về nội dung, thậm chí thay đổi luôn cả tên gọi của dự thảo văn bản, dẫn đến việc Sở Tư pháp phải có ý kiến lại đối với nội dung đã thẩm định trước đó.
Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến việc chưa phát hiện và xử lý chưa kịp thời văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Để nâng cao công tác thẩm định, kiểm tra rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL, hoàn thiện thể chế và thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Phòng Xây dựng và Phổ biến pháp luật sẽ giúp Ban Giám đốc Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến xây dựng, ban hành văn bản QPPL; đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật; bám sát trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản trong quá trình tham mưu soạn thảo văn bản, hạn chế thực hiện các nội dung công việc không nằm trong quy trình xây dựng và ban hành văn bản.
Các cơ quan, đơn vị cần thực hiện đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản QPPL theo hướng dẫn tại Công văn số 2010/STP-XDPBPL ngày 2.8.2023 về việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP; thường xuyên thực hiện kiểm tra, rà soát và theo dõi tình hình thi hành các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành; kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Thiên Di