Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này, từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Ban Thường vụ Huyện uỷ Hòa Thành ban hành Công văn số 305, ngày 14.1.2013, về việc nâng cao chất lượng tổ chức triển khai quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Ðảng.
Những năm trước đây, do nhiều nguyên nhân, việc triển khai nghị quyết đến cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Hoà Thành thực hiện chưa được nghiêm túc, nên hiệu quả, tác dụng chưa cao. Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này, từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành Công văn số 305, ngày 14.1.2013, về việc nâng cao chất lượng tổ chức triển khai quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Ðảng. Ði kèm theo đó là nhiều giải pháp được áp dụng, đã từng bước khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến thực sự trong từng cấp uỷ, tổ chức Ðảng.
THIẾU NGHIÊM TÚC TRONG TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT
Nghị quyết của Ðảng thường có tính khái quát, khoa học, lý luận cao. Do đó, khi triển khai, nếu không chú ý đến công tác tổ chức sẽ rất khó mang lại hiệu quả. Thời gian qua, công tác triển khai nghị quyết ở Hoà Thành vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, nguyên nhân có cả chủ quan lẫn khách quan, từ khâu triển khai tổ chức của cấp uỷ đảng lẫn ý thức của từng cán bộ đảng viên.
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Hoà Thành tổ chức toạ đàm nâng cao chất lượng cộng tác viên.
Trước đây, do trình độ hạn chế của một số báo cáo viên, nên khi triển khai các chỉ thị, nghị quyết chủ yếu chỉ thông qua bằng hình thức đọc tài liệu, không có sự liên hệ những vấn đề thực tiễn tại địa phương, đơn vị. Thêm vào đó là tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập. Nhiều cơ sở đảng có đông đảng viên, nhưng hội trường tổ chức triển khai nghị quyết lại chật hẹp, có nơi bố trí không đủ chỗ ngồi nên cán bộ, đảng viên phải ngồi ngoài hành lang để học. Việc triển khai qua loa, các lớp học không có nội quy rõ ràng, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến một số cán bộ, đảng viên thiếu nghiêm túc, không tự ý thức trong việc học. Nhiều người học nghị quyết nhưng lại không mang theo sổ để ghi chép mà chỉ ngồi nghe, thậm chí còn tranh thủ làm việc riêng.
Nghị quyết của Ðảng là những định hướng chính trị phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng, là cơ sở, lý luận mang tính thực tiễn được cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân dựa vào để thực hiện. Việc triển khai học tập chỉ thị, nghị quyết của Ðảng là một khâu quan trọng để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Và để làm được điều này, đòi hỏi các cơ sở đảng phải cụ thể hoá chỉ thị, nghị quyết bằng những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể sát với thực tế, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng. Nhưng thực tế, vẫn có những cấp uỷ, tổ chức đảng xây dựng kế hoạch hoặc chương trình hành động chung chung, chưa sát với chức năng nhiệm vụ của địa phương, đơn vị mình.
“Năm 2011, khi đi kiểm tra một đảng bộ ở xã có trên 200 đảng viên, tôi phát hiện cơ sở đảng này sao chép nguyên nghị quyết của huyện về. Trong đó vẫn giữ y chỉ tiêu của huyện mà chỉ tiêu này lại hoàn toàn không rơi vào xã đó, hoàn toàn không phù hợp với thẩm quyền, chức năng của địa phương. Vậy mà đến khi lấy ý kiến, 100% cán bộ đảng viên ở đây vẫn đưa tay biểu quyết. Ðó chính là do thiếu quan tâm, thiếu nghiêm túc, không ghi chép nên mới dẫn đến tình trạng người trên sai mà những người ở dưới không phát hiện”, ông Lê Văn Tuấn- Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Hoà Thành nói.
NHIỀU GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC HẠN CHẾ
Xác định công tác triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng, góp phần đưa nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ðảng vào cuộc sống, là khâu then chốt quyết định thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, sau khi nhìn nhận những hạn chế của địa phương, Ban Thường vụ Huyện uỷ Hoà Thành tập trung chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác triển khai, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ðảng.
Từ thực tiễn cho thấy, việc đổi mới phương pháp triển khai chỉ thị, nghị quyết cũng là một vấn đề cấp bách quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Huyện uỷ tập trung chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị tăng cường đổi mới nội dung, cải tiến phương pháp, hình thức dạy học, như tổ chức dự giờ các buổi lên lớp của giảng viên kiêm chức, mua sắm các trang thiết bị phục vụ giảng dạy như mua mới màn hình, máy chiếu. Việc đầu tư này ở cấp cơ sở cũng được triển khai. Hiện nay, 8/8 đảng uỷ xã, thị trấn đều chủ động trang bị đầy đủ hệ thống công nghệ thông tin, bảo đảm cho việc giảng dạy phong phú, hấp dẫn hơn trước.
Khâu tổ chức các lớp học được giao trách nhiệm cho cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ, bảo đảm chỗ ngồi, ánh sáng, thoáng mát cho cán bộ đảng viên. Mỗi lớp không quá 150 người học, trong đó phải có sinh hoạt nội quy, tăng cường giám sát tinh thần, thái độ học tập của cán bộ, đảng viên.
Huyện uỷ cũng chỉ đạo cấp uỷ ở các xã, thị trấn cung cấp cho mỗi đảng viên 1 quyển sổ, 1 cây viết để ghi chép trong họp chi bộ và học nghị quyết của Ðảng. Việc này tuy nhỏ nhưng rất quan trọng, vì không ghi chép lại những chủ trương, đường lối của Ðảng sẽ không thể nhớ đầy đủ, chính xác. Như vậy, nếu đi tuyên truyền, nói chuyện với người dân chắc chắn sẽ không thể nào thể hiện đúng tinh thần của Ðảng.
Nâng cao chất lượng, trình độ, kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên cũng là một trong những biện pháp quan trọng mà Huyện uỷ Hoà Thành đề ra. Hiện nay, báo cáo viên cấp huyện có 25 người, cấp cơ sở 86 người. Ðội ngũ báo viên luôn được kiện toàn, củng cố và bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.
Ðặc biệt, để khắc phục tình trạng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động không thiết thực, cụ thể, không gắn liền với nhiệm vụ, chức năng của cơ quan, đơn vị, Ban Thường vụ Huyện uỷ giao trách nhiệm cho Ban Tuyên giáo chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu giúp việc Huyện uỷ để thẩm định các chương trình, kế hoạch thực hiện của các cấp uỷ, chi bộ cơ sở. Nơi nào bảo đảm đạt yêu cầu chỉ đạo của Huyện uỷ, cụ thể hoá bằng những việc làm thiết thực, sát với chức năng, nhiệm vụ sẽ cho triển khai thực hiện; ngược lại, sẽ phải xây dựng lại từ đầu.
Xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên học tập thiếu nghiêm túc là giải pháp sau cùng được Huyện uỷ Hoà Thành thực hiện. Vừa qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp uỷ, chi bộ kiểm điểm nghiêm khắc đối với 7 đảng viên là cán bộ chủ chốt cấp huyện và yêu cầu 7 đảng viên ở cơ sở học lại, do chấp hành không nghiêm nội quy lớp học (như học giữa giờ bỏ về, đọc báo, truy cập mạng, nói chuyện riêng hoặc làm việc riêng…).
“Việc học nghị quyết không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi đảng viên. Các cấp uỷ đã tạo mọi điều kiện, nhưng nếu ý thức của cán bộ, đảng viên vẫn không nâng cao, vẫn sai phạm, chúng tôi buộc phải mạnh tay kỷ luật. Kết quả đó sẽ đưa vào nhận xét, đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, chất lượng cán bộ, công chức cuối năm.
Vừa qua, khi đoàn kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Trung ương vào đã nhận xét: Hoà Thành là một trong những huyện “dũng cảm” trong việc xử lý, kỷ luật đối với đảng viên. Ðây là điều không ai mong muốn, nhưng đó lại là giải pháp bắt buộc để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện suy thoái “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” trong mỗi đảng viên”, ông Tuấn nói.
N.D