Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới, tỉnh Tây Ninh có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực y tế; chú trọng đầu tư phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại và hiệu quả, ưu tiên hàng đầu việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ y tế công bằng cho các nhóm yếu thế, một yêu cầu cấp thiết trong tiến trình hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội.


Năm 2024, nhiều chỉ tiêu y tế của tỉnh đạt hoặc vượt các mục tiêu đặt ra cho năm 2025 và 2030. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 97,6%, cao hơn so với mục tiêu 95%. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi lần lượt là 15,6% và 10,4%, sát với chỉ tiêu đặt ra cho năm 2030. Đặc biệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 18,1%, tiến gần mục tiêu dưới 15% vào năm 2030. Những con số tích cực này phản ánh sự phối hợp hiệu quả giữa ngành Y tế và các lực lượng thực hiện chính sách an sinh xã hội tại cơ sở.
Hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và nâng cấp. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ các hoạt động y tế dự phòng, quản lý bệnh không lây nhiễm, khám sàng lọc và truyền thông sức khoẻ. Tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ y tế đạt 95% trong năm 2024, tăng 4% so với năm 2022; phản ánh sự thay đổi thực chất trong chất lượng phục vụ, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở, nơi gần nhất với người dân nghèo, người cao tuổi và người khuyết tật.
Ông Trang Văn Lợt (85 tuổi), ngụ ấp Bảo, xã Long Giang, huyện Bến Cầu chia sẻ: “Tôi bị cao huyết áp đã hơn chục năm, trước đây mỗi lần đi tái khám là phải ra tận Trung tâm Y tế huyện. Giờ Trạm Y tế xã lo được hết, có bác sĩ trẻ coi bệnh đàng hoàng, phát thuốc đầy đủ, vậy nên tôi yên tâm điều trị tại Trạm Y tế xã”.
UBND tỉnh triển khai hàng loạt đề án chiến lược nhằm củng cố tuyến đầu chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, như đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trang bị thiết bị hiện đại cho 6 trung tâm y tế huyện và 42 trạm y tế xã, thành lập Khoa Kiểm soát bệnh tật tại Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu. Nhờ vậy, năng lực phòng, chống dịch và chăm sóc sức khoẻ ban đầu được nâng lên rõ rệt, đặc biệt đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi có khoảng 2,5% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Các trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Người dân tại vùng khó khăn giờ đây có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại địa phương, không còn phải đi xa hoặc chịu gánh nặng chi phí. Việc tăng cường liên kết chuyên môn giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện tuyến Trung ương như Chợ Rẫy, Nhân dân 115... giúp Tây Ninh triển khai nhiều kỹ thuật cao ngay tại chỗ như can thiệp tim mạch, điều trị đột quỵ, đặt máy tạo nhịp tim, thay khớp nhân tạo... góp phần quan trọng vào chiến lược “giữ bệnh nhân tại chỗ”, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân.
Ông Nguyễn Công Đặng (61 tuổi), ngụ xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, là một trong những bệnh nhân được hưởng lợi từ sự phát triển này. Vào tháng 2.2025, ông nhập viện trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Được chẩn đoán kịp thời và can thiệp tái thông mạch vành ngay trong “giờ vàng” bởi ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, ông đã qua cơn nguy kịch mà không cần chuyển tuyến.
Ông xúc động chia sẻ: “Tôi thấy mình may mắn lắm. Trước đây nghe ai bị nhồi máu cơ tim là phải đưa lên Sài Gòn, mà đường thì xa, lỡ trễ giờ vàng là nguy hiểm. Lần này tôi đau ngực, được người nhà chở vô Bệnh viện tỉnh. Không ngờ bác sĩ ở đây can thiệp liền, làm nhanh, bài bản. Tôi không phải chuyển đi đâu hết, nằm điều trị ở tỉnh mà cũng yên tâm. Gia đình đỡ tốn kém, tôi thì giữ được mạng sống. Thật sự biết ơn đội ngũ bác sĩ ở đây”.
Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn, công suất sử dụng giường bệnh tại tuyến tỉnh đạt tới 107,1%, trong khi tuyến huyện chỉ 57,23% và khối tư nhân là 99,23%. Sự mất cân đối này cho thấy cần tiếp tục điều chỉnh phân bổ nguồn lực, tránh dồn áp lực quá lớn lên tuyến trên, điều có thể khiến người nghèo và đối tượng yếu thế gặp khó khăn khi vốn phụ thuộc chủ yếu vào dịch vụ công.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 93,53% vào năm 2024, tiến gần đến mục tiêu 95% vào năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 80.000 người dân chưa tham gia, phần lớn là người lao động tự do, dân cư vùng biên, vùng sâu. Trong khi đó, tổng chi khám chữa bệnh BHYT lên đến hơn 740 tỷ đồng, với phần chi trả ngoài tỉnh cao hơn chi trong tỉnh, phản ánh phần nào thực trạng người dân vẫn còn tâm lý e ngại chất lượng điều trị tại chỗ. Đối với các nhóm yếu thế, điều này đồng nghĩa với nguy cơ bị thiệt thòi nếu buộc phải di chuyển xa, hoặc không đủ khả năng chi trả phần đồng chi trả.
Một khó khăn nữa là tình trạng chậm thanh toán bảo hiểm y tế và việc chưa được sử dụng kết dư để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ y tế. Một bác sĩ trẻ công tác tại một Trung tâm Y tế huyện chia sẻ: “Khối lượng công việc càng lúc càng nhiều, nhất là từ sau dịch Covid-19, nhưng lương, phụ cấp gần như không đổi. Chúng tôi còn trẻ, nhiệt huyết, nhưng cũng cần được ghi nhận xứng đáng để yên tâm gắn bó lâu dài”.
Tây Ninh đã chủ động hợp tác với các trường đại học lớn, cử gần 200 bác sĩ, dược sĩ sau đại học và hơn 600 cán bộ có trình độ đại học đi đào tạo chuyên sâu. Dù vậy, tỉnh vẫn thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực ở các chuyên khoa như tim mạch, pháp y, tâm thần... Nhiều cán bộ y tế phải kiêm nhiệm nhiều mảng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Mức thu nhập chưa đủ hấp dẫn khiến không ít bác sĩ giỏi chấp nhận bồi hoàn kinh phí đào tạo để nghỉ việc. Cơ chế quản lý nhân lực chưa linh hoạt, chưa tạo động lực giữ chân đội ngũ y tế trong hệ thống công, điều này đặc biệt đáng lo ngại khi dân số đang già hoá và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng tăng cao.
Chi ngân sách cho y tế tại Tây Ninh dao động từ 15%-20% tổng chi ngân sách địa phương, đạt hơn 700 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 10% so với năm 2017. Ngoài ra, tỉnh đã huy động hơn 30 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực. Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo được duy trì với quy mô trên 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đóng góp 60%, doanh nghiệp góp 20% và phần còn lại từ cộng đồng.
Theo báo cáo của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, năm 2023, quỹ này đã hỗ trợ hơn 8.000 lượt khám, chữa bệnh miễn phí và cấp phát 1.500 thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn. Dù tạm thời phải dừng do vướng mắc về cơ chế tài chính, tỉnh đã kịp thời ban hành chính sách thay thế bằng Nghị quyết số 84/2024/NQ-HĐND ngày 12.7.2024 quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028. Trong năm 2024, ngân sách Nhà nước chi hơn 4,3 tỷ đồng để duy trì các hoạt động hỗ trợ, bảo đảm không gián đoạn chính sách đối với các nhóm đối tượng yếu thế.
Anh Huỳnh Văn Sang (49 tuổi), bệnh nhân chạy thận định kỳ, hiện sống tại ấp Phước Lập, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành chia sẻ: “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, dù có thẻ BHYT diện bảo trợ xã hội nhưng cũng phải đóng đồng chi trả. Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, tôi được giúp tiền khám, tiền ăn, cả tiền xe đi lại. Không có chính sách này chắc tôi không cầm cự nổi”.
Từ năm 2021 đến nay, Tây Ninh tổ chức hơn 100 chiến dịch truyền thông cộng đồng, với hơn 50.000 lượt người tham gia. Các nội dung như lợi ích của BHYT, phòng chống dịch, chăm sóc sức khoẻ chủ động được truyền tải thông qua mạng xã hội, truyền hình và nền tảng số, góp phần quan trọng thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.
Với những khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Trung ương sớm điều chỉnh định mức chi BHYT sát thực tế; đẩy nhanh tiến độ thanh toán BHYT; ban hành cơ chế thu hút và giữ chân nhân lực y tế; mở rộng các hình thức BHYT linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Đồng thời đề xuất Bộ Y tế phối hợp Bộ Nội vụ bổ sung chỉ tiêu biên chế, có cơ chế điều phối nhân lực y tế phù hợp với đặc thù từng địa phương.
Những nỗ lực không ngừng trong nâng cao chất lượng y tế và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khoẻ tại Tây Ninh đã mang lại kết quả rõ rệt. Ngành Y tế Tây Ninh đang từng bước hiện thực hoá khát vọng công bằng y tế, để mọi người dân, ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ một cách đầy đủ, để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân.
Hồng Lam