Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nâng cao chỉ số PCI: Phải thực sự hành động, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp
Thứ ba: 23:47 ngày 05/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đây là tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm tại hội nghị trực tuyến phân tích và giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tây Ninh diễn ra chiều 5.9.

Ông Đậu Anh Tuấn- Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) phân tích tổng quan một số đặc điểm môi trường kinh doanh của tỉnh Tây Ninh.

Tham dự hội nghị có các Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQVN tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh.

Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh dưới sự chủ trì của các phó bí thư thường trực huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ và có sự tham dự của lãnh đạo các xã, phường, thị trấn.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho biết, với sự đoàn kết, đồng lòng trong toàn đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Tây Ninh đã vượt qua khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ trong đại dịch và thực hiện khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) sau đại dịch Covid-19.

Qua phân tích và dự báo, một số chỉ tiêu KT-XH của tỉnh có khả năng không đạt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Trong các nguyên nhân khách quan, chủ quan, nội lực, cách triển khai nhiệm vụ thì một nguyên nhân quan trọng là năng lực nội tại của kinh tế tỉnh chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khối doanh nghiệp trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, cần hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn- Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) phân tích tổng quan một số đặc điểm môi trường kinh doanh của tỉnh Tây Ninh.

Ông Trương Đức Trọng- chuyên gia Dự án chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trình bày chuyên đề “Môi trường kinh doanh cấp tỉnh qua góc nhìn chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”.

Các chuyên gia của VCCI đã phân tích tổng quan kết quả PCI 2022 tỉnh Tây Ninh; đưa ra một số khuyến nghị cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh trong thời gian tới và một số thực tiễn tốt ở các địa phương trên cả nước.

Sau phần trình bày của lãnh đạo VCCI, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc thẳng thắn chỉ ra 10 tồn tại, hạn chế của tỉnh trong công tác cải cách hành chính nói chung và thực hiện chỉ số PCI; nêu các giải pháp khắc phục, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Tây Ninh năm 2023 và các năm tiếp theo của UBND tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cảm ơn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu, có báo cáo đánh giá, phân tích sâu chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh Tây Ninh. Sau hội nghị này, Thường trực Tỉnh uỷ sẽ tiếp tục có chỉ đạo cụ thể, mục tiêu để tạo được tư duy, cách làm việc phù hợp với yêu cầu giai đoạn hiện nay, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ cho biết, hội nghị này góp thêm một kênh thông tin để có được đánh giá khách quan về việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, chuẩn bị cho hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Từ phân tích, đánh giá của các chuyên gia cho thấy năng lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành trong phục vụ cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Sau hội nghị này, Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát đề án cải thiện các chỉ số CCHC của tỉnh đã ban hành cách đây 2 năm; các giải pháp nào thực hiện ngay được cần chỉ đạo triển khai thực hiện sớm.

Các Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu sâu các nhận định, đánh giá liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình để triển khai các giải pháp cải thiện các chỉ số. Mục tiêu quan trọng nhất là tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp địa phương phát triển, đạt được các chỉ tiêu phát triển KT-XH và kỳ vọng của nhân dân.

Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp của tỉnh tăng cường các hoạt động thu thập và phản ánh kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp địa phương, giúp tỉnh có kênh thông tin kịp thời, hữu ích để giải quyết tốt hơn các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời mong muốn cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng tỉnh, cùng vượt qua khó khăn; về phía tỉnh sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục