Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới:
Nâng cao đời sống người dân
Thứ hai: 10:35 ngày 25/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tính đến nay, toàn tỉnh có 65/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó, 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thị xã Hoà Thành đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình NTM đã góp phần đưa tỉnh Tây Ninh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, 100% xã sẽ đạt chuẩn NTM.

Du khách thăm vườn chôm chôm tại huyện Tân Biên.

Giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành 12 nghị quyết, 36 quyết định, 14 kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để làm cơ sở cho các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó có 5 quyết định cụ thể hoá Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu)

Theo UBND tỉnh, tổng mức vốn đã huy động cho Chương trình MTQG xây dựng NTM đến nay là 4.368 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 3.410 tỷ đồng (gồm vốn trung ương gần 670 tỷ đồng, vốn địa phương 2.740 tỷ đồng); vốn lồng ghép trên 612 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã trên 178 tỷ đồng; huy động đóng góp từ cộng đồng dân cư trên 176 tỷ đồng.

Mô hình cấp vốn nuôi bò cho người dân nghèo xã biên giới Thành Long, huyện Châu Thành.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, tỉnh đã đầu tư nâng cấp và xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiếu yếu như đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi, trường học và trạm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 4.630km giao thông và cải tạo 272 công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất.

Chương trình cũng góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người tại nông thôn (dự kiến đạt 68 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và tạo việc làm.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ người dân trong áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 120 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên gồm 84 sản phẩm 3 sao, 36 sản phẩm sản phẩm 4 sao (trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng 5 sao đã trình Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia).

Nhân viên Trạm y tế xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Các tiêu chí khác cũng đạt nhiều kết quả khả quan.

Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, tỉnh Tây Ninh thực hiện Đề án mô hình thí điểm xã NTM thông minh tại xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành; triển khai thực hiện cung cấp dữ liệu mở; tích hợp cơ sở dữ liệu hệ thống công trình thuỷ lợi về Trung tâm IOC của tỉnh. 

UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận và xử lý văn bản trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành eGov. Thị xã Hoà Thành đã đầu tư xây dựng và tổ chức bàn giao đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh và hệ thống camera giám sát an ninh trật tự thuộc Đề án Đô thị thông minh của thị xã.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, định hướng của tỉnh đến năm 2030 là nâng cấp thêm 39 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt NTM, luỹ kế có 8/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ và xuất khẩu; hoàn thiện hạ tầng giao thông, thuỷ lợi và điện, phục vụ tốt hơn cho người dân vùng sâu, vùng xa và biên giới.

Tường Linh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục