Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nâng cao giá trị trái mãng cầu Bà Đen bằng quy trình sản xuất VietGap
Thứ sáu: 10:12 ngày 24/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Quanh khu vực chân núi Bà Đen ở Tây Ninh bao gồm các xã Thạnh Tân, Tân Bình và phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh (thành phố Tây Ninh); Tân Hưng (huyện Tân Châu); Suối Đá, xã Phan, Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) xưa nay nổi tiếng với vùng trồng chuyên canh mãng cầu.


Thu hoạch mãng cầu tại tổ liên kết sản xuất ấp Tân Trung, xã Tân Bình, TP.Tây Ninh.

Mãng cầu ở đây cho trái có hương vị thơm ngon đặc biệt, có thể ra hoa kết trái quanh năm nhờ có khí hậu ôn hòa (trung bình 27,2 độ C), độ ẩm cao và  kỹ thuật canh tác với nhiều kinh nghiệm lâu năm của nông dân trồng mãng cầu.

Ông Nguyễn Duy Ân- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 4.646 ha mãng cầu, chủ yếu là trồng xung quanh khu vực chân núi Bà Đen. Sản lượng mãng cầu được đưa ra thị trường hàng năm đạt từ 40.000 - 45.000 tấn.  

Theo ông Ân, do cây mãng cầu ở đây cho trái quanh năm, nhờ kỹ thuật kích thích ra hoa kết trái theo ý muốn để thu hoạch rải vụ, nâng cao giá trị, nên vào vụ thu hoạch chính (tháng 8, 9) sản lượng trái mãng cầu đạt khoảng 3.500 tấn đến 4.000 tấn/tháng. Vào dịp Tết Nguyên đán, sản lượng mãng cầu Bà Đen tăng lên khoảng 4.500 tấn/tháng. Đây là sự khác biệt lớn của mãng cầu Bà Đen Tây Ninh so với các vùng khác vì hầu như không có nơi nào có mãng cầu vào khoảng thời gian này.

Do sản phẩm mãng cầu ở đây có chất lượng và mùa vụ khác biệt, lại cho năng suất cao, được thương lái đưa đi tiêu thụ khắp cả nước, quả to (khoảng 3 trái/kg) được lựa chọn để xuất khẩu, nên tháng 8.2011 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công Nghệ) đã ký Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “mãng cầu Bà Đen Tây Ninh”. Từ đó, trái mãng cầu Bà Đen càng ngày có uy tín, thị trường được mở rộng hơn; đồng thời đòi hỏi hộ nông dân trồng mãng cầu và các ngành chuyên môn phải nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu, vừa nâng cao chất lượng, giá trị vừa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng bằng cách từng bước thay đổi tập quán canh tác theo quy trình sản mãng cầu xuất sạch.

Phân loại, đóng thùng mãng cầu đưa đi tiêu thụ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhân- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết, đối tượng gây hại chính trên mãng cầu là rệp sáp và ruồi vàng đục trái, chúng chích hút, làm cho trái mãng cầu mất hết dinh dưỡng, khô, đen dần hoặc bị thối phải lặt bỏ, làm giảm năng suất, chất lượng... nên nông dân thường sử dụng thuốc trừ sâu nhiều chủng loại với nồng độ cao khác nhau để diệt trừ sâu bệnh, dẫn đến sâu bệnh bị kháng thuốc, môi trường ô nhiễm, chất lượng trái không được bảo đảm về vệ sinh, sức khỏe  người tiêu dùng.

Từ năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh đã giao nhiệm vụ Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty TNHH công nghệ NHONHO tại TP.Hồ Chí Minh cùng nông dân thành lập các tổ liên kết, xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGap. 

Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, cấp giấy chứng nhận (80 triệu đồng) và 30% kinh phí mua vỏ sinh học bao trái (6 triệu đồng/ha) để chống ruồi vàng; đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng liều lượng, chủng loại theo danh mục cho phép và có thời gian cách ly (khoảng 15 ngày) trước khi thu hoạch, nhằm bảo đảm cho trái mãng cầu không còn dư lượng thuốc trừ sâu trước khi đến tay người tiêu dùng. 

Theo Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh, qua hơn 1 năm triển khai sản xuất mãng cầu theo mô hình VietGap, đến nay đã có 54 ha đạt chuẩn được cấp giấy chứng nhận. "Thực hiện mô hình VietGap cho cây mãng cầu không những tiết kiệm khoảng 20% chi phí sử dụng thuốc trừ sâu, tăng năng suất, mà còn được các doanh nghiệp bao tiêu, đưa vào siêu thị, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân"- ông Nhân cho biết.

Lê Đức Hoảnh

Tin cùng chuyên mục