Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh
Thứ hai: 08:02 ngày 24/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau khi các nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện, đặc biệt là các nghị quyết ban hành hằng năm về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách...

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất lốp xe trong Khu công nghiệp Phước Đông, Gò Dầu.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 101 nghị quyết, trong đó có 39 nghị quyết cá biệt, 13 nghị quyết về nhân sự, 49 nghị quyết quy phạm pháp luật. Sau khi các nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện, đặc biệt là các nghị quyết ban hành hằng năm về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, các chế độ, chính sách an sinh xã hội...

Theo UBND tỉnh, công tác thông tin, tuyên truyền triển khai các nghị quyết luôn được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện. Các nghị quyết được ban hành bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, lập dự toán, quyết toán kinh phí đúng quy định; tạo điều kiện để các đơn vị sự nghiệp công lập đẩy mạnh việc tự chủ, xã hội hoá trong hoạt động.

Việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh trong việc thực hiện nghị quyết được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp thực hiện bảo đảm theo yêu cầu của HĐND các cấp; kịp thời báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát việc thực hiện nghị quyết với HĐND tỉnh tại các kỳ họp hoặc khi có yêu cầu.

Nhìn chung, các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành được thực hiện khá tốt, có những nghị quyết triển khai trong nhiều năm, mang lại hiệu quả rõ rệt: Các nghị quyết liên quan đến lĩnh vực phát triển kinh tế, hạ tầng, các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, an sinh xã hội... đã được các nhà đầu tư, cử tri và nhân dân trong tỉnh ghi nhận, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, các nghị quyết về an sinh xã hội đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên ngay sau khi ban hành, nghị quyết đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng như: hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ hộ nghèo đa chiều, hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 1.7.2021 về quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp (KCN), các xã có KCN đã triển khai rà soát và thực hiện chế độ chi cho các đối tượng thụ hưởng là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN; hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN.

Tuy nhiên, các địa phương không có KCN thì lúng túng trong việc thực hiện, có địa phương cho rằng do trên địa bàn không có KCN nên địa phương không phải là đối tượng thực hiện nghị quyết. Ngoài ra, quá trình thực hiện nghị quyết các địa phương cũng gặp một số khó khăn khi cần xác nhận của thủ trưởng đơn vị sử dụng lao động như: xã Chà Là có 9/12 trường hợp không xác nhận được do chủ quản công ty thường xuyên công tác nước ngoài; xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, phường An Hoà và An Tịnh (thị xã Trảng Bàng) cũng có nhiều trường hợp tương tự.

Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, tại khoản 5 Điều 3 của Nghị quyết quy định: khu vực không được phép chăn nuôi là “các khu dân cư hiện hữu trên địa bàn tỉnh” và khoản 6 Điều 4 quy định: khu vực không được phép chăn nuôi trang trại là “các khu dân cư hiện hữu, khu dân cư trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh”. Tuy nhiên, đến nay, UBND tỉnh chưa ban hành danh mục các khu dân cư hiện hữu, khu dân cư trong quy hoạch theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 17.

Thu gom, vận chuyển rác thải.

Đối với Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 ban hành Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, thành phố Tây Ninh chưa phân loại được chất thải rắn; thị xã Hoà Thành gặp khó khăn về vốn để thực hiện công tác phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Ở tiêu chí chất thải rắn sinh hoạt, thị xã Hoà Thành hoàn thành tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn thấp do các cơ sở thu gom xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh tương đối ít, công tác đấu thầu kêu gọi đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt gặp khó khăn do không có đơn vị tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó, theo điểm a khoản 2 Điều 1 của nghị quyết: “Vùng trung tâm gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành… phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư kiểu mẫu…”, tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương chưa nắm rõ về tiêu chuẩn khu dân cư kiểu mẫu.

Còn với Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 về việc hỗ trợ một lần cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, hầu hết các đơn vị, địa phương đã thực hiện việc hỗ trợ một lần cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Qua khảo sát thực tế của Thường trực HĐND tỉnh, vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa thực hiện chi hỗ trợ hoặc khó khăn trong khâu xác lập hồ sơ do không cung cấp đầy đủ chứng từ chấm công, cụ thể: Trung tâm Y tế Châu Thành có 19 trường hợp được cử đi hỗ trợ chống dịch tuyến xã nhưng địa phương không thực hiện việc chấm công; một số trường hợp phải nộp trả lại ngân sách do đối tượng thụ hưởng không liên lạc được; một số trường hợp địa phương đã thống kê, thực hiện các chứng từ gửi đến Sở Y tế từ năm 2022 đến nay chưa được thanh toán.

Theo đánh giá của đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, công tác chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc triển khai thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh có lúc còn chưa kịp thời, một số nghị quyết triển khai thực hiện tương đối chậm hoặc có văn bản hướng dẫn nhưng cơ sở không nắm được nên chưa triển khai đến đối tượng thụ hưởng.

Có nghị quyết ban hành chưa sát thực tế nên quá trình thực hiện còn gặp vướng mắc, khó khăn, các đơn vị thực hiện trực tiếp đã kiến nghị bổ sung, sửa đổi nghị quyết; công tác tuyên truyền, phổ biến về một số nghị quyết của HĐND tỉnh còn chưa thật sự sâu, rộng.

Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh về giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó, nâng cao trách nhiệm, năng lực tham mưu, đề xuất, xây dựng nghị quyết kịp thời, có chất lượng, có tính khả thi cao; UBND tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát các nghị quyết, chính sách để tháo gỡ khó khăn, trình báo cáo HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh bổ sung; các cấp các ngành nâng cao trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện nghị quyết.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị, trong thời gian tới, UBND tỉnh rà soát các văn bản quy định pháp luật của Trung ương, kịp thời xây dựng và trình HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết để triển khai trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành nghị quyết.

Các ban của HĐND tỉnh được phân công thẩm tra nghị quyết phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị, có những ý kiến đóng góp xác đáng, khách quan với tinh thần trách nhiệm để các chính sách, biện pháp, điều kiện đặt ra trong các nghị quyết phải khả thi.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đi vào chiều sâu, tập trung vào các nhóm đối tượng cụ thể, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, kiểm tra việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung phù hợp. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã được chỉ ra qua giám sát.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh