Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT
Thứ hai: 08:54 ngày 20/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thông tin cơ sở là một kênh thông tin thiết yếu phục vụ người dân ở cơ sở, với đặc trưng khác biệt thông tin trên báo chí là ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng thực hiện.

Trong nhiều năm qua, hoạt động thông tin cơ sở đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, từng bước nâng cao trình độ dân trí, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Thông qua công tác thông tin cơ sở, cấp ủy, chính quyền cơ sở có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có những chủ trương, biện pháp giải quyết kịp thời, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin truyền thông (TTTT), hiện nay hoạt động thông tin cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở chưa đồng bộ, lạc hậu, xuống cấp.

Chưa ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động thông tin cơ sở. Cách thức truyền tải thông tin chủ yếu theo hướng áp đặt một chiều từ các cơ quan nhà nước xuống người dân, chưa có sự tiếp nhận và trả lời thông tin phản ánh của người dân. Năng lực của đội ngũ nhân lực làm công tác thông tin cơ sở còn hạn chế do chủ yếu là kiêm nhiệm, hoạt động không chuyên trách...

Lắp đặt thiết bị truyền thanh thế hệ mới- Ảnh minh hoạ

Nhằm hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, từ đó đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả, Bộ TTTT đã ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin”.

Một trong những nhiệm vụ của Đề án là xây dựng, hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông phù hợp với điều kiện của địa phương, bảo đảm tránh lãng phí trong đầu tư.

Đồng thời, xây dựng ứng dụng trên thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng...) để người dân tiếp nhận thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở; các thông tin khẩn cấp về thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trên địa bàn; kiến thức về khoa học, kỹ thuật...; gửi phản ánh, kiến nghị và đóng góp ý kiến; có thể tích hợp các dịch vụ tiện ích thanh toán giúp người dân thực hiện các giao dịch trực tuyến thuận lợi.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thông tin nguồn và thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở. Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ phụ trách và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở; tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng CNTT trong hoạt động thông tin cơ sở.

Để đạt mục tiêu trên, Đề án đề ra các giải pháp thực hiện như giải pháp về công nghệ, an toàn bảo mật thông tin, tổ chức bộ máy nhân sự, giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách về CNTT và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở...

Thời gian qua, hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã cơ bản bám sát định hướng của các cấp ủy, chính quyền; kịp thời tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phản ánh gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống; góp phần tích cực vào việc động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của các hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh hầu hết đã xuống cấp, lạc hậu, ảnh hưởng phần nào tới nội dung và hiệu quả của công tác tuyên truyền tại cơ sở.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 95 Đài Truyền thanh cơ sở, trong đó có 17 Đài Truyền thanh vô tuyến và 78 Đài Truyền thanh hữu tuyến. Đến nay, mạng lưới truyền thanh cơ sở đến các xã, phường, thị trấn vẫn chưa được hoàn thiện, phần lớn là Đài Truyền thanh hữu tuyến (có dây) được đầu tư, trang bị đã cũ, thời gian hoạt động đã lâu.

Tháng 8.2018, Sở TTTT Tây Ninh phối hợp Công ty Viễn thông MobiFone chi nhánh Tây Ninh thực hiện thí điểm lắp đặt 10 cụm loa theo hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT - viễn thông tại 3 Đài Truyền thanh thuộc 3 xã Bình Minh, Tân Bình và Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) và giao Đài Truyền thanh thành phố Tây Ninh quản lý.

Việc lắp đặt thiết bị sử dụng công nghệ mới để cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở sử dụng công nghệ hữu tuyến, vô tuyến với mục tiêu là chuyển tải tin tức từ các cấp chính quyền tới người dân và ngược lại dựa trên hạ tầng truyền dẫn mạng 3G/4G, đáp ứng nghiệp vụ thông tin cơ sở, thay thế các phương tiện truyền thanh cơ sở hiện đang sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Sau thời gian vận hành, hệ thống truyền thanh thông minh ứng dụng CNTT – viễn thông của MobiFone triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh có những ưu điểm vượt trội so với hệ thống khác.

Khi đầu tư mới không cần triển khai hạ tầng phát sóng FM (không cần phải có máy phát sóng) và cột ăng ten; giảm thiểu tình trạng mất an toàn do cột ăng ten xuống cấp theo thời gian; không cần phải xin giấy cấp phép sử dụng tần số, do đó tiết kiệm được chi phí mua sắm, bảo quản, bảo trì, sửa chữa, điện cung cấp,…

Trong quá trình thí điểm, trên cơ sở kiến nghị của Đài Truyền thanh 3 xã, Sở TTTT đã đề nghị Công ty Viễn thông MobiFone chi nhánh Tây Ninh khắc phục các hạn chế liên quan việc ứng dụng truyền thanh thế hệ mới, như xử lý tình trạng lệch giờ khi phát loa qua hệ thống online hoặc streaming (công nghệ được sử dụng để truyền dữ liệu tới máy tính và các thiết bị di động thông qua Internet); đưa ra giải pháp đối với việc tải các file có dung lượng lớn... Đến nay, MobiFone Tây Ninh đã tiếp thu kiến nghị và khắc phục, xử lý hạn chế nêu trên.

Kết quả thí điểm sẽ làm cơ sở đánh giá và từng bước nhân rộng để cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền thanh trên địa bàn toàn tỉnh. Việc ứng dụng CNTT – viễn thông vào hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở để từng bước thay thế các phương thức truyền thanh cũ đã góp phần đổi mới mô hình vận hành, quản lý Đài truyền thanh cơ sở theo hướng quản lý liên thông đồng bộ, từ trung ương tới cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở góp phần hiện đại hóa lĩnh vực truyền thông cơ sở, đáp ứng các nhu cầu về phát triển chính phủ điện tử, dịch vụ công và thúc đẩy xu thế phát triển thành phố thông minh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ TTTT, Sở TTTT Tây Ninh đang phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

ĐV-PL

Tin cùng chuyên mục