Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động
Thứ sáu: 08:19 ngày 25/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 24.12, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến về phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Võ Văn Dũng và đại diện nhiều tổ chức Công đoàn tham dự hội nghị.

Công nhân làm việc trong nhà máy (ảnh minh hoạ).

Quan tâm ðến công nhân lao động

Báo cáo kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2016-2020 cho thấy, từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo Chính phủ đã 5 lần làm việc với Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp, xác định nhiệm vụ trọng tâm phối hợp cho thời gian tiếp theo.

Trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động hằng năm, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, trong đó tập trung vào nội dung bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Tại các cuộc làm việc và gặp gỡ, nhiều đề xuất liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc, nhà ở, nhà trẻ, trường học, các thiết chế phục vụ đời sống văn hoá, tinh thần cho công nhân lao động, an ninh - an toàn nơi làm việc và nơi ở, việc đóng bảo hiểm xã hội, vấn đề an toàn vệ sinh lao động, bữa ăn ca, học tập nâng cao tay nghề, bảo đảm việc làm bền vững, chăm sóc sức khoẻ người lao động, được Thủ tướng Chính phủ quan tâm.

 Sau 5 năm, số lao động có việc làm tăng 26%, trong đó số có việc làm bền vững, thu nhập cao tăng đều các năm; mức sống của công nhân có tiến bộ, mức lương tối thiểu vùng tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35% góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động.

Các cấp Công đoàn tích cực tham gia xây dựng phương án tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập và chính sách đối với người lao động khi thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều nơi làm tốt công tác giới thiệu việc làm, phối hợp đào tạo, đào tạo lại nâng cao trình độ cho người lao động phù hợp với phương án sắp xếp sử dụng lao động của doanh nghiệp. Các cơ sở dạy nghề của hệ thống Công đoàn đã đổi mới nội dung, đa dạng hoá chương trình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.

Từ năm 2016 đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn tổ chức tuyển sinh học nghề ước tính được 346.042 người, tăng 48% so với giai đoạn 2011-2015. Tổng Liên đoàn kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về nhiều vấn đề lớn như tiền lương, việc làm bền vững, nhất là đối với lao động nữ trên 35 tuổi, mức lương hưu đối với giáo viên, việc tuyển dụng giáo viên đã hợp đồng lâu năm, giải quyết quyền lợi của người lao động khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Trong đại dịch Covid- 19, Tổng Liên đoàn đã khảo sát thực tế, tổng hợp ý kiến từ cơ sở và có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về các chính sách hỗ trợ bảo đảm quyền lợi người lao động. Các cấp Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò trong công tác giám sát và phản biện, tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Trong 5 năm qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng trăm văn bản có nội dung chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Từ năm 2016-2020, có gần 22 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ trong dịp tết nguyên đán, tổng số tiền ước tính 11.626 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 13.802 nhà Mái ấm công đoàn, số tiền gần 420 tỷ đồng.

Chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn và người lao động” tiếp tục tạo sự lan toả, đến nay, Tổng Liên đoàn và các cấp Công đoàn đã ký được 1.571 thoả thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp, tổng số đoàn viên được hưởng lợi ước khoảng 6,1 triệu lượt người, số tiền trên 1.996 tỷ đồng. Ðã có thêm 9.606 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca lên bằng hoặc cao hơn 15 ngàn đồng.

Nhiều kiến nghị thiết thực

Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng Liên đoàn kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Trong thu hút đầu tư, đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm xã hội, có ý thức chấp hành pháp luật. Ðề nghị Chính phủ chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia, làm cơ sở để các bên thương lượng, đề xuất tiền lương tối thiểu vùng hằng năm khách quan, công bằng.

Trước mắt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia họp vào quý I năm 2021 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ thương lượng, thống nhất và trình khuyến nghị tới Chính phủ xem xét, quyết định tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

Ðề nghị xem xét, sửa quy định, để từ năm 2022, việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ 1.7 hằng năm. Thực tế cho thấy, mỗi khi tăng lương, ít nhiều giá cả các mặt hàng, dịch vụ tăng. Việc tăng lương tối thiểu từ 1.7 vừa hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp về tài chính vào dịp tết nguyên đán, vừa giảm được một lần tăng giá trong năm, nhất là vào thời điểm giáp tết.

Về nhà ở và điều kiện làm việc của công nhân lao động, Tổng Liên đoàn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan phối hợp với Tổng Liên đoàn triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xây dựng nhà ở và các thiết chế cho công nhân lao động.

Trong phần thảo luận, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam cho biết, địa phương này đầu tư xây mới, sửa chữa nhiều trường học cho con em công nhân. Hà Nam đã gửi giáo viên dạy nghề trong tỉnh qua đào tạo lại tại Nhật Bản để sau đó về dạy nghề cho công nhân.

UBND tỉnh Hà Nam kiến nghị xem xét sửa đổi quy định đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ. Hiện nay, nhóm đối tượng này được hỗ trợ 15 triệu đồng để học nghề, nhưng chỉ học trường nghề của quân đội mới được thanh toán, trong khi cơ sở đào tạo nghề của quân đội không phù hợp, không đáp ứng được thị trường lao động.

Ðại diện một công ty thuộc Khu công nghiệp Biên Hoà 2 (tỉnh Ðồng Nai) kiến nghị Chính phủ xem xét giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần. Bà Phạm Thị Bích Hải- công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất sứ vệ sinh cao cấp đã bày tỏ lo ngại về chất lượng bữa ăn của công nhân, về nhà ở dành cho công nhân, chuyện học của con em công nhân, việc chủ doanh nghiệp sa thải công nhân sau thời gian dài sử dụng...

Ông Ðỗ Xuân Tuyên- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo quy định, hằng năm, chủ doanh nghiệp phải tổ chức cho người lao động đi khám sức khoẻ. Nếu người lao động làm việc trong môi trường độc hại còn phải giám định sức khoẻ để xem xét có chế độ nghỉ hưu sớm theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị chính quyền địa phương nếu như nhà máy đặt ở xa trung tâm y tế thì có thể xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh cho công nhân ngay trong nhà máy, khu công nghiệp.  Lãnh đạo Bộ GD&ÐT cho biết, cơ quan này đã hoàn thiện nghị định để cụ thể hoá Ðiều 27 của Luật Giáo dục năm 2019 về hỗ trợ giáo viên mầm non trong khu công nghiệp. Bộ GD&ÐT đề nghị chính quyền địa phương- nhất là những nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất quan tâm thoả đáng đến chuyện học của con em công nhân ở khu công nghiệp.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh, 2020 là năm có nhiều biến động do thiên tai, dịch bệnh. Trong điều kiện đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, tỷ lệ lạm phát thấp, an sinh xã hội được quan tâm.

Những vùng khó khăn, thiên tai được Chính phủ hỗ trợ kịp thời, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã trợ giúp người lao động vượt qua thời điểm khó khăn nhất.  Thủ tướng Chính phủ biểu dương mối quan hệ, sự phối hợp, tinh thần xây dựng giữa người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn.

“2020 là năm thành công của nước ta. Thủ tướng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến hàng triệu công nhân đã góp phần tạo nên thành quả chung. Giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh trong thời gian qua”- Thủ tướng nói.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng lưu ý, dịch bệnh khiến sản xuất của doanh nghiệp ảnh hưởng, đời sống của một bộ phận công nhân còn khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, việc chăm lo, bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và điều kiện làm việc cho công nhân lao động là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, trong đó tổ chức Công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn. 

Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục