Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nâng cao văn hoá đọc
Thứ hai: 11:08 ngày 01/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Văn hoá đọc là văn hoá ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi người được tạo thành bởi: thói quen, sở thích, kỹ năng. Đây cũng là nền tảng của một xã hội học tập, một yêu cầu thách thức của xã hội hiện đại.

Đã gần 20 năm, kể từ ngày 28.12.2000, khi Pháp lệnh Thư viện được UBTVQH thông qua và có hiệu lực, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội đã có nhiều thay đổi. Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ những hạn chế ảnh hưởng đến việc phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hoá đọc, hưởng thụ văn hoá, truyền bá tri thức văn hoá nhân loại, xây dựng xã hội học tập và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Trung tuần tháng 3.2019 vừa qua, tại phiên họp thứ 32 của UBTVQH khoá XIV, thảo luận dự thảo Luật Thư viện, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sách của thư viện bị bán ra ngoài rất nhiều. Còn đại biểu Trần Văn Tuý cho rằng văn hoá đọc đang giảm sút đáng lo ngại…

Trước thực trạng đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định xây dựng và ban hành Luật Thư viện là rất cần thiết và nhấn mạnh: “Trách nhiệm của Nhà nước là làm sao nâng cao văn hoá đọc cho người dân...”.

Trong đời sống tinh thần, sách có vai trò cực kỳ quan trọng, là “chìa khoá vàng” mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn của con người. Sách là “người thầy” siêu việt thắp sáng nguồn trí thức vô hạn, dạy con người biết sống, biết hành xử có văn hoá. Trong thời đại ngày nay, tuy các phương tiện truyền thông hiện đại đang tấn công mạnh mẽ, song sách vẫn là người bạn tâm giao, chia sẻ niềm vui lẫn nỗi buồn của con người.

Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao tầm quan trọng của sách và văn hoá đọc. Kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Paris (Pháp), Tổ chức Văn hoá, Giáo dục và Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chọn ngày 23.4 hằng năm là “Ngày Sách và Bản quyền thế giới”, nhằm tôn vinh sách, văn hoá đọc và các tác giả có tác phẩm bất hủ...

Lúc mới đi học, muốn biết viết, đọc, tính toán phải nhờ thầy cô. Nhưng khi học các kiến thức cao hơn, sâu rộng hơn, ngoài việc học ở trường, chúng ta phải tự đọc sách. Sách được coi là người dẫn dắt tri thức. Khi đọc được cuốn sách hay, chúng ta muốn chia sẻ với mọi người.

Mua được cuốn sách quý, chúng ta mong giữ lại cho con cháu như một thứ của cải. Mong muốn học hỏi, hiểu biết của con người là vô hạn nhưng quỹ thời gian quá ít cho nên cách học nhanh nhất, là học qua kinh nghiệm của người khác từ sách. Đây là một trong những con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất.

Trước đây, khi các phương tiện giải trí không nhiều, văn hoá nghe nhìn chưa phát triển, đọc sách là thú vui, là hình thức giải trí ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao. Có lẽ ai cũng biết đọc sách là cần và rất tốt nhưng muốn có thói quen phải có quá trình và lòng kiên nhẫn. Mục đích của đọc sách là nâng cao nhận thức, hiểu biết về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…

Văn hoá đọc là văn hoá ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi người được tạo thành bởi: thói quen, sở thích, kỹ năng. Đây cũng là nền tảng của một xã hội học tập, một yêu cầu thách thức của xã hội hiện đại. Mục đích của kỹ năng đọc là đạt được hiệu quả cao nhất, những thao tác tư duy được xác lập thành thói quen ứng xử đọc.

Theo kinh nghiệm, các thao tác tư duy cần vận dung khi đọc sách là: Lựa chọn đề tài, những vấn đề cần đọc; định hướng nguồn tài liệu, bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục; cách tiếp cận nội dung; các dụng cụ và phương tiện ghi chép, lưu trữ; vận dụng những điều đã đọc vào thực tiễn…

Do quỹ thời gian có hạn nên phương pháp đọc cần linh hoạt. Có thể đọc lướt để tìm hiểu khái quát nội dung cuốn sách; có thể đọc kỹ, chậm, đọc một lần hoặc nhiều lần; có thể đọc theo ý, theo từng phần, từng đoạn cần thiết. Khi đọc nên tạo thói quen đọc nhanh và tập trung cao.

Hiện nay, cả nước có 31.000 thư viện và khoảng 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động của thư viện còn nhiều hạn chế. Các tủ sách, phòng đọc cơ sở còn nghèo nàn chưa thu hút người dân đến đọc sách. Chính vì thế, để khơi dậy và nâng cao văn hoá đọc cần có thời gian và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch và ngành Giáo dục là chủ yếu.

Một khởi động đáng ghi nhận là đầu năm 2019, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc dành cho các em học sinh từ tiểu học đến THPT. Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hoá đọc trong nhà trường và cộng đồng. Tuy thời gian phát động không dài và bị ảnh hưởng của tết cổ truyền nhưng Ban Tổ chức cuộc thi tỉnh Tây Ninh đã nhận được gần 8 ngàn bài dự thi.

Từ đó, chúng ta thấy rằng để xây dựng văn hoá đọc là không dễ nhưng không phải không làm được. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng văn hoá đọc được thể hiện trong Luật Thư viện sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.

Ngoài việc quan tâm đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ quản lý... cho mạng lưới thư viện, tủ sách, phòng đọc cơ sở… nên hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà sách, thư viện, phòng đọc tư nhân hoạt động. Cần có nhiều hơn nữa các cuộc thi đọc sách, giới thiệu sách, thuyết trình sách… ở các cấp khác nhau.

Nhà trường cần phải đi tiên phong trong việc xây dựng văn hoá đọc bằng nhiều hình thức như xây dựng thư viện lưu động, thư viện ống (như nhiều trường đã làm), thay những bài tập khô khan, không thiết thực bằng bài tập yêu cầu học sinh đọc, nhận xét những cuốn sách hay, thi đọc giữa các khối, lớp.

Và gia đình là nơi khởi đầu, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho con cái. Những cha mẹ thông thái cần hiểu rằng sách là người thầy, người bạn tốt nhất của con trẻ.

DIỆU MAI

Tin cùng chuyên mục