Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nặng lòng với... nước sạch
Thứ tư: 06:13 ngày 10/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Trịnh Thành Nghiêm sinh năm 1960, nghĩa là đã ngấp nghé tuổi sáu mươi. Ông gắn bó với Xí nghiệp Cấp nước Tây Ninh từ những năm 1980. Có lẽ, do “ở công ty nhiều hơn ở nhà” nên ông rất tường tận “đường đi, lối về” của các nguồn nước. Điều khiến ông trăn trở là làm sao có nguồn nước sạch để đưa đến người sử dụng với chi phí đầu tư thấp nhất.

Ông Trịnh Thành Nghiêm bên dây chuyền xử lý kim loại nặng của mình.

Xuất thân từ ngành cơ khí, có bằng cử nhân kinh tế, nhưng hầu như suốt quãng đời của ông đều dành hết cho việc tìm nguồn nước sạch. Gần đây nhất, công trình “Xử lý sắt và mangan trong nước ngầm không sử dụng hoá chất” được ứng dụng, mang lại hiệu quả cho ngành cấp thoát nước và người tiêu dùng ở Tây Ninh. Ông là Trịnh Thành Nghiêm- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh (gọi tắt là Công ty Cấp thoát nước).

MIỆT MÀI SÁNG TẠO

Là người đứng đầu đơn vị, ông Nghiêm luôn tất bật với công việc, từ giải quyết các hồ sơ, sổ sách ở công ty, đến chỉ đạo, điều hành ở các nhà máy trực thuộc. Khi có chút thời gian rảnh, ông lại chạy xuống các trạm cấp nước, trực tiếp điều hành, hướng dẫn nhân công vận hành dây chuyền xử lý nước theo giải pháp mới do ông nghiên cứu, sáng tạo.

Đến thăm dây chuyền xử lý sắt và mangan tại trạm cấp nước Bến Cầu mới thấy rõ công sức sáng tạo của ông. Đó là một hệ thống gồm 4 bồn lọc nước bằng kim loại sơn màu xanh đậm. Trong đó có 3 bồn hình trụ đứng, 1 bồn nằm ngang. Mỗi bồn có chiều dài khoảng 8m, đường kính từ 1-2m đặt trên các chân đế bằng sắt dày, kiên cố. Diện tích đất để lắp đặt hệ thống này chỉ khoảng 40 mét vuông. Xung quanh mỗi bồn có lắp đặt các đường ống dẫn nước, van nén, đồng hồ đo… Dây chuyền được vận hành bằng chế độ cài đặt tự động, giúp tiết kiệm chi phí điện năng, cải thiện điều kiện làm việc và rút ngắn thời gian vận hành.

Thấy khách có vẻ lạ lẫm trước công trình khá bề thế ấy, ông Nghiêm giải thích: các bồn chứa này đều cùng một chức năng là xử lý và lọc nước. Điều khác biệt của dây chuyền này so với các hệ thống lọc khác là hoàn toàn không sử dụng hoá chất. Tất cả đều dùng cát thạch anh tự nhiên và vật liệu tiếp xúc hình trụ chia khe bằng nhựa để khử sắt và mangan. Cả 3 tháp: bồn lọc sắt, tháp oxy và bồn lọc mangan đều vận hành theo cơ chế đồng thời và ảnh hưởng lẫn nhau dựa vào nguyên lý sinh học, cơ học, hấp thụ và hoạt hoá để tạo ra nguồn nước sạch, không những loại bỏ triệt để sắt và mangan mà còn nâng độ pH đạt theo yêu cầu, khử được các hợp chất có hại như H2CO3, CO2, H2S, CH4.

Ông Trịnh Thành Nghiêm sinh năm 1960, nghĩa là đã ngấp nghé tuổi sáu mươi. Ông gắn bó với Xí nghiệp Cấp nước Tây Ninh từ những năm 1980. Có lẽ, do “ở công ty nhiều hơn ở nhà” nên ông rất tường tận “đường đi, lối về” của các nguồn nước. Điều khiến ông trăn trở là làm sao có nguồn nước sạch để đưa đến người sử dụng với chi phí đầu tư thấp nhất.

Tháng 5.2015, những trăn trở của ông cũng có câu trả lời, khi trạm cấp nước Bến Cầu lần đầu tiên vận hành dây chuyền xử lý sắt và mangan không sử dụng hoá chất. Từ khi dây chuyền hoàn thiện đến nay, chất lượng nước sau xử lý của trạm được Bộ Y tế chứng nhận bảo đảm đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT.

NHỮNG KẾT QUẢ KHẢ QUAN

Hệ thống quản lý của Công ty Cấp thoát nước Tây Ninh phủ khắp 6/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, TP.Tây Ninh cùng 2 huyện Hoà Thành và Châu Thành sử dụng nguồn nước từ Nhà máy nước Tây Ninh, nguồn nước thô phục vụ sản xuất được lấy từ nguồn nước mặt cầu K18 (kênh Tây thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý). Các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Bến Cầu sử dụng nguồn nước thô sản xuất từ nước ngầm tự nhiên. Tuy nhiên, chất lượng nước thô tại các trạm xử lý huyện Bến Cầu và Châu Thành (ở một vài nơi còn sử dụng nguồn nước ngầm) ngày càng xấu đi, hàm lượng kim loại nặng tại các khu vực này đã biến đổi và cao hơn quy chuẩn cho phép, trong khi công tác xử lý tại các trạm chưa đạt yêu cầu.

Thực tế cho thấy, trong thời gian dài, các trạm cấp nước có sử dụng nguồn nước ngầm đều phát sinh nhược điểm: tiêu tốn hoá chất và xử lý không hiệu quả khi nồng độ sắt và mangan trong nước thô ngày càng tăng lên, làm cho đường ống bị kết tủa, nước có hiện tượng đỏ, vàng và đen. Trước thực trạng đó, ông Nghiêm cùng hai đồng nghiệp tên Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Lan Đình bắt tay vào việc nghiên cứu, cải tiến hệ thống xử lý nước ngầm, thay thế công nghệ cũ. Với phương án “vận hành đơn giản, không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, tiết kiệm chi phí nguyên - nhiên - vật liệu, tính phổ dụng cao và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội”, sau thời gian tập trung nghiên cứu và cũng qua nhiều lần thay đổi, thử nghiệm, tháng 5.2015, ông Nghiêm cùng nhóm đồng nghiệp cho thực nghiệm dây chuyền xử lý nước tại trạm cấp nước Bến Cầu. Bước đầu công trình đã cho kết quả khả quan. Giải pháp áp dụng vật liệu lọc là cát thạch anh tự nhiên, không sử dụng hoá chất đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, khắc phục những hạn chế của công nghệ đã sử dụng trước đó. Đặc biệt, nó ít tốn công sức bảo trì, bảo dưỡng, chi phí đầu tư lại thấp.

Sau trạm Bến Cầu, ông Nghiêm tiếp tục áp dụng giải pháp trên cho các trạm cấp nước Châu Thành, Khu công nghiệp Trảng Bàng. Kết quả đạt được đáng ghi nhận, qua đó giúp khắc phục tình trạng nước có màu đen, đỏ vàng, hàm lượng sắt, mangan “vượt ngưỡng” trước khi đến người sử dụng. Môi trường được bảo vệ do không sử dụng hoá chất. Ông Nghiêm cho biết, hai năm nay, công suất cấp nước tại mỗi trạm tăng lên từ 60m3/h (tương đương 1.200m3/ngày đêm), so với hệ thống cũ đã tiết kiệm chi phí (đầu tư, vận hành, hoá chất, điện năng…) tại mỗi trạm gần 1 tỷ đồng/năm.

Cách đây 4 năm, ngành nước Tây Ninh khá “đau đầu” về việc tìm giải pháp hạn chế tình trạng các chất cặn bám trên thành đường ống, làm cho nguồn nước cấp đến các hộ sử dụng có màu đen, đỏ, vàng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Sau nhiều lần áp dụng các biện pháp từ xả nước cuối mạng đến súc rửa đường ống bằng hoá chất, tuy cũng mang lại kết quả đạt yêu cầu nhưng phải tốn chi phí cao, đồng thời phải chấp nhận tình trạng xảy ra các phản ứng hoá học trong và sau quá trình thực hiện. Tìm giải pháp khắc phục, ông Nghiêm đã vận dụng biện pháp súc rửa cơ học bằng việc đưa quả mút xốp có hình dạng tương tự polly-pigs vào trong ống, vị trí đoạn ống nối nằm ngay sau vị trí van chận tuyến để súc rửa. Kết quả cho thấy, sự cọ xát giữa mút xốp và thành ống đã làm các chất bám trong ống bị bong tróc theo dòng nước cuốn ra ngoài. Ông Nghiêm cho biết, việc sử dụng mút xốp có tính khả thi cao, dễ thực hiện, đặc biệt là giá thành rẻ, chỉ cần 30.000 đồng/kg để chế tạo nên một polly-pigs thực thụ. Bởi vì, polly-pigs là thiết bị ngoại nhập, giá thành rất cao, nếu áp dụng sẽ tăng chi phí đầu tư lớn.

Ông Nghiêm cho biết thêm, hạn chế của biện pháp này là chỉ hiệu quả với các đường ống lần đầu súc rửa, còn về sau sẽ kém đi vì lớp cặn ngày càng bám chắc hơn. “Việc thực hiện công tác súc rửa này là giải pháp tức thời, nhưng cũng đã giải quyết rất nhiều vấn đề bất cập trong thời gian trước. Về lâu dài, chúng tôi phải tìm giải pháp giải quyết triệt để hàm lượng chất dễ bám cặn ngay từ nhà máy xử lý nước. Và, chúng tôi đã làm được, đó là xử lý được sắt và mangan trong nước ngầm tự nhiên không dùng hoá chất”- ông Nghiêm khẳng định.

Hiện tại, giải pháp trên được phổ biến rộng rãi tại các nhà máy trực thuộc. Nó nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Chi hội Cấp nước miền Nam. Một số tỉnh bạn cũng đã đến tìm hiểu, tham quan và quyết định đưa công nghệ vào ứng dụng tại địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Định. Sau khi được chia sẻ và ứng dụng thực tế, Công ty cổ phần Cấp thoát nước các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Bình Đình đã gửi thư cảm ơn đến ông Trịnh Thành Nghiêm. Tất cả đều gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ông và ngành nước Tây Ninh.

nuocsach.jpg

Hệ thống xử lý sắt và mangan trong nước ngầm không sử dụng hoá chất tại trạm cấp nước Bến Cầu.

Ông Nghiêm tâm sự: “Cũng có nhiều đơn vị đề nghị tôi đăng ký sở hữu hoặc “bán bản quyền” các giải pháp của tôi. Nhưng chỉ cần làm điều gì có lợi cho người sử dụng, cho công ty, tôi sẵn sàng chia sẻ tất cả những kinh nghiệm mình tích luỹ được. Tôi hy vọng, người nối tiếp sau này sẽ có những giải pháp về nước sạch xuất sắc hơn và chia sẻ cho nhiều đơn vị, nhiều địa phương. Bởi vì, điều duy nhất chúng ta làm được đó là chuyện nước sạch mà thôi”.

Mới đây, tại lễ tổng kết và trao giải cho các giải pháp đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 10, năm 2016-2017, giải pháp sáng tạo “Xử lý sắt và mangan trong nước ngầm không sử dụng hoá chất” do ông Trịnh Thành Nghiêm làm đại diện, cùng 2 tác giả Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Lan Đình đã vinh dự nhận giải Ba, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Giải pháp này cũng được Ban tổ chức Hội thi xét chọn tham dự Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 sắp tới.

Tâm Giang

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục