Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nắng nóng gay gắt ở Việt Nam và Đông Nam Á
Thứ hai: 19:44 ngày 29/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nghiên cứu khoa học cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn.

Trong tuần qua, một đợt thời tiết nắng nóng cực đoan đã càn quét nhiều khu vực ở Đông Nam Á, làm đảo lộn cuộc sống của người dân và gây ra các mối đe dọa.

Nắng nóng gây cháy rừng, người chết vì sốc nhiệt, học sinh phải nghỉ học

Thái Lan ngày 25.4 đưa ra cảnh báo mới về thời tiết nắng nóng thiêu đốt. Chính quyền Thái Lan cho biết, các cơ quan chức năng nước này đã ghi nhận ít nhất 30 trường hợp tử vong do sốc nhiệt kể từ đầu năm tới nay. Theo cảnh báo từ Cục khí tượng Thái Lan, nhiều khu vực ở nước này trong những ngày tới sẽ tiếp tục hứng chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi chỉ số nhiệt dự kiến sẽ tăng trên 52 độ C.

Hôm 24.4, nhiệt độ ở Bangkok mà cơ quan thời tiết đo được ở mức 40,1 độ C.

Tháng 4 thường là thời điểm nóng nhất trong năm ở Thái Lan và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, nhưng điều kiện thời tiết năm nay trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino.

Tại thành phố Luang Prabang (Lào) gần đây có thời điểm nhiệt độ lên tới gần 43 độ C, cao chưa từng có trong lịch sử của khu vực này. Nhiệt độ ở thủ đô Viêng Chăn cũng vượt 41 độ C hôm 15.4.

Trong khi đó, chính quyền Philippines hôm 28.4 tuyên bố cho các trường học trên toàn quốc ngừng giảng dạy trực tiếp trong 2 ngày do nắng nóng. “Dựa trên chỉ số dự báo nhiệt độ mới nhất, tất cả trường học trên toàn quốc sẽ cho triển khai các lớp học trực tuyến trong hai ngày 29 và 30.4”, thông cáo từ Bộ Giáo dục Philippines viết.

Nhiều người dân Philippines cho biết, đợt nắng nóng này là điều họ chưa từng trải qua từ trước tới nay. Kể từ khi đợt El Nino này bắt đầu, cơ quan thời tiết Phillipines đã dự đoán nhiệt độ sẽ tăng lên mức nguy hiểm, có thể tới 44 độ C.

Theo thông tin từ Cơ quan giám sát khí tượng Myanmar, cơ quan này đã ghi nhận mức nhiệt tháng này cao hơn khoảng 3-4 độ C so với mức trung bình ghi nhận cùng thời điểm trong các năm trước đó. Dự kiến, nhiệt độ ở Mandalay, thành phố lớn thứ 2 ở Myanmar có thể đạt mức 43 độ C trong thời gian tới.

Trong khi đó, tại Malaysia, ít nhất hai ca tử vong do nắng nóng được ghi nhận, bao gồm một thanh niên 22 tuổi từ bang phía bắc Pahang và bé trai 3 tuổi ở bang Kelantan lân cận. Cả hai đều chết do sốc nhiệt. Nhà chức trách ở Sabah, một bang trên đảo Borneo, báo cáo gần 300 đám cháy bùng lên ở trang trại, đồn điền và khu rừng trong tháng 2.

Tại Singapore, một số trường yêu cầu học sinh mặc quần áo mát mẻ cho tới khi có thông báo mới, trong tình hình nhiệt độ cao kéo dài những tuần gần đây.

Nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái và Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết châu Á đang nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh chóng, với tác động của các đợt nắng nóng trong khu vực ngày càng nghiêm trọng hơn.

Người dân Myanmar đi tránh nóng ở các thảm cỏ trong công viên - Ảnh: AFP

Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera cách đây không lâu từng lưu ý Đông Nam Á ghi nhận mức nhiệt tăng cao chưa từng thấy. Khoảng cách giữa các đợt nắng hạn cũng đang rút ngắn hơn so với trước đây.

Mặc dù nhiệt độ trung bình ở Đông Nam Á vẫn tăng lên theo mỗi thập kỷ kể từ năm 1960, các chuyên gia đánh giá điểm đáng lo ngại nhất của làn sóng nhiệt này là thời gian kéo dài và chưa xác định được thời điểm "hạ nhiệt".

Các nhà nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu khí hậu Thụy Sĩ IQ Air cho rằng đợt nắng nóng hiện tại là do "sự kết hợp của các yếu tố bao gồm biến đổi khí hậu do con người gây ra và sự kiện El Ninõ".

Việt Nam nắng nóng trung bình từ 39 - 42 độ

Tại Việt Nam, mặc dù người dân đang trong những ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5, Cơ quan Khí tượng tiếp tục cảnh báo những ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Đặc biệt, nắng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Đợt nắng nóng gay gắt đúng vào dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 khiến các hoạt động vui chơi của người dân bị ảnh hưởng một phần không nhỏ. Thông tin về thời điểm chấm dứt đợt nắng nóng được người dân quan tâm.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong ngày 29.4, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 40 - 42 độ C, có nơi trên 42 độ.

Khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Thanh Hóa, từ Đà Nẵng đến Phú Yên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35 -38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Các nơi khác ở Bắc Bộ, khu vực từ Khánh Hòa đến Phú Yên và Tây Nguyên có nắng nóng, với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong 24 giờ đến 48 giờ tới, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 42 độ C, có nơi trên 42 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30 - 40%. Riêng Thanh Hóa, Nghệ An ngày 1.5, nắng nóng suy giảm.

Trong ngày 30.4, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C; riêng khu vực Tây Bắc có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 42 độ C, có nơi trên 42 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35 - 40%. Ngày 1.5, nắng nóng suy giảm ở khu vực này.

Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 40 - 50%.

Như vậy, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng có khả năng giảm dần từ khoảng ngày 1 - 2.5 ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Trong khi đó nắng nóng ở Tây Nguyên và Nam Bộ từ khoảng ngày 4 - 5.5 mới suy giảm.

Nguồn 1thegioi.vn

Tin cùng chuyên mục