Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nắng nóng, vi trùng tăng 12 lần trong đồ ăn thức uống
Thứ tư: 08:50 ngày 19/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những ngày qua thời tiết nắng nóng, thức ăn để trong môi trường có nhiệt độ từ 4,5 đến 60 độ C số lượng vi trùng vẫn phát triển rất mạnh.


Thời tiết nắng nóng khiến nhiều trẻ phải nhập viện - Ảnh minh họa: Quang Định

Thói quen của người Việt, khi nấu nướng xong, thức ăn hay được để ở nhiệt độ phòng, không bảo quản. Trong những ngày nắng gay gắt này, bảo quản tốt thực phẩm là điều cần quan tâm để tránh bị các bệnh mùa nóng.

Nhiều thói quen không đúng

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Hoàng, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết vi trùng trong thức ăn đã được chế biến sẽ phát triển nhiều nếu để ở nhiệt độ từ 4,5 đến 60 độ C, còn nếu thức ăn được bảo quản dưới 4,5 độ C và trên 60 độ C khi đó vi trùng mới bị ức chế.

Đây là vấn đề mà thuật ngữ y khoa gọi là “danger zone”, tạm dịch là “vùng nhiệt độ nguy hiểm”.

Ở khu vực phía Nam trong những ngày nắng nóng này, nhiệt độ từ 33-39 độ C, thức ăn để nhiệt độ thường sẽ làm vi trùng phát triển rất nhanh.

Cụ thể, nếu thức ăn để trong nhiệt độ này, trong vòng 20 phút số vi trùng sẽ tăng gấp đôi, để trong 2 giờ đồng hồ thì vi trùng sẽ tăng gấp 12 lần.

Khi thức ăn đã bị nhiễm khuẩn thì số lượng vi khuẩn sẽ phát triển nhanh hơn nữa. Điều này giải thích tại sao số người bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm tăng mạnh trong những ngày nắng nóng.

Sau khi thức ăn được chế biến khoảng 30 phút, thức ăn sẽ trở về nhiệt độ phòng. Nhiều người cho rằng cứ để thức ăn ở nhiệt độ thường trong phòng vài giờ cũng không sao.

Thế nhưng, đây là cách bảo quản thực phẩm không đúng vì thức ăn để ở nhiệt độ thường vẫn bị nhiễm khuẩn.

Các món ăn được nấu xong nên ăn ngay là tốt nhất và không nên để thức ăn quá 2 giờ đồng hồ ở nhiệt độ thường.

Một số người có thói quen để thức ăn ở nhiệt độ thường, lúc nào ăn sẽ hâm lại nhưng nếu hâm thực phẩm mà chưa sôi vẫn không thể diệt hết vi khuẩn, chưa kể hâm đi hâm lại thức ăn sẽ làm giảm chất lượng thực phẩm và các vitamin có trong thức ăn.


Nhiều người an tâm khi để thức ăn trong ngăn mát tủ lạnh mà không biết rằng ở nhiệt độ của ngăn này vi trùng trong thức ăn vẫn phát triển - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đừng nghĩ thức ăn trong ngăn mát an toàn

Nhiều người nấu thức ăn xong, yên tâm trữ thức ăn trong ngăn mát tủ lạnh thời gian rất lâu mà không biết rằng nhiệt độ ở ngăn làm mát luôn trên 5 độ C và ở nhiệt độ này vi trùng trong thức ăn vẫn phát triển.

Bác sĩ Hoàng khuyến cáo ngay cả những thực phẩm mới mua ở chợ về chưa được chế biến cần để trong ngăn đá mới ức chế vi khuẩn. Những thực phẩm đã được chế biến mà để trong ngăn mát nên sử dụng sớm vào những bữa ăn tiếp theo.

BS Hoàng khuyến cáo những người có ý định nấu thức ăn từ tối hôm trước để sẵn trong tủ lạnh, sáng hôm sau hâm đồ ăn lại mang đến cơ quan ăn buổi trưa cũng nên lưu ý vì thực phẩm sẽ không an toàn nếu để nhiều giờ ở nhiệt độ thường.

Một số người còn tiết kiệm điện, cài đặt mức nhiệt cao nên tủ không đủ lạnh mà không biết rằng thức ăn dễ bị ôi thiu nếu trong tủ có quá nhiều thức ăn.

Khi sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm thì ngăn mát phải đủ lạnh mới bảo quản được tốt. Nếu thức ăn không bảo quản kỹ, trẻ ăn phải thức ăn này dễ bị nhiễm trùng tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Nhiều trẻ em bị tiêu chảy

Trẻ bị nhiễm trùng tiêu hóa (tiêu chảy cấp, tiêu đàm máu, viêm ruột...) do thói quen, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nước uống, thực phẩm chưa tốt...

Gần đây số trẻ mắc bệnh tiêu hóa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám, nhập viện có xu hướng tăng vì thời tiết càng nắng nóng vi trùng phát triển càng nhiều.

Những trường hợp tiêu chảy cấp kể cả người lớn và trẻ em, trong mùa nắng nóng, thường là do vi trùng.

Ngoài nguyên nhân do bảo quản thức ăn không đúng cách, số vi trùng trong thức ăn phát triển nhiều gây bệnh tiêu chảy ở trẻ thì những thói quen không tốt của trẻ cũng có thể làm trẻ mắc bệnh tiêu chảy.

Thời tiết “khó chịu”, xử lý sao khi trẻ sốt?

Khi thân nhiệt của trẻ cao hơn 38 độ C, dễ gây co giật, cần phải hạ sốt ngay bằng lau mát, tắm bằng nước ấm hoặc uống thuốc hạ sốt.

Sốt là phản ứng của cơ thể, có thể gặp trong những trường hợp nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.

Nguyên nhân phổ biến do nhiễm trùng hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm xoang). Thường có triệu chứng đau họng, sổ mũi, ho, sốt nhẹ. Cảm cúm: làm đau nhức cơ bắp, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn, khó chịu, sốt.

Thời tiết nắng nóng 34-36 độ hoặc cao hơn, khi tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời gây say nắng, say nóng và sốt. Mặc quá nhiều áo quần, hoặc hơ than (nhất là trẻ sơ sinh) cũng gây gia tăng thân nhiệt, sốt sẽ giảm sau khi cởi bớt y phục ấm hoặc ngưng hơ than.

Viêm phế quản - tiểu phế quản, viêm phổi cũng gây sốt. Nhiễm trùng tiêu hóa gây sốt có triệu chứng tiêu chảy, phân nhầy, máu, có thể kèm ọc sữa (trẻ nhũ nhi), nôn ói và đau bụng (trẻ lớn và người trưởng thành)...

Nhiễm trùng huyết: do vi trùng xâm nhập vào máu, biểu hiện sốt cao mà có thể không phát hiện nguồn nhiễm trùng, phổ biến ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, cao tuổi, suy kiệt và thiếu máu...

Khi phát hiện sốt, cần phải hạ sốt ngay, sau đó nên đến cơ sở y tế gần nhất để được tham vấn, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

ThS.BS MAI VĂN BÔN

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh