Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nâng sức cạnh tranh cho cây mía
Thứ ba: 22:46 ngày 17/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngành Nông nghiệp tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia hỗ trợ cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện công tác khuyến nông cây mía

Cơ giới hoá trong khâu chăm sóc mía. Ảnh: Hằng Hà

Mía là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh, ngành mía đường là một trong những ngành đi đầu trong việc gắn kết, đầu tư và bao tiêu toàn bộ mía cho nông dân. Bảo đảm diện tích mía nguyên liệu, đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà máy đường hoạt động.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ mía 2022-2023, thời tiết nắng nóng và mưa cuối vụ nhiều, kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng mía. Các công ty, nhà máy đã liên kết hỗ trợ tạo điều kiện trong quá trình chăm sóc, thu hoạch.

Diện tích mía do các nhà máy đường ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu niên vụ 2022-2023 là 15.689 ha, tăng 10,3% so với niên vụ 2021-2022. Năng suất mía bình quân đưa vào chế biến là 59,87 tấn/ha, giảm 5,83% so với niên vụ trước.

Vụ 2022-2023, giá thu mua mía 10 CCS tại ruộng là 1.140.000 đồng/tấn. Ngoài ra, các công ty, nhà máy đường trong tỉnh còn hỗ trợ thu hoạch, các khoản thưởng và bảo hiểm chữ đường. Đến gần cuối vụ (khoảng 1 tháng), giá mía tăng thêm 50.000 đồng/tấn, vì vậy, giá mía tối đa là 1.190.000 đồng/tấn, tăng 9,17% so với vụ trước.

Vấn đề cơ giới hoá trong sản xuất mía được các công ty, nhà máy tiếp tục triển khai đồng bộ, góp phần vào giải quyết công lao động thủ công, từng bước tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm.

Trong vụ thu hoạch 2022-2023, việc ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất, chăm sóc và thu hoạch mía tiếp tục được các công ty, nhà máy đường và nông dân áp dụng, từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch mía. Bảo đảm được tính thời vụ, canh tác đúng kỹ thuật, giảm phụ thuộc vào nhân công, chi phí thấp, góp phần nâng cao năng suất, lợi nhuận cho người trồng mía.

Cơ giới hoá được áp dụng chủ yếu như: bừa cỏ, cày 7-8 chảo, cày ngầm, cày phá lâm, cày sâu bón phân, lắp đặt hệ thống tưới béc quay, phun thuốc cỏ, trồng mía bằng máy... Diện tích được áp dụng cơ giới hoá cho các khâu khoảng 15.952 ha. Áp dụng cơ giới hóa giúp nâng cao năng suất và chất lượng mía.

Bên cạnh đó, các nhà máy, công ty mía đường còn sử dụng nhiều hệ thống tưới tiết kiệm như: tưới béc, tưới dây phun, tưới xả tràn… với diện tích khoảng 13.769 ha, hệ thống tưới bằng béc quay cố định mang lại hiệu quả cao.

So với các hình thức tưới khác, tưới béc quay có nhiều ưu điểm như: vận hành dễ, tiết kiệm công lao động, cho năng suất mía cao, có thể tháo rời hệ thống để bảo quản. Các công ty, nhà máy đường đang khuyến khích nhân rộng mô hình này để giảm chi phí thuê công lao động đồng thời gia tăng lợi nhuận cho người trồng mía.

Theo Sở NN&PTNT, Tây Ninh là địa phương đi đầu trong việc trồng mía, nhưng Tây Ninh cũng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, ổn định diện tích. Hiệu quả kinh tế từ việc trồng mía thấp hơn so với một số cây trồng khác như: cây mì, rau quả; mức độ rủi ro nhiều hơn do sâu bệnh, cháy... Vì vậy, việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía gặp khó khăn, mặc dù Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ phát triển.

Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi, nắng gắt và mưa trái mùa ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây mía như: mía nhanh bị khô cây, rụi đọt, đất khô ảnh hưởng tiến độ xuống giống; mưa nhiều, các cơn bão liên tiếp gây ngập lụt lâu làm ảnh hưởng đến thời gian thu hoạch làm giảm chất lượng mía với chữ đường thấp.

Thời gian qua, các công ty, nhà máy đường vẫn chưa thực hiện đúng theo QCVN 01- 98:2012/BNNPTNT trong việc thu mua mía nguyên liệu, cụ thể là bảo hiểm chữ đường là 8,5 CCS; tạp chất trên 3%. Tình trạng thiếu công thu hoạch tiếp tục diễn ra với mức độ nhiều hơn so với các năm trước, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch mía.

Các hộ dân tham gia mô hình không đồng ý phá bờ theo như Kế hoạch số 2913/KH-SNN, nên đã thống nhất việc nông dân tham gia cánh đồng lớn không phải phá bờ, mà chỉ hạ thấp bờ để bảo đảm được việc thực hiện đồng bộ về cơ giới hoá như: chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch cho cánh đồng.

Ngành NN&PTNT nhận định, tình hình sản xuất đang chuyển dịch theo tín hiệu thị trường và cơ cấu ngành nông nghiệp. Cơ cấu cây trồng tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, vùng sản xuất chuyên canh mì, rau củ quả, cây ăn trái tương đối ổn định gắn với thị trường và công nghiệp chế biến, vùng chuyên canh mía giảm mạnh.

 Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần phục vụ cho chế biến và xuất khẩu... Trong năm 2022, đã chuyển 560,5 ha mía, lúa, cao su hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các cây trồng có tiềm năng và giá trị cao như: sầu riêng, nhãn, xoài, bưởi, chuối, mít. Luỹ kế từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi trên 36.766,4 ha cây trồng.

Thu hoạch mía

Mặc dù năng suất, giá cả, thu nhập của người trồng mía những năm gần đây có chuyển biến tích cực, nhưng cây mía vẫn chưa thực sự có sức cạnh tranh mạnh so với nhiều loại cây trồng khác, nhất là cây ăn trái, rau màu. Bên cạnh đó, hiện tại, công lao động cho việc trồng mía quá cao và khan hiếm, nhất là vào thời vụ thu hoạch, khiến cho nhiều hộ từ bỏ cây mía.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Tây Ninh tăng cường công tác dự báo tình hình sâu bệnh hại và đưa ra các giải pháp phòng trừ kịp thời. Đặc biệt là chú ý sâu đục thân trên cây mía, phối hợp các nhà máy đường, xây dựng các mô hình trình diễn phòng trừ sâu bệnh tổng hợp trên cây mía.

Phối hợp các nhà máy đường xây dựng và phổ biến các mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía, đặc biệt mô hình trồng giống mía mới có năng suất, chất lượng cao.

Để cây mía thực sự có sức cạnh tranh mạnh so với nhiều loại cây trồng khác, nhất là cây ăn trái, rau màu, ngành Nông nghiệp tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia hỗ trợ cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện công tác khuyến nông cây mía, ưu tiên xây dựng các mô hình sử dụng giống mới, thâm canh tại vùng nguyên liệu mía; hỗ trợ vốn cho việc xây dựng hệ thống tưới, tiêu cho cây mía của tỉnh Tây Ninh.

Đồng thời, đề nghị các công ty, nhà máy đường bố trí lịch thu hoạch và vận chuyển về nhà máy hợp lý hơn, tránh việc mía bị phơi bãi làm giảm chất lượng.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục