Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nói đến “Chợ lá”, người ta nghĩ ngay đến phiên chợ “độc nhất vô nhị” chỉ có ở Tây Ninh. Những năm gần đây, “Chợ lá” không chỉ thu hút người dân trong tỉnh mà còn lôi cuốn cả khách du lịch khắp nơi ghé đến.
Phiên “Chợ lá” tại công viên 30.4 còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn các bạn trẻ.
Phiên chợ “rất riêng” của Tây Ninh
Về nguồn gốc của chợ, nhiều người cho rằng bắt nguồn từ ý tưởng của bác sĩ Bùi Quốc Thái, một lương y. Đó là buổi nhóm chợ của những người hoạt động tại phòng khám thuốc Nam thiện nguyện, sau đó, được nhiều người hưởng ứng và phát triển thành phiên chợ Lá hằng năm.
Sức lan toả của phiên “Chợ lá” rất lớn. Nhiều nơi trong tỉnh cũng tổ chức chợ tại các địa điểm như Trường tiểu học Bà Đen, thánh thất Long Hải, xã Bàu Đồn, xã Cẩm Giang… Gần đây còn được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và một vài điểm họ đạo Cao Đài ở miền Trung.
Những món ăn dân dã, đời thường được đưa đến phiên chợ, như bánh tằm làm từ củ mì, bánh tráng trộn đã thành đặc sản của Tây Ninh, rồi bánh bò thốt nốt, bánh canh, hủ tiếu xào chay… để mọi người chọn lựa. Nước uống cũng vô vàn món với hạt é, nước sâm, hay nước ép, cà phê sữa, sương sa hạt lựu… Đến phiên “Chợ lá”, mọi người như hoà vào không khí náo nhiệt của chợ quê xưa, trở về ký ức tuổi thơ cùng trò chơi đồ hàng thuở bé, mà ở đó lá cây được thay cho tiền.
Những năm gần đây, du khách khắp nơi cũng tìm đến Chợ lá. Mọi người háo hức được trải nghiệm một phiên chợ lấy lá làm tiền.
Vừa qua, “Chợ lá” diễn ra tại công viên 30.4 (TP.Tây Ninh) thu hút gần 10.000 người tham dự, tạo tiếng vang cho việc quảng bá hình ảnh “Chợ lá” Tây Ninh. Chương trình được Thành đoàn phối hợp Công ty TNHH Long Hoa Tourist tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị, tôn vinh giá trị truyền thống.
Cùng người thân thưởng thức món cháo chay tại phiên “Chợ lá”, chị Huỳnh Thị Như Ý- đến từ huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhân dịp từ Huế vào Sài Gòn chơi, nghe Tây Ninh có phiên “Chợ lá”, chị tranh thủ đón xe đến từ rất sớm. “Vui lắm. Lần đầu tiên mình đi chợ mà không mất tiền. Mình còn thấy có khu vực tổ chức các trò chơi dân gian, những trò chơi này mình chưa từng chơi, chỉ biết qua mạng thôi”- chị Như Ý nói.
Phiên “Chợ lá” ở khu vực cửa 8, chợ Long Hoa (thị xã Hoà Thành)
Để “Chợ lá” thành điểm du lịch của tỉnh
Có dịp tham gia hoạt động của các “Chợ lá” mới thấy rằng còn nhiều vấn đề cần thay đổi để phiên chợ có thể trở thành “thương hiệu” của tỉnh và đưa vào khai thác du lịch.
Thường xuyên có mặt tại các phiên “Chợ lá” của tỉnh, anh Việt Chung (phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) cho biết, các phiên chợ đã có những cải tiến so với ban đầu. Đó là có khu vực tổ chức riêng để mọi người tìm đến. “Năm 2020, khi có thông tin về “Chợ lá”, tôi rủ một người bạn đi để trải nghiệm, nhưng không biết địa chỉ chính xác.
Tôi và bạn phải chạy qua khá nhiều điểm, từ khu vực vườn mai của bác sĩ Thái (xã Trường Tây) đến điện thờ Phật mẫu Trường Tây, đến khu vực phường Long Thành Bắc mới thấy. Ở chợ lá, mọi người gánh hàng bán ngay lề đường, nhiều người đi đường tò mò dừng lại rồi mua bán làm cản trở giao thông. Hiện nay, các phiên chợ đều có khu vực tổ chức, địa điểm cụ thể để mọi người dễ dàng tìm tới”- anh Việt Chung nói.
“Chợ lá” là một nét đẹp mang thông điệp của sự sẻ chia. Tuy nhiên, là hoạt động tự phát nên các phiên chợ chưa được tổ chức một cách bài bản. Những người tổ chức chỉ suy nghĩ giản đơn mang hàng ra “bán”, ai thích gì cứ “mua”. Với tâm lý “không tốn tiền”, nhiều người đổ xô đến “gom đồ” mà chưa hẳn đã ăn hết.
“Chen lấn, gom thức ăn là những điều dễ nhìn thấy ở những “Chợ lá” tự phát. Nếu mọi người đến phiên chợ để cảm nhận, thưởng thức thì sẽ hay và ý nghĩa hơn rất nhiều”- chị Nguyễn Trần Diễm My (thành phố Tây Ninh) bày tỏ quan điểm khi tham gia “Chợ lá” tại khu vực cửa 8 chợ Long Hoa.
Thiết nghĩ, nếu “Chợ lá” được các địa phương lên kế hoạch tổ chức, hoàn toàn có thể khắc phục được những hạn chế. Như “Chợ lá” do Thành đoàn Tây Ninh phối hợp với Công ty TNHH Long Hoa Tourist tổ chức vào ngày 26.2 vừa qua. Rút kinh nghiệm từ những phiên chợ trước đây, phiên “Chợ lá” tại công viên 30.4 đã làm tốt hơn những vấn đề mọi người quan tâm.
Cụ thể, Ban tổ chức phối hợp với Công an Thành phố hỗ trợ công tác an ninh trật tự, điều tiết giao thông; phối hợp Trung tâm Y tế Thành phố lấy mẫu thực phẩm trước khi “bán hàng” cho người dân để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thành đoàn dự tính những khu vực để xe máy, xe ô tô và liên hệ với Công ty bảo vệ Toàn Thắng hỗ trợ việc giữ xe máy cho người đi chợ.
Đặc biệt, “Chợ lá” tại đây chỉ sử dụng lá cây khô, hạn chế việc phá hoại môi trường xung quanh - một chi tiết ít ai để ý nhưng cho thấy các bạn đoàn viên thanh niên đã nhìn ra: bảo vệ mảng xanh từ những việc rất nhỏ. Và ngoài các gian hàng, “Chợ lá” nơi đây còn có các trò chơi dân gian, gian hàng áo dài 0 đồng để mọi người trải nghiệm, sẻ chia.
Theo Thành đoàn Tây Ninh, ngay trong phiên “Chợ lá” hôm đó, ngoài những tour du lịch khác, phía Công ty du lịch Saco Travel đã liên hệ và đưa khách đến tham quan phiên “Chợ lá” đầu tiên, trước khi đi tham quan các điểm khác trong tỉnh.
Tuy nhiên, phiên “Chợ lá” tại Công viên 30.4 chỉ là hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên Thành phố, chưa thể đại diện cho hoạt động nổi bật của tỉnh. Mọi người dân trong tỉnh và cả du khách mong chờ một phiên “Chợ lá” mang tầm lễ hội. Thiết nghĩ, đơn vị quản lý về văn hoá, thể thao, du lịch có kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh sớm hơn trong việc phát triển các địa điểm, sự kiện cho ngành du lịch của tỉnh. Để hằng năm, “Chợ lá” là một điểm đến trong các tour lữ hành khi về Tây Ninh.
Chúng ta có quyền hy vọng, “Chợ lá” Tây Ninh sẽ trở thành một sự kiện thu hút du khách gần xa; làm phong phú hơn hoạt động du lịch của tỉnh. Đây là tiềm năng ngành du lịch tỉnh cần khai thác, đầu tư chỉn chu, quy củ hơn. Nếu chỉ dừng lại ở hoạt động tự phát, “lúc làm lúc không” như hiện nay, thật sự lãng phí cho tài nguyên du lịch của tỉnh nhà.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), vừa qua, Sở có nhận được thông tin phản ánh của người dân về hoạt động “Chợ lá” tại một số địa phương tổ chức tràn lan, chưa bảo đảm an toàn, để xảy ra hành vi chen lấn, tranh cướp, chưa có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh như bẻ lá cây tại khu vực tổ chức.
Để kịp thời chấn chỉnh, ngày 22.2, Sở VH,TT&DL gửi công văn đến UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý việc tổ chức “Chợ lá”, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý và tổ chức “Chợ lá”; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hoá phẩm trái phép; lôi kéo đông người tại “Chợ lá” để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Ngọc Diêu - Hoà Khang