Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sáp nhập khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc vào Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát:
Nâng tầm vóc của rừng
Thứ tư: 06:14 ngày 08/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc sáp nhập khu rừng VHLS Chàng Riệc vào VQG Lò Gò - Xa Mát sẽ nâng tầm quan trọng của VQG Lò Gò - Xa Mát đối với quốc gia và quốc tế. Về quy mô, diện tích VQG từ 19.210,73 ha tăng lên 30.023,13 ha. Bên cạnh chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, VQG Lò Gò - Xa Mát bổ sung chức năng bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá cấp quốc gia đặc biệt ở khu Chàng Riệc.

Tuần tra bảo vệ Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ảnh: Thế Hùng

Có lẽ không ở đâu trên khắp đất nước ta câu thơ “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” có ý nghĩa chính xác như ở miền rừng Bắc Tây Ninh, trên địa bàn huyện Tân Biên. Bởi lẽ, những khu rừng đặc dụng liên hoàn cặp biên giới này chính là nơi đứng chân của cơ quan đầu não, lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước từ giữa thế kỷ trước.

Hiện quần thể di tích căn cứ kháng chiến đang được bảo tồn ở khắp nơi trong Vườn quốc gia Lò Gò - Xa mát và khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc. Sắp tới đây, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát và Khu rừng Văn hoá - lịch sử Chàng Riệc sẽ sáp nhập, những giá trị khoa học và lịch sử “tuy hai mà một” ấy càng tăng lên gấp bội.

NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẶC SẮC

Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (VQG Lò Gò - Xa Mát) được thành lập theo Quyết định số 91 (ngày 12.7.2002) của Thủ tướng Chính phủ. Vườn nằm trên địa phận 4 xã: Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp, Thạnh Tây thuộc huyện Tân Biên.

Chức năng, nhiệm vụ của VQG Lò Gò - Xa Mát là bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng dày bán ẩm, sự đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long; là khu rừng tiêu biểu ở Việt Nam có hệ sinh thái này; tiếp tục điều tra, phát hiện, bổ sung và bảo tồn các loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm trong khu vực vườn quốc gia; góp phần bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá như: Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Thông tấn xã Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, Hãng phim Giải phóng, Nhà in Trần Phú... trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Tài nguyên rừng của VQG Lò Gò - Xa Mát khá đa dạng và phong phú với các kiểu rừng lá rộng thường xanh, rừng nửa rụng lá, rừng rụng lá, các trảng ngập nước theo mùa. Trong rừng có nhiều loài động, thực vật đặc trưng cho hệ sinh thái rừng chuyển tiếp từ vùng đồi thấp của khu vực Đông Nam bộ xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất ngập nước.

Còn khu rừng VHLS Chàng Riệc được thành lập theo Quyết định số 12 (ngày 14.1.2002)của Thủ tướng Chính phủ, nằm trên 3 xã Tân Lập, Thạnh Bắc và xã Thạnh Bình cũng thuộc huyện Tân Biên. Tổng diện tích là 10.811,2 ha. Cũng như VQG Lò Gò - Xa Mát, khu rừng VHLS Chàng Riệc có chức năng bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng để phát huy các giá trị và tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; góp phần tôn tạo các di tích lịch sử quốc gia như Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (trong đó, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 548 ngày 10.5.2012 của Thủ tướng Chính phủ).

Đồng thời bảo tồn các cảnh quan tự nhiên của khu rừng và các trảng cỏ ngập nước theo mùa trong phạm vi khu rừng, duy trì và nâng cao độ che phủ của rừng để góp phần phòng hộ vùng biên giới và bảo vệ môi trường, sinh thái, đồng thời phục vụ công tác tham quan, du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học. Có thể thấy đặc điểm nổi bật trong khu rừng Chàng Riệc là các di tích lịch sử văn hoá cách mạng đã được Nhà nước xếp hạng.

Đây là những “địa chỉ đỏ” cho các cuộc hành hương về nguồn của các thế hệ công dân Việt Nam. Các khu di tích lịch sử văn hoá trong khu rừng Chàng Riệc đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, phục hồi, tôn tạo và đang tiếp tục đầu tư những hạng mục công trình còn lại. Đã có rất nhiều đoàn, khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Trong tương lai, đây là khu du lịch về nguồn, du lịch sinh thái hấp dẫn, đầy tiềm năng nếu được quan tâm đầu tư thoả đáng.

Về giá trị tài nguyên quốc gia, cả VQG Lò Gò - Xa Mát và khu rừng VHLS Chàng Riệc đều nằm trong danh sách hệ thống rừng đặc dụng quốc gia, có giá trị bảo tồn với tầm quan trọng quốc gia, quốc tế về bảo tồn hệ sinh thái rừng chuyển tiếp từ khu vực Nam Trường Sơn, Đông Nam bộ xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long với các kiểu rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá, rừng lá rộng ngập nước theo mùa trong các bàu, trảng và các vùng đất thấp ven sông suối; bảo tồn các di tích lịch sử văn hoá quốc gia, đặc biệt là di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

MỞ RỘNG QUY MÔ, NÂNG CAO TẦM VÓC

Việc sáp nhập khu rừng VHLS Chàng Riệc vào VQG Lò Gò - Xa Mát sẽ nâng tầm quan trọng của VQG Lò Gò - Xa Mát đối với quốc gia và quốc tế. Về quy mô, diện tích VQG từ 19.210,73 ha tăng lên 30.023,13 ha. Bên cạnh chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, VQG Lò Gò - Xa Mát bổ sung chức năng bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá cấp quốc gia đặc biệt ở khu Chàng Riệc.

Đây là cơ hội để phục hồi các sinh cảnh rừng đã bị tác động, rừng nghèo... góp phần nâng cao độ che phủ rừng, chất lượng rừng, đa dạng sinh học để tôn tạo cảnh quan tự nhiên, môi trường của các di tích lịch sử, văn hoá; mở rộng phát triển loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng kết hợp với phát triển du lịch về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, giáo dục về truyền thống cách mạng về giữ nước, bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc với giáo dục môi trường.  

Bên cạnh đó, việc sáp nhập khu rừng VHLS Chàng Riệc vào VQG Lò Gò - Xa Mát nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, thống nhất về mặt quản lý rừng đặc dụng trên cùng một địa bàn huyện, nâng cao năng lực về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tập trung các nguồn lực về nghiên cứu khoa học và vốn đầu tư, có điều kiện để bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng bảo vệ rừng của 2 khu rừng, nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đối với đặc điểm cả hai khu rừng cùng nằm trong huyện Tân Biên, khoảng cách ranh giới vị trí gần nhất của hai khu rừng chỉ khoảng từ 5 - 8km, nên điều kiện về tự nhiên như địa hình, khí hậu, thời tiết, đất đai và tài nguyên rừng... khá tương đồng. Với những giá trị đặc biệt về tài nguyên thiên nhiên và các di tích lịch sử văn hoá của khu rừng LSVH Chàng Riệc, việc sáp nhập khu rừng đặc dụng này vào VQG Lò Gò - Xa Mát không chỉ nâng quy mô diện tích, mà còn nâng tầm ảnh hưởng trong nước và quốc tế của vườn quốc gia.

Từ đó, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ tài nguyên, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, tôn tạo, bảo tồn di tích lịch sử và phát triển du lịch sinh thái sẽ thuận lợi hơn.

Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

MỘT SỐ KHÓ KHĂN CẦN KHẮC PHỤC

Theo Sở NN&PTNT (đơn vị được giao xây dựng Đề án sáp nhập), việc sáp nhập VQG Lò Gò - Xa Mát và khu rừng VHLS Chàng Riệc cũng có những khó khăn. Cụ thể là hai khu rừng nằm cách biệt nhau với khoảng cách từ 5 - 8km nên gặp khó khăn trong việc kết nối không gian di chuyển cho các nhóm thú có phạm vi hoạt động rộng, thường di chuyển; thiếu sự kết nối của hệ thống rừng tự nhiên.

Bên cạnh đó, việc thiết lập hành lang đa dạng sinh học kết nối giữa VQG Lò Gò - Xa Mát hiện nay và khu rừng VHLS Chàng Riệc nhằm tăng cường khả năng bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tình trạng chia cắt về sinh cảnh và các hệ sinh thái, di chuyển và di cư cũng như tương tác của các loài động vật hoang dã, mở rộng điều kiện cư trú, bảo đảm sự sinh tồn của quần thể loài, khôi phục và duy trì tính kết nối của hệ sinh thái sẽ gặp nhiều thách thức như: phần lớn diện tích đất trong khoảng cách giữa hai khu rừng là đất trồng cây cao su, cây nông nghiệp, đất trống không có rừng tự nhiên, lại có nhiều đường dân sinh. Do vậy, việc xây dựng hành lang đa dạng sinh học thời điểm hiện tại chưa thích hợp cả về mặt tự nhiên (các yếu tố về đa dạng sinh học) và về mặt xã hội...

Ngoài ra, việc sáp nhập 2 khu rừng còn gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng. Trong khi VQG Lò Gò - Xa Mát được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá đầy đủ, hoàn thiện từ phân khu hành chính - dịch vụ đến hệ thống các trạm bảo vệ rừng, cơ sở phục vụ cho nghiên cứu khoa học và bảo tồn; thì tại khu rừng VHLS Chàng Riệc chỉ được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các hoạt động bảo vệ rừng...

Từ sự khác biệt đó mà nguồn vốn đầu tư cũng khác nhau theo các nội dung của từng năm và từng giai đoạn. Vì thế, sau khi sáp nhập cần phải điều chỉnh, bổ sung các nội dung hoạt động, chương trình phát triển, nguồn nhân lực cho phù hợp và cân đối.

Được biết, hiện đề án sáp nhập khu rừng VHLS Chàng Riệc vào VQG Lò Gò - Xa Mát đang được trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

THẾ NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh