Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Narendra Modi - Người cầm lái cẩn trọng
Thứ tư: 08:16 ngày 06/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cách Ấn Độ thể hiện bản lĩnh giữa Trung Quốc đang nổi lên và Mỹ ngày càng bất định.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis mô tả Ấn Độ là “điểm tựa” về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 ngày 1/6 ở Singapore, hội nghị an ninh thường niên lần đầu tiên có sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ.

Tuy nhiên, nếu ông Mattis hy vọng ông Modi sẽ sử dụng diễn đàn này để gia nhập “Bộ Tứ” cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia để đối phó với việc mở rộng ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc thì ông đã thất vọng. Thay vào đó, "vị thuyền trưởng" mạnh mẽ nhất của Ấn Độ trong nhiều thập niên đã cầm lái một cách rất cẩn thận giữa hai cường quốc quân sự trong khu vực.

Không sợ mếch lòng

Thủ tướng Modi cố tình tránh đề cập “Bộ Tứ” trong bài phát biểu quan trọng tại sự kiện do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức và chỉ trích các hình thức của chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ đang đưa ra – hai động thái chắc chắn làm hài lòng phái đoàn Trung Quốc. “Châu Á và thế giới sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn khi Ấn Độ và Trung Quốc cùng làm việc trong sự tin tưởng và tự tin, nhạy cảm với các lợi ích của nhau”, ông Modi phát triểu trước các Bộ trưởng Quốc phòng và quan chức quân sự của hơn 40 quốc gia.

Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị Shangri-La vừa qua. (Nguồn: CFR.org)

Ông lặp lại lời kêu gọi của Mỹ về “tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế” và việc tấn công các chính phủ đã đưa các quốc gia khác vào “gánh nặng nợ nần không thể trả nổi”. Cả hai nội dung này có thể ám chỉ Trung Quốc với hành vi ở Biển Đông và các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) dẫn đến các khoản vay khổng lồ ở các nước.

Quan hệ Ấn – Mỹ đã có sự đột phá trong khi ông Modi lên nắm quyền Thủ tướng năm 2014 cùng với chính sách “Hành động hướng Đông” mạnh mẽ hơn nhằm đương đầu với sự nổi lên của Trung Quốc. Trong khi đó, căng thẳng Ấn – Trung lên đến đỉnh điểm vào mùa Hè năm ngoái khi quân đội hai bên tham gia vào tranh chấp biên giới Doklam/ Động Lãm kéo dài 73 ngày. Nhằm nắm lấy một Ấn Độ chủ động hơn, Mỹ đã đổi tên chính sách châu Á - Thái Bình Dương thành “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” – một động thái ngăn chặn khiến Trung Quốc lo ngại.

Theo ông Manoj Joshi, học giả tại Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) ở New Delhi, “nhà tổ chức Đối thoại Shangri-La đã chờ đợi ông Modi từ lâu. Ấn Độ được xem là mấu chốt trong liên minh dài hạn đối đầu với Trung Quốc” và “việc thay đổi châu Á - Thái Bình Dương thành Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một cách thức để đưa năng lực quân phòng Ấn Độ vào quá trình cân bằng”.

Sự hạ nhiệt chiến lược

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ sau đó đã giảm xuống và Thủ tướng Modi dường như muốn làm ấm quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong phát biểu hôm 1/6, ông Modi còn trấn an Trung Quốc rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải là một chiến lược hay một câu lạc bộ. Theo Trung tướng Hà Lôi, trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La khi trả lời trên kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc, “ông Modi đã đánh giá tích cực quan hệ Trung - Ấn trong bài phát biểu” mang tính xây dựng và phản ánh triển vọng mạnh mẽ của mối quan hệ song phương.

Trung tướng Hà Lôi dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham dự Hội nghị Shangri-La tại Singapore năm nay. (Nguồn: AP)

Trước đó, vào cuối tháng 4, khi thế giới đang tập trung vào cuộc gặp lịch sử giữa các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời Thủ tướng Modi đến dự Thương đỉnh không chính thức trong hai ngày tại Vũ Hán. Cùng thời điểm, tin tức cho hay Ấn Độ quyết định không mời Australia tham gia Tập trận Malabar cùng với Nhật Bản và Mỹ. Và tuần tới, Thủ tướng Modi sẽ đến Trung Quốc một lần nữa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – một thể chế an ninh do Trung Quốc và Nga dẫn đầu, trong khi Ấn Độ cùng Pakistan trở thành thành viên đầy đủ từ năm ngoái.

Cho dù những cử chỉ này thể hiện sự thay đổi chính sách hay chỉ là mong muốn đảm bảo không lặp lại cuộc đụng độ biên giới như năm ngoái trước thềm bầu cử Lok Sabha (Hạ viện) vào năm 2019, đây vẫn còn là vấn đề tranh cãi giữa các nhà phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Một câu hỏi nữa là quan hệ nồng ấm sẽ đến mức độ nào khi Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tiếp cận Nhật Bản khi đối mặt với áp lực của Mỹ về chính sách thương mại.

Hai cách tiếp cận

Đối với một số chuyên gia, sự thay đổi này là rõ ràng do có sự công nhận ngày càng tăng rằng Ấn Độ thiếu năng lực kinh tế và quân sự để cạnh tranh với Trung Quốc trong khi không chắc chắn về độ tin cậy của Mỹ. Ông Kanti Prasad Bajpai, Giám đốc Trung tâm châu Á và Toàn cầu hoá, Trường Chính sách công Lee Kuan Yew (Singapore) cho biết ngân sách quân sự của Trung Quốc lớn gấp 3 lần Ấn Độ trong khi nền kinh tế gần gấp 5 lần.

(Nguồn: Asia Times)

Các chỉ số chi tiêu thậm chí có thể đánh giá sự khác biệt về quyền lực cứng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong khi Trung Quốc đổ nguồn lực vào phát triển và mua vũ khí công nghệ cao, Ấn Độ dành tới 2/3 ngân sách quốc phòng cho các chi phí thường lệ như nhân sự.

So sánh về sự cạnh tranh kinh tế đối với các nước trong khu vực, khoảng cách thậm chí còn rộng hơn. Theo Syed Munir Khasru, Giám đốc Viện Chính sách, Vận động và Quản trị - tổ chức think tank quốc tế có trụ sở tại Bangladesh, Ấn Độ không có phản ứng đối với BRI. “Ấn Độ có rất nhiều quyền lực mềm, với lịch sử phong phú, nghệ thuật và văn hóa, Bollywood và nền dân chủ sôi động… song Trung Quốc có quyền lực tài chính”, ông Syed nói.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng, sự thay đổi chỉ là tạm thời trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp tới ở Ấn Độ. Theo ông Rahul Roy-Chaudhury, người đứng đầu chương trình Nam Á tại IISS, tình hình an ninh vẫn ở tình trạng báo động do sự mở rộng quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là những dấu hiệu cho thấy nước này đang gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương.

Thủ tướng Modi chỉ đơn giản là tìm cách để đảm bảo căng thẳng không bùng lên trong năm tới. Đồng thời, Ấn Độ không muốn để Mỹ lôi kéo vào cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông. Ấn Độ luôn cảnh giác về tự do hàng hải hay phát triển “Bộ Tứ” thành một tổ chức tập trung vào an ninh.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục