Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
NATANI từng bước khẳng định thương hiệu “Mãng cầu Bà Đen”
Chủ nhật: 23:12 ngày 28/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, sản phẩm mãng cầu Bà Đen còn được xuất khẩu sang Singapore, các nước khu vực Bắc Mỹ và Trung Đông. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu trên thị trường là điều mà nhiều nhà vườn tại Tây Ninh đang hướng tới.

Công nhân sơ chế mãng cầu tại xưởng của Công ty cổ phần Natani.

Sản phẩm trái mãng cầu Bà Đen Tây Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, và là một trong những đặc sản của tỉnh được nhiều người biết đến.

Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, sản phẩm mãng cầu Bà Đen còn được xuất khẩu sang Singapore, các nước khu vực Bắc Mỹ và Trung Đông. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu trên thị trường là điều mà nhiều nhà vườn tại Tây Ninh đang hướng tới.

Đổi mới tư duy

Hiện nay, nhu cầu sử dụng trái cây sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, người trồng mãng cầu trên địa bàn tỉnh phải tự đổi mới về cách làm nông nghiệp, đầu tư công nghệ, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, hướng tới sản xuất sạch.

Từ đó, sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thân thiện với môi trường và tạo hướng đi bền vững cho cây ăn trái.

Ông Trần Thanh Hiền (ngụ ấp Phước Lợi 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) chia sẻ, ngoài nỗi lo về giá cả, đầu ra của sản phẩm, người nông dân trồng mãng cầu cũng rất trăn trở về phương thức canh tác.

Nếu trồng theo phương pháp truyền thống, xịt thuốc ít thì không bảo đảm đậu trái mà xịt nhiều thì sản phẩm không an toàn cho người dùng, có nhiều tác hại và bán không được giá.

Do đó, nhiều nông dân dần chuyển sang phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Họ chỉ mong sao sản phẩm làm ra bán được giá, thị trường tiêu thụ ổn định và liên kết được với đầu mối bao tiêu sản phẩm lâu dài.

Trăn trở của ông Hiền cũng là nỗi niềm chung của những người canh tác mãng cầu bấy lâu nay. Mãng cầu có nhược điểm là chín rất nhanh, nên các nhà vườn luôn phải canh hái trái lúc còn xanh để có thể chở đi xa tiêu thụ, hạn chế tình trạng chín sớm.

Do vậy, việc xuất bán sản phẩm đến địa phương khác hoặc ra nước ngoài cũng là vấn đề khiến nhà vườn băn khoăn. Nếu mãng cầu chín rộ, sẽ dẫn đến thị trường thừa hàng, cung vượt cầu, ắt giá cả sẽ sụt giảm, nhà vườn thua lỗ.

Bên cạnh đó, những năm qua, hầu hết các nhà vườn trồng mãng cầu tại Tây Ninh vẫn canh tác theo kiểu truyền thống, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tích luỹ trong quá trình sản xuất, nên trái thường bị rệp sáp, ruồi vàng tấn công nên có giòi, trái không đều, không đẹp, chất lượng và năng suất đều không cao. Vì vậy mà sản phẩm đưa ra thị trường bị người tiêu dùng "quay lưng", thường xuyên bị thương lái chèn ép giá.

Do đó, ông Nguyễn Thế Tân cùng các thành viên của Công ty cổ phần Natani quyết tâm xây dựng lại thương hiệu mãng cầu Tây Ninh. Ông Tân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Natani cho biết: “Tôi lập ra Công ty Natani nhằm phát huy giá trị của đặc sản trái mãng cầu Tây Ninh, giúp nông dân có thể sống được, làm giàu với vườn mãng cầu của mình.

Phương thức hoạt động của Natani là phối hợp với nhà vườn tạo thành một chuỗi liên kết, trong đó công ty sẽ cung cấp kỹ thuật cũng như quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ vi sinh nhằm bảo đảm chất lượng, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cây và cải tạo đất, phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững”.

Để củng cố thêm thương hiệu mãng cầu Bà Đen, nhiều nông dân cùng nhau chuyển từ sản xuất thường sang sản xuất chất lượng cao theo chuẩn hữu cơ.

Trong đó, ông Nguyễn Thế Tân đã đứng ra quy tụ những nông dân trồng mãng cầu chất lượng cao để hợp tác, liên kết với công ty thay đổi cách sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn rõ ràng như: chỉ sử dụng phân vi sinh, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hoá học.

Khi trái còn xanh, nhà vườn sẽ thực hiện việc bao trái bằng hai lớp lưới xốp dày 5 ly. Do đó, các loại côn trùng như ruồi vàng, rệp sáp sẽ không thể chích và đẻ trứng lên đó được.

Thu hoạch mãng cầu tại vườn của anh Lê Quý Phát, ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh.

Hiệu quả bước đầu

Ban đầu, nhiều nông dân lo ngại việc sản xuất mãng cầu "sạch" vì chi phí đầu tư cao, dẫn đến sản phẩm bán ra cao, khó tiêu thụ.

Trước vấn đề này, Công ty bao tiêu tất cả sản phẩm, giúp nông dân an tâm sản xuất. Đến nay, Công ty cổ phần Natani đã vận động được nhiều hộ dân tham gia mô hình hợp tác xã sản xuất mãng cầu VietGAP với diện tích khoảng 200 ha.

Gắn bó với Công ty từ 2 năm nay, ông Nguyễn Xuân Năm (ngụ ấp Phước Hoà, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) có hơn 2 ha mãng cầu được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi sản xuất theo quy trình này, bệnh rệp sáp và ruồi vàng đục trái trên cây mãng cầu đã được loại bỏ, sản phẩm làm ra đạt chất lượng hơn. Điều quan trọng hơn hết là giá cả đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định.

Ông Năm cho biết: "Trước đây tôi thường bán non tại vườn cho thương lái giá chỉ từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Nhiều khi tôi mang mãng cầu xuống chợ đầu mối Thủ Đức bán cho thương lái nhưng không hề biết trước giá. Chỉ đến khi bán hết hàng thì thương lái mới báo giá. Cũng có khi tới đợt thu hoạch, nhà vườn không tìm được người mua, trái chín rụng tại vườn, coi như lỗ trắng.

Từ khi liên kết với Công ty Natani, giá cả đã thoả thuận từ trước, đến ngày thu hoạch, nhà vườn đem sản phẩm lên giao cho công ty rồi nhận tiền. Hiện nay, trái mãng cầu được Công ty bao tiêu giá thu vào ổn định suốt năm”.

Sản phẩm Natani đã có mặt tại hệ thống các siêu thị của BigC, Aeon, SaiGonCo.op và chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh trên toàn quốc. Đặc biệt, cuối năm 2019, sản phẩm trái mãng cầu của Natani đã được người tiêu dùng đón nhận và tin tưởng bình chọn là thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

Việc được công nhận là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ là vinh dự cho Công ty Natani, còn là niềm tự hào của người dân Tây Ninh nói chung và nhà vườn trồng mãng cầu nói riêng. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định niềm tin của người tiêu dùng đối với trái mãng cầu Tây Ninh.

Ông Tân cho biết thêm, hướng phát triển sắp tới của Natani là sẽ làm ra nhiều sản phẩm từ trái mãng cầu như nước ép mãng cầu, bánh kẹo, mứt... để làm sản phẩm du lịch, góp phần thu hút khách du lịch đến với Tây Ninh và hướng tới xuất khẩu để nâng giá trị của trái mãng cầu Tây Ninh”.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục