Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nations League - phát pháo hiệu cho cuộc cách mạng bóng đá
Thứ bảy: 07:49 ngày 08/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Giải đấu mới ra đời hãy còn xa lạ và mù mờ với nhiều người, nhưng có đầy đủ tiềm năng để trở thành giải đấu số một trong tương lai.

Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên bóng đá mới với sự khai sinh của UEFA Nations League. Ở giải đấu này, khán giả có thể chứng kiến từ những cuộc tranh tài hạng nặng như Anh - Tây Ban Nha ở Wembley, cho đến những trận hạng siêu ruồi như Liechtenstein – Gibraltar tại Vaduz. Các trọng tài quốc tế sẽ tỏa đi khắp châu Âu để làm nhiệm vụ.

Từ UEFA Nations League, ý tưởng hy vọng sẽ mở rộng ra toàn thế giới. Mỗi châu lục sẽ có một Nations League của riêng họ, cuối cùng để đi đến một đại hội: Global Nations League dành cho nhà vô địch ở mỗi châu lục. Đây là một đại ý tưởng và biết đâu một ngày nào đó, nó có thể vươn lên ngang tầm, thậm chí là vượt qua cả World Cup.

UEFA Nations League mang lại nét mới mà bóng đá cấp đội tuyển quốc gia đang rất cần. 

Nations League muốn giúp cho bóng đá trở nên hấp dẫn hơn. Bóng đá ở cấp đội đội tuyển đã bị che khuất bởi bóng đá cấp CLB ít nhất 10 tháng mỗi năm. Và bây giờ, người ta muốn đưa bóng đá quốc tế trở lại vị thế vốn có của nó.

Vậy điều gì đang xảy ra? Và tại sao?

Cách đây năm năm, một vài quan chức tại UEFA, bao gồm cả Tổng thư ký vào lúc đó là Gianni Infantino ngồi họp và nảy ra ý tưởng UEFA Nations League. Mục đích ban đầu là xóa đi khoảng thời gian chết ở những đợt "ngừng chiến" trong mùa giải. Suốt nhiều thập kỷ, những đợt trận quốc tế này chỉ gồm toàn những trận giao hữu vô thưởng vô phạt, và những trận vòng loại chán ngấy như Đức làm gỏi San Marino, Pháp đè bẹp Luxembourg và không ai quan tâm cả.

UEFA Nations League là một giải đấu và nó sẽ mang đến sự cạnh tranh lẫn hào hứng. Giải chia các quốc gia vào bốn hạng đấu dựa trên sức mạnh. Thế là sau khi bốc thăm, người có những bảng đấu cực kỳ thú vị như Đức, Pháp, Hà Lan hay Tây Ban Nha, Croatia, Anh. Ở hạng Tư, sẽ có những bảng đấu như Azerbaijan, Đảo Faroe, Malta, Kosovo. Nhưng cả bốn quốc gia này sẽ cùng vui, vì trước đây họ luôn cảm thấy vất vả trong việc chọn đối thủ giao hữu. Những đội bóng mạnh thì tất nhiên ai cũng giành được đá, còn những đội bóng yếu thì luôn ở cảnh không ai muốn đá. UEFA Nations League đã thay đổi điều đó.

Với thể thức lên hạng xuống hạng, lại còn có thể giành vé trực tiếp dự Euro 2020, các đội bóng giờ đều đã có lý do để thi đấu, chứ không còn ủ dột đá cho xong nghĩa vụ như những loạt trận giao hữu khác. Các CĐV tất nhiên sẽ là người hưởng lợi. Có một chuyện không thể bàn cãi: người ta quan tâm đến bóng đá cấp độ đội tuyển hơn là CLB. Những trận đấu lớn ở World Cup có lượng người xem qua truyền hình vượt xa lượng người xem các trận đấu lớn ở Champions League. Bóng đá cấp đội tuyển, với văn hóa vùng miền, niềm tự hào dân tộc cũng mang đến một sự hào hứng khác xa với bóng đá cấp CLB.

Nations League mang lại bầu không khí cuồng nhiệt chưa từng có cho những trận cầu từng bị xem là chán ngắt như trận Armenia - Liechtenstein ở bảng 4, League D hôm qua. 

Vấn đề là những giải đấu dành cho đội tuyển quá ít. Chẳng hạn như Anh và Tây Ban Nha, lần cuối họ gặp nhau trong một trận đấu có ý nghĩa cạnh tranh đã là Euro 1996. Khi tái ngộ tại Wembley vào thứ Bảy tới, chắc chắn mọi người sẽ phải dõi theo họ.

Điều hay nữa là Nations League không khiến các cầu thủ phải đá nhiều hơn. Họ vẫn đá chừng ấy trận, chỉ là thay những trận vô bổ thành những trận có ý nghĩa, đồng nghĩa với những trận đấu hay hơn, kịch tính hơn. Nếu nó chứng tỏ sự ưu việt, mô hình này sẽ sớm lan rộng ra toàn thế giới. CONCACAF - Liên đoàn bóng đá Bắc Trung Mỹ và Caribbean, đã tuyên bố sẽ khai sinh Nations League của riêng họ vào năm sau. AFC cũng đang suy nghĩ nghiêm túc về việc này.

Hãy nghĩ về việc đội chiến thắng ở mỗi châu lục sẽ chạm trán nhau ở một Nations League quy mô toàn cầu. Hãy nghĩ về một giải đấu ngắn, với tám đội mạnh nhất, thi đấu hai năm mỗi lần. Hãy tưởng tượng Brazil, Argentina, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha... tham gia tranh tài. Chắc chắn nó sẽ hay hơn đáng kể so với một Confederations Cup nhợt nhạt.

Câu hỏi duy nhất còn lại: ai sẽ sở hữu giải đấu này? Khi UEFA nảy ra ý tưởng này, họ chỉ muốn tổ chức riêng cho họ, hoàn toàn gạt bỏ vai trò của FIFA. Nhưng thư ký của UEFA năm ấy, Infantino, bây giờ là Chủ tịch FIFA. Và ông ta muốn... bắt cóc kế hoạch ấy mang về FIFA. Infantino rất nhanh chóng nhìn thấy một nguồn thu mới và khổng lồ cho FIFA.

Nếu FIFA là một công ty, thì công ty ấy mấy chục năm qua chỉ bán duy nhất một sản phẩm: World Cup. 90% thu nhập của FIFA đến từ môn bóng đá nam World Cup. Và FIFA đang cần cải thiện nguồn thu, sau khi scandal tham những của họ khiến rất nhiều nhà tài trợ cỡ bự bỏ đi.

Ý tưởng làm Nations League của UEFA đang được FIFA của Chủ tịch Infantino áp dụng, nhằm hướng tới một Global Nations League - giải đấu hứa hẹn mang lại đột phá về doanh thu. 

Mùa xuân năm nay, một tập đoàn gồm những nhà đầu tư lớn đã đồng ý chi 25 tỷ đôla cho Nations League ở các châu lục và giải World Cup các CLB. Infantino đã gọi món tiền ấy là “phi vụ đầu tư lớn nhất lịch sử bóng đá”.

Theo kế hoạch của FIFA, tám đội tuyển sẽ tham gia Global Nations League có thể thu về mỗi đội từ 37,5 triệu đến 75 triệu đôla. Một so sánh nhỏ: năm ngoái Đức chỉ thu về 4,1 triệu đôla sau khi vô địch Confederations Cup. Vậy thì tập đoàn những nhà đầu tư kia chờ đợi gì? Họ muốn kiểm soát Nations Leagues đến 2033. Theo lý, Infantino phải nêu tên những nhà đầu tư này ra, nhưng đến giờ ông vẫn giữ kín.

Một trở ngại nhỏ, UEFA tất nhiên không vui với ý định mang Nations League đem bán. Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin, nói trên Kicker (Đức): “Chúng tôi trình bày ý tưởng này cho FIFA, rồi cho các Liên đoàn bóng đá và các CLB. Rồi đùng một cái FIFA đến và nói họ sẽ bán nó cho một tổ chức nào đó mà không giải thích gì. Đề nghị gì mà lạ lùng vậy?".

Vẫn còn một đoạn đường khá dài để Global Nations League trở thành hiện thực. Nhưng ai cũng thấy rõ nó có tiềm năng cực lớn. Thậm chí về lâu dài, nó có thể vượt mặt cả World Cup về tầm vóc và quy mô. World Cup 2018 vừa qua, số lượng người xem trận đấu qua TV bình quân theo trận đã giảm, đặc biệt là tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Argentina, vì FIFA đã bán nhiều trận đấu cho các kênh TV trả tiền thay vì phát miễn phí.

Từ 2026, World Cup sẽ tăng từ 32 lên 48 đội. Tương tự, Euro 2016 rớt đi 23% lượng người xem qua truyền hình sau khi tăng thể thức lên thành 24 đội, so với 16 đội ở Euro 2012. Xu hướng bây giờ phải biến những trận vô nghĩa thành có nghĩa, chứ không phải ngược lại. Nations League hứa hẹn sẽ giải bài toán ấy.

Mười năm nữa thôi, khi nhìn lại ngày này, có thể chúng ta sẽ thấy bóng đá đã thay đổi như thế nào... theo một chiều hướng tốt hơn.

Nguồn VNE (theo ESPN)

Tại Việt Nam, khán giả có thể theo dõi các trận đấu của UEFA Nations League từ ngày 6/9 trên hệ thống các kênh thể thao của VTVcab và các ứng dụng Onme, VTVcab ON, ON Sports. VTVcab cũng là đơn vị sở hữu tất cả các trận đấu vòng loại châu Âu Euro 2020 và vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu.

Tin cùng chuyên mục