Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nên để Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đào tạo, cấp bằng lái xe
Thứ sáu: 09:51 ngày 21/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều ý kiến không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ và xem xét chuyển công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Hai tháng qua, Thường trực Chính phủ đã hai lần cho ý kiến về Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Trong đó, Chính phủ tiếp tục đề xuất tách Luật GTĐB và xem xét chuyển công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, nhiều ý kiến không đồng tình với cả hai nội dung trên.

Bộ GTVT đang làm tốt

Theo ông Bùi Văn Xuyền, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu phát biểu không đồng tình việc tách Luật GTĐB.

Nguyên nhân, theo ông Xuyền, qua nghiên cứu hệ thống pháp luật các quốc gia, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy Luật GTĐB là kết cấu hạ tầng, phương tiện, người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Các thành tố này thống nhất, gắn kết chặt chẽ, đảm bảo chất lượng an toàn GTĐB, tách ra thì trở nên khô cứng và vô nghĩa.

“Cạnh đó, nếu tách luật này, tới đây các luật đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không có tách ra nữa không? Vì nếu quản lý tài xế đường bộ thì cũng cần quản lý người lái tàu hỏa, tàu thủy, phi công…” - ông Xuyền băn khoăn.

Về việc chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, ông Xuyền cho rằng cần phải hiểu tổ chức giao thông là lĩnh vực dân sự, công an là lực lượng vũ trang. Theo đó, những vấn đề dân sự đang làm tốt để cho dân sự làm, công an không nên quản lý những vấn đề này. Còn chỗ nào Bộ GTVT làm chưa tốt thì tiếp tục sửa đổi, bổ sung, chấn chỉnh để quản lý cho tốt hơn. “Tất nhiên hiện nay lĩnh vực này có những tồn tại, hạn chế nhưng cái này không phải lỗi vì chuyển từ bộ này sang bộ khác…” - ông Xuyền nhận định.

Ngoài ra, ông Xuyền cũng chỉ ra các bất cập khi chuyển công tác trên cho lực lượng vũ trang. Chẳng hạn làm “phình” bộ máy, từ đó dẫn đến tăng gánh nặng lên ngân sách, đi ngược lại chủ trương tinh giản biên chế. Đặc biệt, việc công an vừa đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và xử phạt trên đường dẫn đến một vòng tròn khép kín, tập trung vào một ngành nên dễ dẫn đến tình trạng độc quyền, lạm quyền…

Tương tự, PGS-TS Phạm Xuân Mai, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng Luật GTĐB của các nước nói chung đều nhằm duy trì trật tự GTĐB, đưa ra những cảnh báo nhằm phòng ngừa và hạn chế tai nạn giao thông; bảo đảm an toàn cho người, tài sản cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, các tổ chức hợp pháp, tăng cường tính hiệu quả của hệ thống đường sá.

“Tức là trong luật GTĐB đã có các điều luật về trật tự và an toàn GTĐB rồi, cho nên các nước không tách ra thành hai luật. Luật GTĐB do Bộ GTVT quản lý là đúng theo thông lệ của các nước và chức năng của Bộ GTVT” - ông Mai nói.

Chính phủ tiếp tục đề xuất tách Luật GTĐB và xem xét chuyển công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Mai nói thêm: Các nước đã làm như thế thì Việt Nam cũng nên như thế, bởi nếu tách ra sẽ dẫn đến chồng chéo, bộ máy phình ra, cồng kềnh và không khớp nhau khi hai bộ cùng quản lý một công việc, không hội nhập được với khu vực và thế giới.

“Nếu Bộ GTVT quản lý Luật GTĐB bao gồm trật tự, an toàn GTĐB thì không nên thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an nữa vì lại sẽ có bất cập và chồng chéo” - ông Mai nhấn mạnh.

Những lý do chuyển sang Bộ Công an thiếu thuyết phục

Về ý kiến cho rằng ngành công an đang quản lý dữ liệu dân cư nên quản lý luôn lĩnh vực trên, ông Xuyền cho rằng đây là dữ liệu dùng chung nên các bộ, ngành có trách nhiệm tích hợp cơ sở dữ liệu vào. Đây cũng không phải lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm mà là quản lý hành chính và lẽ ra nên giao cho dân sự làm. Nếu vì lý do trên thì tới đây nhiều bộ, ngành sẽ chuyển hết lĩnh vực sang cho Bộ Công an quản lý, như vậy thì thành siêu bộ, ngân sách chi tăng lên…

“Tóm lại, ngành công an nên tập trung vào công việc chính là đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, vấn đề này cũng còn nhiều việc phải làm…” - ông Xuyền nói.

Đồng tình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV, cho rằng việc Chính phủ dự định trình ra Quốc hội hai dự luật mà không điều chỉnh và tiếp tục giao cho công an quản lý công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX là chưa tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Nếu công an đảm nhận đào tạo, sát hạch và cấp GPLX có nghĩa là công an đi quản lý nhà nước chứ không phải là chính quyền quản lý nhà nước. Vì công an bản chất là công cụ của Nhà nước để giữ an ninh trật tự, chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước. Hiến pháp quy định việc quản lý nhà nước là vấn đề của Chính phủ và các bộ, ngành. Trong đó, Bộ GTVT quản lý lĩnh vực giao thông, Bộ Xây dựng quản lý lĩnh vực xây dựng…

Cũng theo ông Nhưỡng, Bộ Công an cho rằng việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX là lĩnh vực quản lý hành vi của con người, để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân. Nếu như vậy, câu hỏi đặt ra là ngành giao thông lâu nay không quản lý hành vi con người sao?

“Bản chất của Luật GTĐB không chỉ điều chỉnh vấn đề kinh tế - xã hội mà bản chất là đảm bảo trật tự ATGT, trong đó có đảm bảo an toàn về con người và hành vi con người. Mà bất kỳ hành vi nào cũng là hành vi của con người, khi nói đến phương tiện, con đường là nói đến con người… Nên tôi cho rằng tất cả lý do trên không phù hợp và mang tính chất lợi ích bộ, ngành nhiều hơn” - ông Nhưỡng nói.

Đại diện một trường đào tạo, sát hạch GPLX tại TP.HCM cũng không đồng tình với việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch GPLX qua Bộ Công an. Theo vị này, việc lấy lý do tai nạn giao thông nhiều là do quá trình đào tạo lái xe là không thuyết phục, tai nạn là do ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời, vị này cũng cho rằng việc đào tạo và sát hạch, bồi dưỡng nghiệp vụ song hành với nhau. Nếu tách một trong các quy trình này sẽ gây sự không đồng nhất, thậm chí nó có thể gây sự xáo trộn giữa các nghiệp vụ nói trên.•

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, qua lấy ý kiến thăm dò các đại biểu Quốc hội, có 62,79% đại biểu không đồng ý việc tách Luật GTĐB thành Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB; 66,74% đại biểu không đồng ý thay đổi thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an và lùi thời gian trình luật sang Quốc hội khóa XV.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục