Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Góc nhìn
Nên tư vấn tuyển sinh hay tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp ?
Thứ hai: 00:02 ngày 05/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðối với học sinh cuối cấp và cả các bậc phụ huynh, câu chuyện chọn trường/ngành/nghề luôn là đề tài nóng bỏng. Và cũng sẽ không quá lời khi vấn đề hướng nghiệp được bàn đến mà không trở nên thừa thãi, chí ít qua khuôn khổ bài viết này.

Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh (ảnh minh hoạ Nhật Quang).

Bước vào tháng 4, học sinh lớp 12 trên cả nước bước vào “cuộc chiến cân não” trong việc chọn ngành, chọn trường, hay nói một cách khác là chọn con đường hướng đến tương lai của chính các em. Ðối với học sinh cuối cấp và cả các bậc phụ huynh, câu chuyện chọn trường/ngành/nghề luôn là đề tài nóng bỏng. Và cũng sẽ không quá lời khi vấn đề hướng nghiệp được bàn đến mà không trở nên thừa thãi, chí ít qua khuôn khổ bài viết này.

Sở dĩ tôi đặt vấn đề như trên vì thực tế, không ít học sinh vẫn đang loay hoay, lúng túng. Tôi đã thử đặt câu hỏi về việc lựa chọn nghề nghiệp, hình thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển của một số học sinh ở một trường THPT trên địa bàn thị xã Hoà Thành và nhận được phản hồi như sau:

- “Trước đây em chọn thi ngành Công an, vì ba em ngày trước cũng làm Công an. Nhưng giờ em đang phân vân giữa trường Công an và trường Quân đội. Hoặc cũng có thể em sẽ thi vào một trường nào đó mà sau này ra trường em có thể làm việc cho cơ quan Nhà nước”. Khi tôi hỏi em có biết trường nào sẽ đào tạo để em ra làm “người Nhà nước” không, học sinh này trả lời: Chưa tìm hiểu kỹ.

- “Em muốn học Luật. Em chọn thi khối D1, có thể học cả bên Luật hoặc các ngành ngôn ngữ, nhưng em sợ ra trường bị... thất nghiệp, nhất là nếu học Luật ra, thi tuyển công chức lỡ rớt thì em không biết làm sao”.

- “Em rất thích học Kiến trúc, nhưng em sẽ chọn thi một trường nào mà sau này ra trường có một việc làm ổn định, có thể tự lo cho mình không cần đến sự hỗ trợ của gia đình, sau đó em mới tính đến sở thích của bản thân”. Tôi đặt câu hỏi: Em sẽ học ngành nào để tìm được việc ổn định? Tại sao ngay từ đầu em không chọn thi Kiến trúc như sở thích? Trả lời: Em cũng chưa biết chọn trường nào. Thi bên Kiến trúc phải học năng khiếu, mà bây giờ em mới đăng ký ôn luyện môn Vẽ thì... hơi bị trễ!

- “Em không tham dự kỳ thi Ðánh giá năng lực, vì em sẽ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp”- một học sinh khác cho biết sẽ chỉ đăng ký xét tuyển bằng điểm bài thi tốt nghiệp THPT. Khi chúng tôi hỏi tại sao không thử sức với bài thi đánh giá năng lực, sẽ có cơ hội lựa chọn khi xét tuyển, học sinh này trả lời là biết đến kỳ thi đánh giá năng lực muộn màng hơn các bạn (trong khi, các bạn em vừa trải qua kỳ thi hôm 28.3.2021).

Ðó là những mẩu chuyện nhỏ về sự “chông chênh” của các em học sinh cuối cấp. Ðược biết, việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trong khoảng thời gian này chủ yếu qua tờ rơi mà Ðoàn trường hoặc bộ phận phụ trách công tác tuyển sinh, hướng nghiệp của nhà trường phát xuống các lớp.

Theo đó, từ đầu tháng 3, các trường đại học đều có lực lượng làm công tác tuyển sinh (chủ yếu là sinh viên năm 2, năm 3 đảm nhận công việc này để tích luỹ điểm rèn luyện, bên cạnh tích luỹ điểm học tập bằng hình thức tín chỉ) mang các tờ rơi có những thông tin cơ bản về chương trình đào tạo của trường đại học phát cho học sinh lớp 12 tham khảo. Và không phải lúc nào các em học sinh cũng dành thời gian tìm hiểu, dù mỗi em đều có trong tay ít nhất là thông tin của 3 trường đại học.

Các em học sinh cho biết thêm, ở học kỳ 1 vừa qua, có một đoàn tư vấn do Báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh phối hợp với một số trường đại học đến trường tư vấn nhưng thời gian rất hạn chế, khoảng 7 giờ họ có mặt thì hơn 8 giờ đã kết thúc, vì còn dành thời gian để đến trường khác tư vấn. Khi tôi hỏi là buổi tư vấn ấy mang đến thông tin gì để các em cân nhắc chọn ngành/nghề, một học sinh lớp 12 nói: “Em không chú ý lắm, vì lúc đó còn ở học kỳ 1” (!?).

Học sinh khác cho biết, trong buổi tư vấn có chuyên gia tâm lý chia sẻ về “lộ trình” chọn trường, nghề như sau: (1) trắc nghiệm bản thân (bằng một kênh trắc nghiệm có uy tín); (2) xem xét năng lực/sở thích/điều kiện tài chính; (3) tham khảo dự báo/nhu cầu của xã hội; (4) chọn ngành/trường.

Ở một góc độ khác, một lần tình cờ được nghe hai bạn trẻ (là sinh viên năm thứ 3) chuyện trò về ngành và trường học của họ, người viết biết thêm là một người trong số ấy sẽ thi đại học trở lại.

Bạn trẻ ấy quả quyết với bạn mình: “Tớ chịu áp lực rất lớn khi trao đổi với gia đình về lựa chọn thi lại vào trường Sư phạm, vì sau 2 năm học ở trường kỹ thuật tớ không thấy hào hứng.

Ngược lại, đôi ba lần làm công tác trợ giảng cho nhà trường, tớ thấy mình có ích! Cũng may là cha mẹ tớ không phản đối quyết định này”. Người bạn còn lại cũng có nỗi niềm: Học ngành xây dựng, thấy không phù hợp nhưng không đủ dũng khí bước ra.

Ðôi điều về những gì quan sát, nghe thấy như trên, người viết cho rằng, phải chăng câu chuyện tư vấn tuyển sinh và tư vấn hướng nghiệp đang bị đánh đồng? Với nghĩa tư vấn tuyển sinh, thì những mẩu tờ rơi, quảng cáo mà sinh viên các trường đại học đến tận trường phổ thông để phát (có thể xem là hình thức “tiếp thị”), đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhưng tiếc là, nếu thực sự xem chuyện các sinh viên đến các trường phổ thông là để tư vấn hướng nghiệp, thì lẽ ra, các trường nên tạo điều kiện để sinh viên giới thiệu về ngành họ đang học, chương trình đào tạo, tố chất để theo ngành và tiềm năng, sự đáp ứng của ngành đối với nhu cầu của xã hội. Khi đó, chuyến đi của sinh viên mới không vô bổ. Học sinh cuối cấp, tuỳ theo năng lực, tố chất và điều kiện của bản thân, có thể chọn ngành, chọn trường phù hợp (không nhất thiết là trường các em được mời gọi).

Thêm nữa, ở phạm vi trường phổ thông, ban giám hiệu các trường cần chú ý thêm đội ngũ công tác chủ nhiệm lớp, có không ít giáo viên chủ nhiệm lớp 12 hiện giờ làm tròn chức phận của họ là quản lý, đôn đốc việc học của học sinh để chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là xong, việc chọn nghề, chọn trường của học sinh là để học sinh... tự quyết. Trên thực tế, nếu sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh diễn ra theo chiều hướng “tất cả vì học sinh thân yêu”, chắc chắn hiệu quả mang lại không hề nhỏ.

Nam Việt

Tin cùng chuyên mục