Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐẶC THÙ CỦA HAI NGÀY NGHỈ CUỐI TUẦN TRONG QUÂN ĐỘI
Nét đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình
Thứ hai: 11:25 ngày 03/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong thời bình, việc huấn luyện, công tác, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội là một dạng lao động mang tính đặc biệt với tính khẩn trương và cường độ cao, diễn ra trong một tổ chức đặc biệt. Sau những ngày huấn luyện, công tác, bộ đội có nhu cầu nghỉ ngơi.

Hoạt động vui chơi, giải trí trong ngày nghỉ tại Sư đoàn 5.

Mỗi tuần, người lao động nói chung và bộ đội nói riêng có hai ngày nghỉ. Ðối với cán bộ, công chức dân sự, hai ngày nghỉ đồng nhất hoàn toàn với thời gian tự do của cá nhân. Ðối với bộ đội, trong hai ngày nghỉ hầu hết vẫn ở trong doanh trại, trong trạng thái sẵn sàng. Ðây là đặc thù riêng của quân đội, đồng thời phản ánh vinh dự và trách nhiệm vẻ vang của mỗi quân nhân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Trong điều kiện chiến tranh, bộ đội không còn thời gian “nhàn rỗi”, không có ngày nghỉ cuối tuần, mà có thể còn đòi hỏi sự hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trong thời bình, việc huấn luyện, công tác, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội là một dạng lao động mang tính đặc biệt với tính khẩn trương và cường độ cao, diễn ra trong một tổ chức đặc biệt. Sau những ngày huấn luyện, công tác, bộ đội có nhu cầu nghỉ ngơi.

Hai ngày nghỉ là thời gian cần thiết dành cho các hoạt động để bộ đội thoả mãn những nhu cầu vật chất, tinh thần, phục hồi thể lực sau một tuần huấn luyện, công tác, nâng cao hiệu quả huấn luyện, công tác trong tuần tiếp theo. Ðó vừa là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bộ đội, vừa là yếu tố góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện hiện nay. Tổ chức cho bộ đội nghỉ thứ 7, chủ nhật là trách nhiệm pháp lý trong thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước mà mỗi đơn vị trong quân đội phải quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, về nguyên tắc hai ngày nghỉ là thời gian người lao động được toàn quyền sử dụng. Riêng đối với bộ đội, tuy cũng là người lao động trong bộ máy Nhà nước, nhưng là lực lượng lao động đặc biệt trong một môi trường đặc biệt đó là tổ chức quân sự và hoạt động quân sự. Mỗi quân nhân đều có quyền sử dụng hai ngày nghỉ, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện nghĩa vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

Chức năng, nhiệm vụ đặc biệt của quân đội ta liên quan đến sự sống còn của quốc gia, dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch khi tiến công phá hoại an ninh trật tự, an toàn xã hội, không loại trừ những ngày nghỉ, âm mưu gây bất ngờ cho đối phương, đẩy đối phương vào thế bị động. Vì thế, việc quản lý chặt chẽ bộ đội trong hai ngày nghỉ là một yêu cầu tất yếu của nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống ở các đơn vị quân đội.

Sự khác biệt căn bản giữa hai ngày nghỉ của bộ đội so với các đối tượng công chức, lao động thuộc các tổ chức kinh tế- xã hội, cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể xã hội đó là:

Thứ nhất, hoạt động chính trị- tinh thần, nghỉ ngơi, giải trí của bộ đội gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, an ninh quốc gia, lợi ích giai cấp và dân tộc. Ðiều này nói lên trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của các quân nhân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, quy định mục đích, yêu cầu, nội dung hoạt động hai ngày nghỉ và phẩm chất chính trị, đạo đức quân nhân; đấu tranh chống lại sự phá hoại về chính trị tư tưởng, lối sống của các thế lực thù địch, những biểu hiện tiêu cực và các tệ nạn xã hội ở đơn vị trong hai ngày nghỉ. Mọi hoạt động của hai ngày nghỉ vẫn phải thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Thứ hai, các hoạt động hai ngày nghỉ đặt dưới sự tổ chức, định hướng, điều khiển của người chỉ huy. Toàn bộ hoạt động chính trị- tinh thần, nghỉ ngơi, giải trí của bộ đội vào hai ngày nghỉ diễn ra trong môi trường quân sự, quân nhân phải tuân thủ triệt để điều lệnh, kỷ luật quân đội, vừa nghỉ ngơi, vừa luân phiên duy trì hoạt động theo những quy định, chế độ về trực ban, trực chiến, trực sẵn sàng chiến đấu và rèn luyện nề nếp chính quy.

Thứ ba, do đặc trưng hoạt động quân sự là tính phức tạp về nội dung, tính biến động về nhiệm vụ, diễn ra trong mọi thời gian, không gian rộng, huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu với cường độ cao, trong mọi điều kiện hoàn cảnh, khí hậu, thời tiết và rất khẩn trương… dẫn đến căng thẳng về tâm lý và thể lực.

Mặc dù vậy, mọi quân nhân không được phép nghỉ “xả hơi” mà cùng nhau tham gia các hoạt động văn hoá tinh thần, vui chơi giải trí trong hai ngày nghỉ theo quy định của đơn vị, mệnh lệnh người chỉ huy một cách nghiêm minh, tự giác, đồng thời bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác khi cấp trên giao.

Thứ tư, từng đơn vị đóng quân ở các vùng có đời sống kinh tế phát triển khác nhau thì điều kiện bảo đảm cho hoạt động hai ngày nghỉ cũng khác nhau.

Hoạt động hai ngày nghỉ với tính chất phục hồi thể chất và giải trí là chủ yếu tập trung vào một số nội dung gồm: tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ; các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí; hoạt động tuyên truyền cổ động; xây dựng cảnh quan, môi trường; hoạt động giao lưu, kết nghĩa; tổ chức dạy nghề, dạy kỹ năng về hoạt động Ðoàn, văn nghệ, tổ chức trò chơi, giải trí và ôn luyện kiến thức văn hoá.

Tìm hiểu đặc thù hai ngày nghỉ trong quân đội chúng ta thấy, không chỉ ngày đêm thi đua đoàn kết tốt, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, mà ngay cả trong từng giờ nghỉ, ngày nghỉ, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hướng hoạt động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân giao phó, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiểu rõ đặc thù hai ngày nghỉ trong quân đội, chúng ta thấy tự hào hơn về hình ảnh, nét đẹp bộ đội Cụ Hồ trong thời bình hôm nay.

Xuân Thu

Tin cùng chuyên mục