Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tây Ninh có nhiều làng nghề truyền thống, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân địa phương mà còn lưu giữ những giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân cư.
Nghề chằm nón lá Ninh Sơn đang dần mai một. Ảnh: Lê Văn Hải
Nghề làm nhang
Ở khu phố Long Tân, phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành có làng nghề làm nhang rất nổi tiếng. Sản phẩm không chỉ phục vụ cho người dân trong tỉnh mà còn phân phối cho nhiều tỉnh, thành miền Nam và xuất khẩu sang nước bạn Campuchia. Nhang của làng nghề này được sản xuất từ nguyên liệu bột lá gòn pha với bột quế và trầm hương. Vì thế, mùi hương rất nhẹ; màu sắc không sặc sỡ mà chỉ thuần một màu vàng và đỏ.
Ông Lê Văn Chung, ngụ khu phố Long Tân gắn bó với nghề làm nhang hơn 40 năm. Ông Chung cho biết, nghề này làm quanh năm, cao điểm từ khoảng tháng 10 đến tết nguyên đán, làng nghề phải đẩy mạnh sản xuất mới đáp ứng nhu cầu của người dân. Thời điểm cuối năm, trung bình mỗi máy có thể sản xuất từ 100-150kg nhang/ngày.
Gia đình chị Bùi Thị Huệ, ngụ khu phố Long Thời, phường Long Thành Bắc có hơn 10 năm theo nghề. Từ một người làm thuê cho các hộ sản xuất nhang, chị Huệ học hỏi kinh nghiệm và mở xưởng sản xuất riêng. Hiện nay, cơ sở nhang của chị Huệ sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Với cách làm này giúp cho gia đình chị nâng cao thu nhập hơn.
Tính đến nay, nghề nhang của phường Long Thành Bắc đã duy trì được khoảng 40 năm. Một số hộ có điều kiện đã đầu tư máy sản xuất nhang theo hướng công nghiệp hiện đại. Nghề làm nhang truyền thống ở đây còn là đề tài hấp dẫn cho những người yêu thích ảnh nghệ thuật.
Phơi nhang. Ảnh: Nguyễn Minh Thiện
Nghề mây tre nứa
Làng nghề mây tre nứa ở phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành là làng nghề thủ công mỹ nghệ vừa mang nét truyền thống lại vừa hiện đại. Ông Võ Thành Phương, người lập ra cơ sở sản xuất tre nứa Hùng Phát kể, khoảng năm 1960, ở xóm có bà Sáu dùng cây tầm vông già đóng thành chiếc giường để nằm.
Thấy loại giường này nằm mát lưng, bền bỉ, một số người dân trong xóm nhờ bà Sáu làm cho gia đình mình. Tiếng lành đồn xa, vài tiểu thương chợ Long Hoa tìm đến đây đặt hàng sản phẩm này và đem về bày bán ở chợ. Thấy nghề này dễ làm, nguyên liệu tầm vông có sẵn, ông Phương đến nhà bà Sáu học nghề và bắt đầu sản xuất loại giường tre này. “Sau đó, nhiều hộ dân khác bắt đầu làm theo và dần dần phát triển thành làng nghề như ngày nay” - ông Phương nhớ lại.
Theo lời ông Phương, những năm sau đó, người dân trong làng không chỉ sản xuất giường tre mà còn làm thêm các loại bàn, ghế, tủ, kệ. Những năm trước, các sản phẩm này chủ yếu bán cho người dân trong tỉnh, chỉ có một số ít bán về TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, từ TP Hồ Chí Minh, sản phẩm này được xuất khẩu ra nước ngoài để làm đạo cụ trong phim trường. “Có lần, tôi xem phim nước ngoài, nhìn thấy bàn ghế tre của mình sản xuất được dùng đóng phim, vui lắm”- ông Phương hào hứng kể.
Từ năm 2015, ông Phương giao lại cơ sở cho 2 người con. Một trong hai người con của ông là chị Võ Thị Ngọc Phát đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, cơ sở mây tre của chị Phát sản xuất hàng chục mặt hàng khác nhau. Cuối tuần, xe container đến cơ sở thu mua sản phẩm chở về TP. Hồ Chí Minh để xuất ra nước ngoài. “Những năm qua, dịch Covid- 19 bùng phát làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu mặt hàng này. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã kiểm soát, hàng hoá sản xuất ổn định trở lại”- chị Phát vui vẻ cho hay.
Bà Én miệt mài với nghề chằm nón lá
Nghề chằm nón lá
Nghề chằm nón lá ở khu phố Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh có từ rất lâu. Bà Nguyễn Thị Hoà (khu phố Ninh Sơn) tâm sự, gia đình bà quê ở miền Trung. Xưa, cha mẹ bà theo ông bà nội từ miền Trung vào Tây Ninh sinh sống, mang theo nghề chằm nón lá và trở thành nghề kiếm sống ở vùng đất mới.
Cũng như nhiều cô gái khác, lớn lên, bà Hoà nối nghiệp chằm nón lá của ông bà, cha mẹ. Theo lời bà Hoà, để có được chiếc nón lá thành phẩm, phải tốn nhiều công sức. Đàn ông khoẻ mạnh thì chặt trúc, vót nan; số khác đi vào rừng chặt lá buông. Lá buông đem về nhà còn phải qua nhiều công đoạn như phơi nắng cho khô, rồi phơi sương cho dẻo, trải lá, cắt lá.
Sau đó, người thợ bắt tay vào chằm nón. Một người thợ giỏi nghề, trung bình mỗi ngày chỉ chằm được 3 chiếc nón lá. “Trước đây, nhiều người dân Ninh Sơn còn sản xuất được những loại nón cao cấp, đầy tính nghệ thuật như bài thơ, nón tranh, nhưng những năm gần đây, loại nón này bán ra thị trường rất chậm nên đã ngưng sản xuất”- bà Hoà cho biết.
Sản xuất sản phẩm từ mây tre nứa ở phường Long Thành Trung.
Bà Tạ Thị Hồng Én cũng là một trong số những người thợ yêu nghề chằm nón lá ở Ninh Sơn. Bà Én nhớ lại, ngày trước ở Ninh Sơn, nhà nào cũng làm nghề chằm nón lá. “Công việc vất vả, thu nhập thấp nên giờ chỉ còn một số ít người theo nghề này. Đa số thanh niên bây giờ đi học hoặc làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp nên làng nghề đã mai một so với trước”- bà Én nhận xét.
Trước sự phát triển của công nghiệp hiện đại, những làng nghề thủ công đối diện với nguy cơ mai một là điều không thể tránh khỏi. Nhận thấy được nguy cơ này, Tây Ninh đã có chính sách bảo tồn để lưu giữ những làng nghề truyền thống. Hy vọng chủ trương đúng đắn sẽ giữ gìn và phát huy được những giá trị làng nghề truyền thống ở Tây Ninh.
Đại Dương