Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nếu sai phạm, về hưu vẫn không thoát kỷ luật
Thứ ba: 13:43 ngày 26/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc dù có chức vụ hay không có chức vụ đều bị xử lý nếu khi còn công tác có hành vi vi phạm pháp luật.

Chiều 25-11, với 436/454 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bấm nút tán thành (chiếm 88,20%), QH đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CB, CC) và Luật Viên chức (VC). Trong đó có quy định về xử lý kỷ luật đối với CB, CC về hưu, nghỉ việc…

Về hưu, nghỉ việc vẫn bị “xóa chức vụ”

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự luật việc xử lý CB, CC đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về hình thức xử lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra để vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc nhưng bảo đảm tính nhân văn. Có ý kiến đề nghị cân nhắc thay hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” bằng hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách đang được hưởng.

Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy xử lý kỷ luật đối với CB, CC đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH xin được quy định trong luật nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với CB, CC đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

“Để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong dự thảo luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện” - ông Phúc nói.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (ảnh nhỏ: Bảng tỉ lệ ĐBQH bấm nút, tỉ lệ tán thành). Ảnh: TTXVN

Vẫn thi tuyển công chức

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết qua tổng hợp ý kiến về dự luật, một số ĐBQH đề nghị quy định chặt chẽ, khả thi hơn để có thể đưa được người không đủ năng lực, trình độ ra khỏi bộ máy.

Có ý kiến đề nghị quy định việc đánh giá công chức theo kết quả, hiệu quả công việc cụ thể; bổ sung nội dung đánh giá; thay cụm từ “phân loại đánh giá” bằng cụm từ “xếp loại chất lượng” để phù hợp, đồng bộ với Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Điều 56 của Luật CB, CC hiện hành đã được sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn nội dung đánh giá công chức để tăng cường tính khả thi và thống nhất với các văn bản của Đảng, như bổ sung nội dung đánh giá: Chấp hành quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể…; thay thế cụm từ “phân loại đánh giá” bằng cụm từ “xếp loại chất lượng” CB, CC, VC để chỉnh lý tại các điều tương ứng của Luật CB, CC và Luật VC.

Liên quan đến đề nghị thay đổi phương thức tuyển dụng công chức, không thực hiện thi tuyển để hạn chế phát sinh tiêu cực, ông Phúc cho hay Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy quy định về thi tuyển công chức đã có trong Luật CB, CC hiện hành và thực tế phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Để bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan thì việc tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển là cần thiết.

“Bên cạnh đó, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung làm rõ các trường hợp thuộc diện xét tuyển công chức, trường hợp được tiếp nhận vào làm công chức không qua thi tuyển. Quá trình tổ chức thực hiện đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm” - ông Phúc nói.

Có thể bị xử lý hình sự

Khoản 5 Điều 84 Luật CB, CC quy định việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của CB, CC đã nghỉ việc, nghỉ hưu như sau:

a) Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của CB, CC đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật;

b) CB, CC sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Việc xử lý kỷ luật đối với CB, CC đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1-7-2020 được thực hiện theo quy định của luật này.

Xử tất cả, không chỉ xử CB, CC từng giữ chức vụ

Về đề nghị quy định theo hướng chỉ xử lý hành vi vi phạm trong thời gian công tác của CB, CC giữ chức vụ, quyền hạn nhất định đã nghỉ hưu, nghỉ việc mà không áp dụng chung cho tất cả CB, CC đã nghỉ hưu, nghỉ việc, ông Phúc cho hay: “Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy việc bổ sung vào Luật CB, CC quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả CB, CC đã nghỉ việc, nghỉ hưu là thực hiện đúng yêu cầu của nghị quyết trung ương, bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của đội ngũ CB, CC nói chung, trong đó có CB, CC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý”. 

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục