Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nga nỗ lực ‘làm sạch’ Bộ Quốc phòng
Thứ bảy: 08:31 ngày 25/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc một số quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nga liên tiếp bị bắt thể hiện sự ráo riết trong nỗ lực chống tham nhũng của Nga.

Chỉ trong vòng một tháng có năm quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nga đã bị bắt. Những vụ việc này thu hút nhiều sự chú ý trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Nga vừa thay lãnh đạo mới và chi phí quốc phòng Nga tăng cao khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ ba.

Liên tiếp quan chức quốc phòng Nga bị bắt

Đầu tiên vào ngày 23-4, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Timur Ivanov bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ quy mô lớn. Theo truyền thông Nga, ông Ivanov được cho đã nhận hối lộ khoảng 1 tỉ rup (hơn 11 triệu USD) từ các nhà thầu xây dựng quân sự. Giới quan sát đánh giá đây là vụ bê bối tham nhũng nghiêm trọng nhất nước này kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov. Ảnh: THE TELEGRAPH

Sau đó, ngày 14-5, lãnh đạo Tổng cục Nhân sự của Bộ Quốc phòng Nga Yury Kuznetsov cũng bị bắt với cáo buộc tương tự. Theo cơ quan điều tra Nga, từ năm 2021 đến 2023, dưới cương vị là lãnh đạo Tổng cục 8 chịu trách nhiệm về bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Nga, ông Kuznetsov đã nhận hối lộ từ đại diện các doanh nghiệp để đưa ra quyết định có lợi cho họ.

Ngày 21-5, hãng thông tấn TASS đưa tin Thiếu tướng Ivan Popov, cựu chỉ huy Quân đoàn 58 đóng quân ở làng Robotyne (Zaporizhia, Ukraine), bị bắt với cáo buộc lừa đảo quy mô lớn liên quan đến vật liệu xây dựng cho các công sự quân sự ở tỉnh Zaporizhia. Theo TASS, người này bị bắt giữ vào ngày 17-5 theo lệnh của Tòa án quân sự đồn trú số 235.

Gần đây nhất, ngày 23-5, hai quan chức quốc phòng cấp cao Nga là Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm lãnh đạo Tổng cục Truyền thông của quân đội Nga Vadim Shamarin và lãnh đạo bộ phận mua sắm quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nga Vladimir Verteletsky cũng bị bắt.

Theo cơ quan điều tra Nga, Trung tướng Vadim Shamarin bị bắt vì nhận hối lộ đặc biệt lớn. Trong khoảng thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 10-2023, ông Shamarin đã nhận hối lộ từ lãnh đạo và kế toán trưởng của doanh nghiệp về thiết bị truyền thông Perm Telephone Plant Telta (Nga), với số tiền là 36 triệu rup (400.000 USD). Nếu bị kết án, ông Shamarin sẽ bị phạt tù lên tới 15 năm. Vụ việc này có thể chưa dừng lại ở chuyện bắt ông Shamarin khi TASS đưa tin rằng còn nhiều nhân vật khác có thể liên quan.

Còn ông Vladimir Verteletsky bị bắt với cáo buộc lạm quyền, gây thất thoát cho nhà nước ước tính khoảng 70 triệu rup (764.000 USD), theo hãng thông tấn Interfax. Theo cơ quan điều tra, vào năm 2022 ông Verteletsky đã tự ý cho dừng một số công việc, dù chưa hoàn thành, trong một hợp đồng với chính phủ và điều này gây thất thoát số tiền nói trên. Truyền thông Nga, gồm đài RT, RBC, dẫn lời một số nguồn tin rằng ông Verteletsky đã nhận hối lộ, bao gồm 1 căn nhà và 1 chiếc ô tô.

Ngày 20-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Oleg Savelyev, cựu thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga, làm thứ trưởng Bộ Quốc phòng, theo hãng thông tấn Interfax.

Moscow ráo riết chống tham nhũng

Tờ Le Monde (Pháp) đánh giá rằng các vụ bắt bớ này có tính chất chọn lọc và nằm trong nỗ lực chống tham nhũng của Moscow chứ không phải là một phần của một cuộc thanh trừng trên diện rộng như nhiều người đồn đoán trong bối cảnh ông Sergey Shoigu bị miễn nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Lực lượng Nga trong Ngày Chiến thắng 9-5 tại thủ đô Moscow (Nga). Ảnh: REUTERS

Ngày 23-5, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cũng phủ nhận các đồn đoán thanh trừng, đồng thời cho biết cuộc chiến chống tham nhũng của Nga được thực hiện ở tất cả ban ngành và các cấp, hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin.

“Cuộc chiến chống tham nhũng là một nỗ lực nhất quán. Đây không phải là một chiến dịch, mà là công việc được tiến hành liên tục. Trên thực tế, đây là một phần không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật” - ông Peskov nói.

Những vụ bắt bớ này, cùng với việc bổ nhiệm cựu phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Andrei Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng, cho thấy dường như Moscow đang chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài ở Ukraine. Trong bối cảnh chi tiêu quân sự Nga tăng cao, lên tới 6,7% GDP, và nước này dự kiến chi 1/3 ngân sách cho quân sự cho năm 2024, thì việc bổ nhiệm một người có kinh nghiệm dày dặn về kinh tế và liên tục “làm sạch” Bộ Quốc phòng sẽ khiến Bộ này hoạt động hiệu quả hơn và chống được nhiều thất thoát.

Diễn biến đáng chú ý nhất trên chiến trường gần đây là việc quân đội và xe bọc thép của Nga tràn qua biên giới với Ukraine hồi đầu tháng này để đánh vào tỉnh Kharkiv. Như vậy, Nga đã mở thêm một mặt trận mới nhằm mục đích dàn mỏng lực lượng vốn đã ít ỏi của Ukraine khi điều này buộc Ukraine phải rút quân ở một số cứ điểm khác tới cố thủ ở mặt trận này. Giao tranh vẫn đang xảy ra hằng ngày ở đây và quân Nga đã giành được một số khu vực để tạo một vùng đệm giữa biên giới Nga và Ukraine.

Moscow cảnh cáo nguy cơ xung đột Nga-NATO

Gần đây, Ukraine liên tục kêu gọi Mỹ cho phép dùng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu ở lãnh thổ Nga. Hiện tại, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa đồng ý với đề xuất này.

Tuy nhiên, hôm 23-5, một nhóm nghị sĩ Mỹ đã gửi thư tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin yêu cầu Bộ này cho phép Kiev “dùng vũ khí Mỹ tấn công mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ Nga trong một số trường hợp nhất định”.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo rằng những lời kêu gọi của các nhà lập pháp Mỹ sẽ có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đại sứ Antonov gọi đề xuất của những nghị sĩ Mỹ là “khiêu khích”, “cực kỳ nguy hiểm và liều lĩnh” và sẽ kéo Mỹ sâu vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục